Vụ “động lắc” trong bệnh viện tâm thần: Trách nhiệm của lãnh đạo đến đâu?

M.Tiến - M.Trí |

Mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội). Điều khó tin là đối tượng chủ mưu cầm đầu - cũng là một bệnh nhân đang điều trị nội trú - còn lập hẳn một “động lắc” để gã cùng đàn em và “gái dịch vụ” tổ chức bay lắc ngay tại phòng điều trị.

Chuyện khó tin trong phòng điều trị

Với đám giang hồ ong ve tại khu vực ga Thường Tín, nói đến Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại tổ 22, khu Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì không ai không biết. Hàng chục năm về trước, Quý đã có tiếng “gấu mèo” khi cầm đầu một đường dây chuyên cho vay lãi nặng tại khu vực này.

Sau khi vào tù ra tội, Quý nổi danh là “trời đánh không chết” khi mà vào tháng 10-2016 chiếc xe ô tô do anh ta cầm lái bị tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam đâm ngang. Nhiều người chết tại chỗ, còn Quý bị thương nặng song đã nhanh chóng hồi phục.

Thoát được tai nạn này, Quý tiếp tục gây án và bị Công an huyện Thanh Trì bắt giữ. Tuy nhiên, một lần nữa gã đào thoát một cách ngoạn mục khi được phát hiện là bệnh nhân tâm thần - phải đưa đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (BVTTTƯ I).

Không ngờ, khi đang “điều trị tích cực” tại bệnh viện, Quý lại cầm đầu một đường dây buôn bán ma túy tổng hợp vào loại “khủng” ở Hà Nội. Hơn thế, gã còn đầu tư thiết kế phòng riêng của gã tại bệnh viện thành một ổ thác loạn...

Vụ “động lắc” trong bệnh viện tâm thần: Trách nhiệm của lãnh đạo đến đâu? - Ảnh 1.

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Xuân Quý.

“Căn phòng có diện tích khoảng 40m2 được đối tượng ngăn ra làm 3 phòng. Hai phòng nhỏ Quý giữ lại những vật dụng của bệnh viện như giường nằm, ga, gối, tủ sắt... để che mắt những người “tò mò”.

Phòng to nhất có diện tích 20m2 đã được Quý thiết kế thành gian bí mật với đầy đủ phương tiện để tổ chức bay lắc. Các vách tường được dán giấy bạc để cách âm. Quý trang bị ghế salon cùng ti vi, tủ lạnh, nhiều loa khủng, đèn laser... có cả những vật dụng trang trí như ngà voi...

Mỗi tuần, Quý đều rủ bạn bè chiến hữu và thuê gái dịch vụ vào tổ chức bay lắc tại đây. Rất ít người biết rằng nơi đây cũng là địa điểm tàng trữ, luân chuyển ma túy. Quý thiết kế trần nhà có một ngăn bí mật để cất giấu ma túy” - tài liệu từ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội cho hay.

Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an Tp Hà Nội, chia sẻ với chúng tôi về chuyên án “có một không hai” này.

Khoảng tháng 1-2021, qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan công an đã phát hiện một băng nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn trên địa bàn thành phố do đối tượng Nguyễn Xuân Quý cầm đầu.

Quý vào điều trị tại BVTTTƯ I từ tháng 11-2018. Do thời gian ở bệnh viện lâu, Quý tạo quan hệ thân thiết với một số cán bộ phục vụ trong viện và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu của Quý.

Ngoài việc biến phòng điều trị thành địa điểm bay lắc thì đây còn là nơi tập kết, trung chuyển ma túy tổng hợp với số lượng lớn.

Đối tượng đến mua ma túy thường giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân để thực hiện các giao dịch. Quý không trực tiếp đưa “hàng” mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn điểm đón hàng là khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong bệnh viện và Quý ném “hàng” qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống.

