Vụ cụ ông mang án tử tù oan hơn 40 năm: Ai là hung thủ?

Đức Nguyên |

Sáng 11/8, khi buổi xin lỗi công khai người mang án tử tù oan suốt hơn 40 năm kết thúc, người thân của gia đình nạn nhân lớn tiếng yêu cầu phải công bố ai là thủ phạm của vụ án?

Sáng 11/8, tại Trung tâm văn hoá huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1935, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Phút cuối náo loạn trong buổi xin lỗi công khai

Vào 9h15, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ tưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã công bố quyết định đình chỉ bị can. Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn.

Căn cứ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm. Sau đó Thiếu tướng Vũ Quang Hưng trao quyết định này cho ông Trần Văn Thêm.

9h20, ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao, đọc lời công khai xin lỗi:

"Hôm nay đại diện cho cơ quan tố tụng là TAND cấp cao tại Hà Nội (trước đây là TAND Tối cao), VKS cấp cao tại Hà Nội, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn thêm và gia đình theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc khởi tố, xét xử không đúng đã gây tổn thất cho ông Thêm và gia đình. Chúng tôi nhận thấy đây là 1 bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử vụ án.

Ngay sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương thực hiện đúng quy định về Luật bồi thường của nhà nước, công khai đăng trên thông tin báo đài và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi mong ông Thêm và gia đình thông cảm sâu sắc, chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông".

Gia đình bị hại có mặt từ đầu và ngồi yên lặng ở một góc hội trường theo dõi. Sau lời phát biểu của ông Trần Văn Thêm, buổi xin lỗi công khai kết thúc, lúc này người thân của gia đình ông Trần Khắc Văn lớn tiếng yêu cầu:

"Phải công bố ai là người giết bố tôi? Tại sao không công bố để hai gia đình bất hoà bao nhiêu năm?".

Họ bức xúc khi theo dõi suốt buổi xin lỗi ông Thêm nhưng vẫn chưa biết được người sát hại bố mình là ai. "Vậy ai là người đã giết bố tôi. Suốt bao nhiêu năm qua, mất cha, chúng tôi không được ăn học, chịu bao thiệt thòi, vậy ai là người đền bù cho chúng tôi?".

Tuy nhiên, đại diện của ban tổ chức cho rằng trong buổi hôm nay không giải quyết nội dung này. Sau đó lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp phải vất vả mới vãn hồi được trật tự.

Trước đó, theo đại diện Bộ Công an, năm 1975, đối tượng Phan Thanh Nhàn (trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn.

Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Sau đó ông Thêm được trả tự do. Tuy nhiên, do tình hình chính trị - xã hội lúc đó chưa ổn định nên vụ án chưa được đưa ra xét xử. Hiện nghi can trong vụ án này đã chết.

Vụ cụ ông mang án tử tù oan hơn 40 năm: Ai là hung thủ? - Ảnh 1.

Khung cảnh náo loạn trong phút cuối của buổi xin lỗi công khai. Ảnh: NLĐO.

"Mong 2 gia đình gắn kết lại tình cảm như trước đây"

Sáng nay ông Trần Văn Thêm được người nhà dìu đến, người đàn ông 81 tuổi mắt đã kém, chân đã run, tai đã lãng được dìu đi từng bậc thang để lên đầu sân khấu. Đêm trước đó, ông Thêm không ngủ được mấy vì hồi hộp.

Ông và người nhà đã phải đợi gần nửa thế kỷ. Đây được coi là vụ án hi hữu kéo dài qua 2 thế kỷ, khi ra tù ông vẫn phải mang thân phận của tử tù.

Ông Thêm mong muốn bà con làng xóm và gia đình, con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của ông trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu, anh em 2 gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước.

Kết thúc buổi xin lỗi, trước sự náo loạn của người nhà nạn nhân, ông Trần Văn Thêm được người thân đưa ra về bằng một cửa riêng tại hội trường Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong.

Vụ cụ ông mang án tử tù oan hơn 40 năm: Ai là hung thủ? - Ảnh 2.

Ông Thêm được người nhà dìu đến tham dự buổi xin lỗi. Ảnh: VNN.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3-1970, để có tiền nuôi 5 con nhỏ, ông Thêm đã cùng ông Văn chạy xe đạp lên tỉnh Vĩnh Phú mua trám mang về chợ quê bán. Trong một lần đi buôn, vào đêm 23-7-1970, 2 anh em ông Thêm lỡ đường nên ghé vào ngủ ở lều cắt tóc cạnh Cầu Diện.

Nửa đêm, 2 người bị cướp tấn công khiến cả hai bị thương, riêng ông Văn bị thương nặng nên qua đời sau đó tại bệnh viện.

Do có nhân chứng nhìn thấy ông Thêm cầm trên tay một chiếc cọc dính máu cùng với việc không bị mất tài sản nên cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú tình nghi ông giết em họ để cướp của.

Tháng 8-1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8-1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản. Suốt quá trình bị bắt cũng như tại toà, ông Thêm liên tục kêu oan.

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn (trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng rồi cho về quê mà không cấp cho bất kỳ giấy tờ nào khác.

Về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Trở về nhà, ông Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị trả lại sự trong sạch cho mình.

Đáng chú ý, hồ sơ vụ án trong tay ông Thêm không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến xử án, kể cả cáo trạng hay bản án hai phiên tòa kết tội ông.

Từ năm 2014, TAND Tối cao mới trích lục được 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của ông Nguyễn Văn Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh và đã yêu cầu các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương phối hợp giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại