Chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc
Mọi chuyện đến mà không có cảnh báo. Một tháng trước, chính quyền ở thành phố lớn nhất ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc tuyên bố, Vũ Hán sẽ được phong tỏa để đối phó với khủng hoảng virus Corona (Covid-19).
Đó là khoảnh khắc chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, và thế giới, và 9 triệu người ở trong thành phố. Ngay cả thời điểm ở đỉnh của dịch SARS 17 năm trước, cũng chưa từng có biện pháp kiểm soát tương tự áp dụng với nhiều người như vậy trong cùng lúc.
Trong nhiều tuần sau đó, người Vũ Hán phải trải qua cuộc sống bị đảo lộn, như phải xếp hàng dài để có nhu yếu phẩm, hoặc nỗ lực để người thân được điều trị.
Lệnh phong tỏa vẫn được duy trì và không có tín hiệu cho thấy thời điểm nào thì người Vũ Hán mới được ra khỏi thành phố. Nhưng ngay cả khi lệnh phong tỏa kết thúc, thành phố sẽ không bao giờ trở về trạng thái "bình thường".
Lần đầu tiên nghe thấy thông tin về việc phong tỏa thành phố, Guan Wenhua đã nghĩ liệu đây có phải là chuyện đùa.
"Làm sao cơ quan chức năng có thể đơn giản đóng cửa một trung tâm vận tải quan trọng quốc gia?", Guan nói.
Tuyên bố được đưa ra lúc 2 giờ sáng và, nhanh chóng ngay sau đó, khi các cửa hàng mở cửa, mọi người đổ xô đến các kệ hàng, tranh giành để có được các nhu yếu phẩm, theo một video trên mạng xã hội.
"Trong 1-2 tuần đầu, cả gia đình tôi vô cùng lo lắng. Đây có phải là dấu hiệu cho thấy bệnh dịch ngoài tầm kiểm soát? Tôi hoảng hốt khi nghĩ rằng thế giới bên ngoài có thể đã từ bỏ chúng tôi", anh nói.
Đối với Xia Chengfang, người đã có nhiều đêm mất ngủ trong tháng qua, dịch bệnh đã gây ra cho cô một mất mát cá nhân rất lớn - một điều không thể kể đến trong các số liệu chính thức.
Ngày mà Vũ Hán bị phong tỏa, ông của cô bị sốt và mẹ cô đưa ông đến Bệnh viện Vũ Hán số 7. Bệnh nhân chật cứng, có người đã phải đợi 5 tiếng đồng hồ.
Tình trạng của ông nhanh chóng xấu đi nhưng hệ thống y tế trong thành phố đã quá tải.
"Ông nội của tôi cuối cùng cũng được điều trị vào ngày 28/1, nhưng đã quá muộn, ông qua đời vào sáng hôm sau do bị nhiễm virus", Xia nói.
10 lần rơi nước mắt
Nhưng đối với tình nguyện viên Andy Wang, một khoảnh khắc của sự kết nối đã khiến anh dâng trào cảm xúc.
Khi tất cả các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, anh là một trong những người tình nguyện sử dụng phương tiện cá nhân của mình để chở các nhân viên y tế đi làm.
Ngày 31/1, anh lái xe chở một y tá đã không về nhà hơn một tuần, về thăm bố mẹ cô trong vài phút.
Nữ y tá không được phép vào trong mà nói chuyện với cha mẹ qua hành lang vì cô sợ lây bệnh cho họ, anh kể lại. "Trước đây, tôi chưa từng khóc. Nhưng tháng này, tôi đã rơi nước mắt hơn 10 lần", Wang nói.
Nhiều ngày trôi qua, cảm giác hoảng loạn dần giảm bớt trong các cộng đồng trên khắp Vũ Hán khi người dân phát hiện ra họ có thể sống sót mà không cần ra ngoài và tiếp tục sống.
Người dân có thể đặt hàng trực tuyến và nhận bưu kiện vào ngày hôm sau, bên ngoài cánh cổng được chỉ định tại mỗi khu dân cư. Giá rau, thịt và trứng tăng, nhưng hầu hết mọi người nói rằng đó là thứ họ có thể hiểu và chấp nhận.
Những người khác đã cùng nhau chia sẻ thông tin trực tuyến.
Đối với tất cả cư dân Vũ Hán, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Andy Wang, một lái xe taxi cho biết, anh hy vọng đến ngày khi bệnh dịch qua đi và việc phong tỏa Vũ Hán sẽ chấm dứt.
"Tôi biết rất nhiều người đã mất người thân, nhiều chuyện sẽ không bao giờ như cũ được nữa, nhưng tôi thực sự hy vọng cuộc sống của họ có thể trở lại bình thường", tài xế taxi nói.