Tại nơi ở của Nguyễn Khắc Tuấn (tổ 21, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình), chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ÐT Hòa Bình, hàng xóm cho biết Nguyễn Khắc Tuấn và Ðỗ Mạnh Tuấn (phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Lạc Thủy) vốn là hai người bạn.
Trước khi được bổ nhiệm làm hiệu phó, Ðỗ Mạnh Tuấn cũng là chuyên viên của phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ÐT Hòa Bình.
Ngôi nhà của bị can Nguyễn Khắc Tuấn tại phố Vó, xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình luôn khóa từ khi bị can này bị bắt. Ảnh: Nghiêm Huê.
Chiều 4/8, trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Công Ðiền cho biết ông Tuấn là cán bộ từ Sở GD&ÐT, mới chuyển về trường được 2 năm và là 1 trong 3 cán bộ quản lý.
Lĩnh vực quản lý của ông Tuấn là chuyên môn. Cũng theo thông tin từ lãnh đạo nhà trường đưa ra, trước đây ông Tuấn tốt nghiệp Trường ÐH Sư phạm Hà Nội và là giáo viên môn Tin học.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Tuấn được Sở GD&ÐT Hòa Bình điều động lên tham gia công tác chấm thi.
Tối 4/8, phóng viên tìm đến nhà của Ðỗ Mạnh Tuấn, bố đẻ của Tuấn từ chối mọi câu hỏi. Ông chỉ cho biết ông từng làm chủ tịch hội đồng thi lớn và không hiểu tại sao Tuấn lại làm chuyện này. Vì ông vốn là giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Còn Nguyễn Khắc Tuấn, theo thông tin chia sẻ từ mẹ của bị can này, trước đây con trai mình từng làm ở Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Sau đó, Nguyễn Khắc Tuấn học Tin học rồi về làm giáo viên tin học tại Trường THPT Cộng Hòa, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Do đó, Khắc Tuấn vẫn được nhiều học sinh cũ gọi bằng tên thân mật là thầy “Tuấn Tin” hoặc thầy “Tuấn Vó”. Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Nguyễn Khắc Tuấn đang học thạc sĩ và chuẩn bị bảo vệ luận án.
Gia đình riêng của Nguyễn Khắc Tuấn đang sinh sống tại phố Vó, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì tại kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Khắc Tuấn là ủy viên trong tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng chấm thi tỉnh Hòa Bình.
Mong được gặp con để mắng mỏ
Hàng xóm của mẹ Khắc Tuấn cho hay, chiều 3/8, từ khi biết tin, mẹ Tuấn khóc suốt và không muốn ăn uống gì. Cả mẹ Tuấn và hàng xóm đều ngỡ ngàng khi thấy thông tin Tuấn bị bắt trên tivi.
Căn nhà của mẹ Tuấn nằm ngay mặt đường phố Vó, chiều 4/8 mưa tầm tã và mất điện, nhà tối om. Bà H (mẹ Tuấn) bỏ mặc các đồ hàng mã bày bán bên ngoài, lặng lẽ vào nằm tại gian trong với cháu nội.
Giọng nghèn nghẹn, bà bảo mong được gặp Tuấn để mắng mỏ con sao lại làm việc dại dột thế. Tuấn có một anh trai, làm nghề tự do, hiện đang sống cùng nhà với mẹ. Bà H cũng đã nghỉ hưu từ lâu. Vợ Tuấn làm giáo viên cấp 2.
Hai vợ chồng có một con nhỏ, năm nay lên lớp 5. Tuấn làm việc ở trên tỉnh, thường về Lạc Sơn thăm vợ con vào ngày nghỉ cuối tuần.
“Ngỡ ngàng”, cũng là cảm xúc của Bí thư chi bộ nơi Nguyễn Khắc Tuấn đang sinh sống. Ông cho hay từ trước đến nay, ở đây yên tĩnh và bà con sống rất tình cảm.
Chia sẻ thêm về Khắc Tuấn, Bí thư chi bộ cho biết, Tuấn công tác trên tỉnh nên đi suốt, chủ yếu ngày nghỉ mới về. Mẹ Tuấn là cán bộ hưu trí, trước đây làm cán bộ thương nghiệp huyện.
Trao đổi với phóng viên chiều 4/8, ông Bùi Văn Kín, Trưởng công an xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình nói: “Không biết Tuấn có liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình không nhưng đúng là tôi ngỡ ngàng khi biết tin.
Hôm trước, xuống nhà anh trai nó, tôi còn bảo thi cử ở Hà Giang, Sơn La căng thẳng ghê. Rồi tôi nói đùa với anh trai nó, may anh Tuấn nhà mình không bị gì cả. Lúc đó, cả anh trai nó và tôi đều không biết sự việc xảy ra.
Thế không ngờ giờ lại ra nông nỗi này. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng điều tra cụ thể".
Ông Kín cũng cho biết thêm, trước khi thi THPT quốc gia 2018, chính ông cùng công an còn đến nhà Tuấn để làm cam kết cấm in ấn, phát hành tài liệu liên quan đến thi cử. Vì nhà Tuấn có máy photo.
Trao đổi với Tiền Phong, Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Dân lập Ðinh Tiên Hoàng cho biết, với giáo dục, phải xử lý triệt để bằng được tiêu cực.
Trong thi cử, phải làm thế nào để người ta không thể và không dám tiêu cực. Không thể, tức là quy trình phải chặt chẽ, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Không dám, tức là phải xử lý thật nghiêm minh.
"Ngành nào có tiêu cực cũng phải xử lý. Nhưng với giáo dục, phải đi đầu và phải làm nghiêm" – thầy Tùng Lâm nói.