Ngày 25-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục cho bị cáo cùng các luật sư trong phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu" được tranh luận, tự bào chữa.
Trước bục khai báo, bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt, cho biết sau khi được giao nhiệm vụ thực hiện công tác cách ly, bị cáo không ngại nguy hiểm, gian khó, tiếp xúc với những người trực tiếp gặp bệnh nhân mắc COVID-19.
"Bị cáo cũng không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật cho tới khi cơ quan điều tra giải thích, bị cáo đã hiểu ra điều này. Bị cáo sinh ra trong gia đình nghèo, hiện phải chăm sóc bố mẹ"- bị cáo Quyên nghẹn ngào trình bày và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để sớm có điều kiện trở về chăm sóc gia đình và con.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Mạnh Cương, cựu trưởng phòng Thương mại điện tử hãng Vietjet, bật khóc khi lên bục tự bào chữa.
"Vì sai lầm mà ngày hôm nay phải đứng và trả giá tại đây… Bị cáo mong sớm có cơ hội trở lại, lấy bản thân mình làm tấm gương căn dặn cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật"- Cương nói.
Cũng bật khóc trên bục khai báo, bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu phó phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), nói sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc, không chỉ với bản thân mà còn cả gia đình. Sau đó, bị cáo đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân trước khi có quyết định khởi tố và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án.
Trong vụ án này, bị cáo Vũ Hồng Quang bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 7,4 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế) để xin giấy phép của Ban Chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Bản thân bị cáo Quang hưởng lợi số tiền hơn 19 tỉ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH PNR, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết và luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng việc bị cáo Thắng phải đứng trước phiên tòa hôm nay có một phần nguyên nhân là sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch.
Theo luật sư Tuyết, thân chủ của bà phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp. Cùng với đó, vai trò của Thắng chỉ là giúp sức thứ yếu, không đáng kể, hành vi phạm tội giản đơn, thụ động.
Còn luật sư Trịnh Văn Tuyến đề nghị Hội đồng xét xem xét một phần công lao của bị cáo trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh; xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi so với các bị cáo khác.
Bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR) bị cáo buộc đã chuyển hơn 3,4 tỉ đồng cho những người khác để đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên, nhằm có được văn bản chấp thuận cho 345 công dân về nước, hưởng lợi hơn 832 triệu đồng.
Trước đó, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) từ 7 - 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; từ 5 - 6 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; tổng hợp mức án bị đề nghị từ 12 - 18 năm.
Cùng nhóm nhận hối lộ, VKSND đề nghị Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) từ 2 - 3 năm tù; Lê Thị Phượng (cựu chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) 24 - 30 tháng tù; Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) 18 - 24 tháng tù; Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) 18 - 24 tháng tù; Nguyễn Mạnh Trường (cựu chuyên viên Phòng Vận tải hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam) 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo khác cùng về tội "Đưa hối lộ", gồm: Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam) bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù; Trần Thanh Nhã (SN 1991, trú tại TP HCM) 3 - 4 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 12 tháng án tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Thông (SN 1975, cựu cán bộ công an) bị đề nghị 12 - 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Che giấu tội phạm".