Ngoài ra, Quý còn cài cắm đàn em là Nguyễn Trung Nguyên và Nguyễn Công Thường túc trực tại cổng bệnh viện, ngụy trang là lái xe taxi, xe ôm công nghệ làm nhiệm vụ cảnh giới và đi giao ma túy cho khách.

Vụ “động lắc” trong bệnh viện tâm thần: Trách nhiệm của lãnh đạo đến đâu? - Ảnh 2.

Tang vật thu được tại “căn phòng bí mật” của đối tượng.


Ngày 20-3, các tổ công tác Phòng CSĐT tội phạm về ma túy bất ngờ tấn công vào nhiều địa điểm trên địa bàn huyện Thường Tín và quận Ba Đình.

Ông trùm cùng 4 đối tượng dưới trướng gồm Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1974, trú tại phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Trung Nguyên (sinh năm 1983, trú tại xã Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội), Nguyễn Công Thường (sinh năm 1986, trú tại xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) và Lê Hoàng Hải (sinh năm 1995, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) lần lượt tra tay vào còng.

Cơ quan công an thu giữ số lượng tang vật lớn gồm: gần 2.800 gam MDMA giấu trên trần phòng điều trị của Quý; hơn 1.600 gam Ketamin; gần 600 gam Methamphetamin.

Ngoài ra, còn thu giữ trong phòng 3 bình thủy tinh có gắn ống hút, 2 máy hàn nhiệt dùng để dán miệng túi nylon, 100 vỏ túi nylon các loại nhãn hiệu cà phê, chè... chưa sử dụng, nhiều amply, loa, đèn chiếu laser, đèn nháy, laptop... Tổng số ma túy tổng hợp thu giữ lên tới hơn 6kg.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan công an đã bắt Nguyễn Anh Vũ (sinh năm 1986, trú tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Vũ là kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền thuộc BVTTTƯ I, đối tượng tiếp tay cho Quý mua bán, sử dụng trái phép ma túy. Qua test nhanh, Nguyễn Anh Vũ cũng dương tính với ma túy.

Tại Cơ quan công an, các đối tượng trên đã khai nhận hành vi phạm tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và không tố giác tội phạm của mình.

Không loại trừ sự tiếp tay của cán bộ bệnh viện

Sau khi vụ việc trên được phát giác, ngày 1-4 Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã họp khẩn và quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc BVTTTƯ I cùng 1 trưởng khoa và 1 điều dưỡng của bệnh viện này.

Dù vậy, dư luận vẫn rất băn khoăn, thậm chí bức xúc khi tại một trung tâm điều trị tâm thần hàng đầu của quốc gia lại “dung dưỡng” một ông trùm ma túy.

Tại sao một bệnh nhân nội trú như Quý lại có thể ra vào bệnh viện như... đi chợ? Bệnh nhân này có chìa khóa riêng, có thể thoải mái gặp gỡ “đối tác” mỗi ngày cả chục lần. Rồi còn lập được cả một phòng bí mật tại nơi điều trị để biến thành ổ lắc.

Hơn nữa, giai đoạn 2020-2021 là thời điểm chúng ta thực hiện việc phòng, chống đại dịch COVID-19, việc kiểm soát người ra vào tại các bệnh viện càng phải được chặt chẽ thì Quý và đồng bọn vẫn có thể hoạt động một cách thoải mái như vậy?

Rõ ràng, sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa và sự tiếp tay của một số cán bộ bệnh viện đã giúp sức cho đối tượng. Và, một điều đáng buồn là y, bác sĩ của bệnh viện này cũng từng tiếp tay cho tội phạm, lập bệnh án giả để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Vụ “động lắc” trong bệnh viện tâm thần: Trách nhiệm của lãnh đạo đến đâu? - Ảnh 4.

Quý cải tạo phòng điều trị trong Bệnh viện thành động bay lắc.


Khoảng 3 năm trước, Công an TP Hà Nội đã khui ra một đường dây làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả tại BVTTTƯ I. Đầu năm 2018, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bắt được đối tượng truy nã Lê Thanh Tùng (tức Tùng “nháy”, sinh năm 1988, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”. Tùng được biết là một đối tượng giang hồ cộm cán, sẵn sàng dùng dao kiếm để “nói chuyện” một cách lạnh lùng, tàn nhẫn.

