Tối 21/7, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng với bị can Kim Văn Bốn (SN 1982; Cán bộ Phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra làm rõ về hành vi tham ô tài sản trong quá trình triển khai "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025".
Cùng với việc bắt tạm giam, tối 21/7, lực lượng công an đã tiến hành khám xét nhà riêng của bị can Bốn trú tại Chung cư Golden City 6 (đóng trên địa bàn xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) và thu được một số tài liệu liên quan đến vụ việc.
Bị can Kim Văn Bốn làm việc với công an.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện Đề án phát triển Kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn (xã Nga Mi, huyện Tương Dương), ông Kim Văn Bốn, là cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ Đề án.
Cơ quan điều tra đã xác định được số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của nhà nước.
Quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ một số giấy tờ và tài liệu liên quan. Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ.
Công an khám xét nhà thu nhiều tài liệu liên quan.
Theo tìm hiểu của PV, được biết, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 108 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12 tỷ đồng.
Đề án được thực hiện tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh) thuộc huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện.
Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Đề án được chia làm hai giai đoạn gồm Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.
Bản Đửa (xã Lượng Minh) không có người Ơ Đu nhưng vẫn được Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đưa nhầm vào đề án.
Đáng nói, mặc dù tại bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) không có người dân tộc thiểu số Ơ Đu sinh sống, nhưng cơ quan chức năng vẫn lập danh sách đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu vào đề án trên khiến dư luận xôn xao.
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sau đó lý giải việc đưa nhầm 231 nhân khẩu ở bản này vào Đề án vì kế thừa số liệu cũ và số liệu của dân tộc này thiếu logic, liên tục thay đổi trong các lần điều tra dân số.
Cụ thể, đề án được phê duyệt từ năm 2017 nhưng đến cuối 2018 Trung ương mới cấp nguồn vốn triển khai. Đầu tháng 2/2019, Ban Dân tộc đã lập đoàn khảo sát thực trạng kinh tế xã hội của dân tộc Ơ Đu nhằm đề xuất các hạng mục hỗ trợ sát với thực tế.
Qua khảo sát cho thấy, số liệu dân tộc Ơ Đu (xã Lượng Minh) không còn đúng với Đề án được duyệt. Ban Dân tộc sau đó đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh rút bản Đửa ra khỏi diện của Đề án này.
Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định rút bản Đửa ra khỏi diện đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025
Quá trình thực hiện đề án này, dư luận tại địa phương cũng xôn xao về việc kinh phí thực hiện dự án cũng như những hạng mục được đầu tư xây dựng trong dự án này chưa phù hợp với người dân bản địa, gây lãng phí.