Vụ dạy 'tự nguyện trong bắt buộc': Hé lộ tiền phần trăm trường được nhận

Huỳnh Thuỷ |

Hiệu trưởng nhiều trường cho rằng, họ không tư lợi gì khi triển khai chương trình học iSmart và thừa nhận đơn vị liên kết có trích lại tiền %.

Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng, song nhiều phụ huynh ở Đắk Lắk vẫn còn xôn xao về chương trình iSmart (học tiếng Anh thông qua Toán và Khoa học). Đây là chương trình học tự chọn, do các trường liên kết với đơn vị bên ngoài vào dạy.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, dù là chương trình tự chọn nhưng cách triển khai như "bắt buộc". Bởi nhiều trường đã chèn tiết học tự chọn này vào các tiết chính, khiến họ phải "bấm bụng" cho con theo học.

Dù phải bỏ một số tiền khá lớn (400 nghìn đồng/tháng), song kết quả nhận lại không như mong đợi. Khi họ muốn xin cho con thôi học thì được hiệu trưởng mời lên "làm công tác tư tưởng"...

Vụ dạy tự nguyện trong bắt buộc: Hé lộ tiền phần trăm trường được nhận - Ảnh 1.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ

Một phụ huynh có con đang học tiểu học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã chia sẻ với PV Tiền Phong rằng, bản thân đang cảnh "gà trống nuôi con". Nay công việc bấp bênh nên gia cảnh càng khó khăn hơn. Vị này muốn xin cho con thôi học nhưng tiết học tự chọn này đang bị xen vào tiết chính. Nếu không cho học, thì giờ đó, con họ sẽ ở đâu, ai quản lý. Vị này mong các sở, ngành vào cuộc quyết liệt, đưa bộ môn tự chọn này về đúng với bản chất là tự nguyện.

Có phụ huynh tâm sự rằng, khi không có nhu cầu cho con học iSmart, họ đã xin cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo chủ nhiệm lại báo lên với nhà trường và vị phụ huynh sau đó đã được mời lên gặp hiệu trưởng. Dù đã trình bày nguyện vọng nhưng hiệu trưởng lại bảo phải chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Buôn Ma Thuột, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk quyết định. Trong khi đó, quyền quyết định liên kết triển khai chương trình iSmart lại chính là Hiệu trưởng các trường.

Trước thực trạng trên, dư luận đã đặt ra dấu hỏi lớn, rằng các trường được gì khi triển khai iSmart. PV Tiền Phong đã làm việc với một số trường tiểu học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Các vị hiệu trưởng đều khẳng định rằng, bản thân không tư lợi gì khi liên kết với đơn vị bên ngoài vào dạy iSmart trong trường. Việc triển khai chương trình là dựa trên sự đồng thuận, đăng ký tự nguyện của phụ huynh chứ nhà trường không ép buộc.

Phía nhà trường chỉ được đơn vị liên kết trích lại 5% trên tổng số tiền thu được. Đây là số tiền công khai dùng để khấu hao cơ sở vật chất, điện, nước...

Ai có quyền loại bỏ môn học tự chọn khỏi trường

Đầu năm học 2023-2024, tại TP Buôn Ma Thuột, có 16 trường tiểu học đăng ký dạy học iSmart. Nhiều trường có số lượng học sinh đăng ký khá đông, số lượng lên đến hàng nghìn học sinh tham gia học.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, iSmart là chương trình học tự chọn. Học hay không học là quyền của phụ huynh, học sinh. Nhà trường tuyệt đối không phân biệt đối xử, phải khách quan, công tâm với các học sinh. Nhà trường không vì bất cứ lý do gì mà sắp xếp lại lớp học khi học sinh không học iSmart nữa, điều này sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em.

Vụ dạy tự nguyện trong bắt buộc: Hé lộ tiền phần trăm trường được nhận - Ảnh 2.

Tại TP Buôn Ma Thuột có 16 trường đang triển khai dạy chương trình iSmart

Hiện đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT đã đi kiểm tra việc triển khai chương trình học tự chọn (trong đó có iSmart). Khi có thông tin sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. "Nếu phát hiện các trường vi phạm sẽ chấn chỉnh và hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên", ông Khoa khẳng định.

Như đã phân tích ở trên, quyền quyết định cho con học iSmart hay không thuộc về phụ huynh, học sinh. Họ chính là "thẩm phán" đối với môn học tự chọn mà mình không có nhu cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại