Vụ học sinh đuối nước trong bể bơi ở Hà Nội: Trách nhiệm của nhà trường và các bên liên quan thế nào?

Minh Ngọc |

"Khi tai nạn xảy ra trong phạm vi trường học, trong giờ học, thuộc phạm vi quản lý của nhà trường nên nhà trường cũng phải có phần trách nhiệm", luật sư Trương Quốc Hòe bày tỏ quan điểm.

Vừa qua xảy ra vụ việc thương tâm khi một nam học sinh tử vong do đuối nước ở bể bơi của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam. Hiện nay, cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng - giáo viên dạy môn bơi lội của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trách nhiệm của thầy giáo đã rõ, pháp luật chắc chắn sẽ có hình phạt thích đáng. Tuy nhiên hiện nay, một câu hỏi khác được dư luận đặt ra, rằng trách nhiệm của nhà trường thế nào khi vụ việc thương tâm xảy ra trong giờ học?

Vụ học sinh đuối nước trong bể bơi ở Hà Nội: Trách nhiệm của nhà trường và các bên liên quan thế nào? - Ảnh 1.

Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam

Cần làm rõ trách nhiệm của nhà trường

Trao đổi với PV, Thạc sĩ, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng nhà trường cần chịu trách nhiệm trong vụ việc trên và trên hết là hiệu trưởng - người đứng đầu nhà trường.

Theo luật sư Hòe, Quyết định 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông khẳng định: trường học an toàn là toàn bộ học sinh được sống, học tập trong môi trường an toàn. Vì vậy, các trường phải có ban chỉ đạo y tế trường học, trong đó bao gồm công tác phòng chống tai nạn thương tích. Hàng năm, ban chỉ đạo này phải xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, các thành viên được tập huấn thường xuyên. Đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động để phòng chống, giảm thiểu các sự việc.

Căn cứ Điều 89 Luật Giáo dục 2015 quy định: "Nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học; thông báo về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ".

"Theo quy định nêu trên thì nhà trường phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dạy và người học. Vì vậy, khi tai nạn xảy ra trong phạm vi trường học, trong giờ học, thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm quản lý của nhà trường nên nhà trường cũng phải có phần trách nhiệm", luật sư Trương Quốc Hòe nhấn mạnh.

Vụ học sinh đuối nước trong bể bơi ở Hà Nội: Trách nhiệm của nhà trường và các bên liên quan thế nào? - Ảnh 2.

Giáo viên dạy bơi phải nắm rõ các quy định an toàn và truyền đạt cho học sinh (Hình ảnh tư liệu tại một lớp học bơi)

Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em".

Như vậy, sự việc học sinh bị đuối nước trong bể bơi nhà trường, xảy ra trong giờ học nên nhà trường phải có trách nhiệm, đầu tiên ở đây là hiệu trưởng - người đứng đầu nhà trường và phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình học sinh theo quy định Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, cần điều tra làm rõ trách nhiệm của nhà trường và một số cá nhân trong việc có hay không lỗi thiếu trách nhiệm thông qua việc làm rõ những vấn đề liên quan chất lượng hồ bơi; nội quy, quy định bể bơi và tuyển dụng giáo viên.

"Cần làm rõ chất lượng hồ bơi có đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL như: có được lắp đặt phao cứu sinh, hệ thống cấp thoát nước trong hồ bơi, có cảnh báo nguy hiểm ở khu vực mực nước sâu, có nhân viên cứu hộ, dụng cụ cứu hộ,… Ngoài ra, xem xét như giáo viên trên chính thức của nhà trường hay giáo viên được nhà trường thuê về để dạy bơi; trình độ của giáo viên có đủ tiêu chuẩn để dạy bơi, nhà trường phổ biến nội quy quy chế khi học bơi tại bể bơi nhà trường cho học sinh hay không?".

Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết thêm, từ đó, có biện pháp xem xét, xử lý kỷ luật đối với người phụ trách và đứng đầu nhà trường là hiệu trưởng. Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hiệu trưởng nhà trường về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vấn đề bồi thường

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, ở trong trường học, việc để xảy ra học sinh chết đuối trong bể bơi là điều vô cùng thương tâm và không ai mong muốn xảy ra. Sự việc đã để lại niềm đau xót, mất mát và nỗi ám ảnh cho gia đình, người thân nạn nhân và toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường. Vì vậy, nhà trường và các cá nhân liên quan cần có trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc này.

Vụ học sinh đuối nước trong bể bơi ở Hà Nội: Trách nhiệm của nhà trường và các bên liên quan thế nào? - Ảnh 3.

Khu vực xảy ra sự việc

"Ở đây, lỗi trước hết thuộc về giáo viên dạy bơi để xảy ra tai nạn. Theo quy định của nhà trường, giáo viên dạy bơi phải tuyệt đối tập trung bao quát lớp, quản lý học sinh trước, trong và sau tiết học. Bên cạnh đó, giáo viên phải điểm danh học sinh khi vào giờ học và điểm danh lại sau khi kết thúc giờ học bơi.

Do đó, việc giáo viên dạy bơi thiếu trách nhiệm làm cho học sinh chết đuối đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

Còn về phía nhà trường, căn cứ theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, nhà trường phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được nhà trường giao và căn cứ theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, nhà trường phải bồi thường thiệt hại.

"Sau vụ việc này, nhà trường cần chỉ đạo chặt chẽ hơn trong khâu tuyển dụng giáo viên, quản lý và sử dụng bể bơi một cách hiệu quả. Tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng bể bơi và hệ thống cứu hộ để tránh những vụ việc thương tâm khác xảy ra. Tính mạng con người phải luôn được đề cao", luật sư Bình chia sẻ.

Chiều 22/8, lớp 9A1 trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (ở phường Dương Nội, quận Hà Đông) có giờ học bơi lội do Trần Lâm Thắng phụ trách. Sau đó, Thắng dẫn nhóm khoảng 11 học sinh vào bể để học bơi (trong đó có em P.H.A, SN 2008).

Sau khi dẫn học sinh vào bể bơi, Thắng không phổ biến, hướng dẫn, mà ngồi ở ghế đầu bể bơi, để cho các em học sinh tự do xuống bể. Thắng không quản lý, giám sát, chỉ ngồi một vị trí, thường xuyên sử dụng điện thoại di động nên không phát hiện việc em P.H.A bị chìm xuống bể.

Đến khoảng hơn 14h cùng ngày, nhân viên dọn vệ sinh bể mới phát hiện em H.A. chìm dưới đáy bể. Khi đưa tới bệnh viện, nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.

Sự việc này đã làm nổi lên vấn đề về an toàn trong các hoạt động thể thao và giảng dạy tại các trường học. Các cơ quan liên quan cần thực hiện điều tra một cách cẩn thận để làm rõ nguyên nhân và đảm bảo rằng những biện pháp an toàn thích hợp được áp dụng để tránh các sự việc tương tự trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại