Vụ Chuyến bay giải cứu: ‘Thứ trưởng đã ký, anh phải chuyển tiền thì mới có dấu’

Hoàng An - Thanh Hà |

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho biết, ngoài quát tháo đại diện doanh nghiệp đến xin cấp phép chuyến bay, bị cáo Phạm Trung Kiên còn chụp ảnh giấy tờ đã có chữ ký của Thứ trưởng để yêu cầu doanh nghiệp chi tiền thì mới có dấu.

Bị cáo Đào Minh Dương khai về việc bị cáo Phạm Trung Kiên quát tháo, đòi đưa tiền hối lộ. Clip: Như Ý

Sáng 14/7, HĐXX dành phần lớn thời gian cho luật sư tham gia xét hỏi 54 bị cáo trong “vụ án chuyến bay giải cứu”.

Trả lời luật sư, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho biết, quá trình đến xin cấp giấy phép thực hiện chuyến bay, ông đã nghe bị cáo Kiên trao đổi.

“Tôi nhớ rất chi tiết lần đầu tiên gặp Kiên, tôi được Giám đốc Tập đoàn LG và Samsung cử đi liên hệ tiêm chủng vắc xin COVID-19. Tôi là người làm việc 28 năm, nên là người rất kỹ lưỡng và nhớ từng chi tiết bị cáo Kiên quát bị cáo Sơn. Anh ấy dùng từ to gấp rưỡi so với bình thường trong phòng họp Bộ Y tế”, ông Dương khai.

Bị cáo Dương thuật lại, sau khi quát tháo, doạ nạt, Kiên lại nói “Tôi biết các anh đưa cho anh Vũ Anh Tuấn bên Bộ Công an 150 triệu đồng/ chuyến thì tôi nộp cho tôi như vậy”.

Ông Dương cho biết, Kiên ép Công ty Vijasun nhưng ông không đưa tiền bởi thấy Kiên “không xứng đáng” và giao cho nhân viên gọi điện lại cho Kiên xem “có yêu cầu gì”.

“Doanh nghiệp của chúng tôi được phê duyệt 17 chuyến bay, anh Kiên yêu cầu tôi đưa 150 triệu đồng mới được phê duyệt và gửi cho tôi bức ảnh tờ giấy Thứ trưởng đã ký và yêu cầu 'anh phải chuyển tiền mới có dấu', và mỗi lần như vậy tôi cho nhân viên chuyển tiền”, bị cáo Dương nói.

Vụ Chuyến bay giải cứu: ‘Thứ trưởng đã ký, anh phải chuyển tiền thì mới có dấu’ - Ảnh 2.

Bị cáo Phạm Trung Kiên.

Khi trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết, suốt thời gian dài bị cáo làm thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng không có quyết định phân công bổ nhiệm, không có chức danh, chỉ hưởng mức lương theo đúng quy định. Nhiệm vụ của bị cáo là tiếp nhận các hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng rồi chuyển cho Thứ trưởng.

Liên quan đến số tiền nhận hối lộ, Kiên cho biết, đã hoàn trả cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỷ đồng.

Một luật sư khác đã đặt câu hỏi: “Bị cáo có hứa với doanh nghiệp rằng các văn bản của họ sẽ được phê duyệt không?” Bị cáo Kiên trả lời “không hứa trước điều gì… doanh nghiệp tự tìm đến thì bị cáo làm thôi”.

Theo lời khai của Kiên, chỉ có 3 doanh nghiệp đến làm việc có đề cập đến mức bồi dưỡng, bị cáo bảo họ đưa cho các bộ ban ngành khác bao nhiêu thì đưa cho bị cáo bấy nhiêu.

"Tìm hiểu pháp luật về tội nhận hối lộ, bị cáo rất sợ"

“Chúng tôi có hồ sơ bệnh án liên quan đến chuẩn đoán hành vi tự sát, rối loạn tâm thần cấp đa dạng không có triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19…trường hợp này bị cáo bị thời điểm nào?”, luật sư Hà Mạnh Huy (bào chữa cho Kiên) đặt câu hỏi.

Kiên cho hay, sau ngày 24/1/2022, bị cáo bị Covid-19 với diễn biến rất nặng phải cấp cứu trong Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nằm viện một thời gian dài. Sau khi xuất viện lại tiếp nhận thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án nên diễn biến tâm lý nặng hơn.

Sau này cáo thường xuyên làm việc với cơ quan điều tra, tìm hiểu về những quy định của pháp luật liên quan đến việc nhận hối lộ án rất nặng, từ 20 năm hoặc tù chung thân đến tử hình. "Do đó, bị cáo bị ám ảnh, rất sợ, nên có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát áp lực đó, vậy nên bị cáo mới có một thời gian điều trị tâm thần", Phạm Trung Kiên khai.

Vụ Chuyến bay giải cứu: ‘Thứ trưởng đã ký, anh phải chuyển tiền thì mới có dấu’ - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại