Liên quan đến vụ việc hai tử tù Nguyễn Văn Tình (SN 1989, trú thôn Lập Thạch, xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) và Lê Văn Thọ (SN 1980, trú tại xã Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) bỏ trốn khỏi trại tạm giam T16 Bộ Công an (Thanh Oai, Hà Nội), PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, việc hai tử tù trên bỏ trốn khỏi nơi giam giữ là một sự cố hy hữu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc thù của những phạm nhân bị kết án tử hình thường có tâm lý tiêu cực và một số cố tìm mọi cách giành lại sự sống. Đây là bản năng sinh tồn của con người.
Đặc biệt, hai tử tù này có nhiều tiền án, tiền sự nên đã có nhiều kinh nghiệm để đối phó và dùng mọi thủ đoạn với các cơ quan pháp luật trong việc giam giữ.
Về việc người thân của đối tượng Nguyễn Văn Tình (trú tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho Tình mượn xe máy để làm phương tiện bỏ trốn vi phạm quy định nào của pháp luật, Luật sư Thơm đưa ra quan điển:
Xét hành vi của người cho đối tượng Tình mượn xe vào rạng sáng 11/9/2017, thì cần làm rõ ý thức chủ quan về việc người này có biết rõ việc Tình đã trốn thoát khỏi trại giam hay không? Có biết việc điều tra, truy tố, xét xử Tình đã bị kết án tử hình và đang giam tại Trại T16 chờ thi hành án hay không?
"Hiện nay, cơ quan điều tra đang khởi tố hai đối tượng Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tìn về tội trốn khỏi nơi giam giữu theo Điều 311 BLHS.
Nếu cơ quan điều tra có căn cứ khởi tố 02 đối tượng bỏ trốn theo Khoản 2 Điều 311 BLHS (với tình tiết định khung: Có tổ chức; Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải) thì người có hành vi cung cấp xe máy cho đối tượng mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm theo Điều 313 BLHS.
Còn nếu xác định người cung cấp phương tiện cho Tình và Thọ không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về tội che dấu tội phạm theo Điều 313 BLHS thì cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi "cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức"", luật sư Thơm phân tích.
Hai tử tù Nguyễn Văn Tình (phải) và Lê Văn Thọ
Luật sư Thơm cho hay, hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ đã phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ theo Điều 311 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Thơm, đối với trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn thì cần căn cứ vào kết quả điều tra, làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của người này.
Nếu cán bộ trực tiếp quản lý đã làm hết trách nhiệm mà người bị giam, giữ vẫn trốn được thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội.
Tùy theo tính chất mức độ sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo qui định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 301 BLHS về tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.
Theo quan sát của PV, quanh trại tạm giam T16 là cánh đồng, ít nhà dân
"Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác trực tiếp quản lý là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vi phạm các quy định về chế độ liên quan đến việc giam, giữ nên để cho người bị giam, giữ trốn.
Nếu trường hợp có sự thông đồng từ các đối tượng đang bị giam giữ hoặc giữa các đối tượng thân quen bên ngoài với các cán bộ quản lý trại giam để cho phạm nhân bỏ trốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo Điều 311 BLHS", luật sư Thơm thông tin.
Luật sư Thơm cũng cho biết thêm, nếu các đối tượng bên ngoài có sự thông đồng bằng lợi ích vật chất với các cán bộ quản lý giam giữ để cho Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ bỏ trốn thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 289 BLHS và tội nhận hối lộ theo Điều 279 BLHS.
Căn nhà gia đình Nguyễn Văn Tình sinh sống.
Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn
1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a ) Có tổ chức;
b ) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.