Khi Cơ quan công an đang tổ chức điều tra, Tùng “nháy” bỗng dưng... phát bệnh. Cùng lúc, người nhà của Tùng đã đến Cơ quan CSĐT giao nộp hồ sơ bệnh án tâm thần phân liệt thể Paranoid F20.0 (tâm thần phân liệt thể hoang tưởng) mang tên Lê Thanh Tùng, do BVTTTƯ I cấp. Bản thân Lê Thanh Tùng là đối tượng côn đồ hung hãn, có nhiều tiền án, tiền sự, lại chưa bao giờ có biểu hiện tâm thần.

Thời gian nằm điều trị thể hiện là sau khi gây án, đối tượng mới đi nằm viện, cơ quan CSĐT đã nhận định nhiều khả năng bộ hồ sơ bệnh án tâm thần là giả. Qua quá trình xác minh, Cơ quan công an phát hiện bác sĩ Thân Thái Phong (Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi) và kỹ thuật viên trưởng Nguyễn Tuấn Sơn (Khoa Dinh dưỡng) làm bệnh án giả cho Lê Thanh Tùng.

Thông qua mối quan hệ xã hội, Sơn đã nhận lời một phụ nữ nhờ chạy bệnh án tâm thần cho Lê Thanh Tùng với số tiền 85 triệu đồng. Sơn đưa cho Phong số tiền này.

Phong đã chỉ đạo làm giả hồ sơ bệnh án cho Tùng với kết luận bị “Tâm thần phân liệt thể Paranoid” (tâm thần phân liệt thể hoang tưởng). Tháng 6-2018, Thân Thái Phong và Nguyễn Tuấn Sơn đã bị Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam và phải trả giá bằng nhiều năm tù giam.

Vụ “động lắc” trong bệnh viện tâm thần: Trách nhiệm của lãnh đạo đến đâu? - Ảnh 6.

Các đối tượng chính trong vụ án: Nguyễn Xuân Quý, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Anh Vũ.


Xa hơn một chút, vào năm 2015, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy cũng từng điều tra, xử lý nhiều đối tượng ma túy giả điên để vào BVTTTƯ I chữa bệnh, sau đó tiếp tục buôn bán ma túy tại chính nơi đang điều trị. Một trong số các đối tượng đó là trùm ma túy Hoàng Thế Bảo (sinh năm 1982, trú tại Việt Yên, Bắc Giang).

Mặc dù đang điều trị ở khu bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, song hằng ngày, ở trong khu điều trị, Bảo vẫn sử dụng nhiều số sim điện thoại, smartphone... để điều khiển đàn em, giao dịch mua bán ma túy với số lượng lớn.

Không những vậy, Bảo còn qua được cửa kiểm soát khu điều trị bắt buộc để ra ngoài thuê taxi đi các tỉnh buôn ma túy, sau đó quay lại khu điều trị như bình thường. Một lần, Bảo trốn ra ngoài đi buôn ma túy đã bị bắt quả tang khi đang ôm 0,5kg ma túy đá.

Tiến hành khám xét phòng bệnh mà Bảo đang nằm điều trị, Cơ quan công an còn thu được ma túy cùng cân điện tử trong tủ đồ, chứng tỏ anh ta còn mang được ma túy vào nơi chữa bệnh để phân chia, buôn bán...


Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan

Trong cuộc họp ngày 1-4-2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Tiếp đó, Bộ Y tế cử đoàn công tác bao gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ tới làm việc tại BVTTTƯ I.

Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với bác sĩ Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện. Bộ Y tế cũng chỉ đạo BVTTTƯ I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý.

Bộ Y tế yêu cầu BVTTTƯ I hợp tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu tập thể lãnh đạo bệnh viện tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, rà soát, chấp hành nghiêm các quy định, quy chế quản lý bệnh viện và trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại