Mới đây, siêu sao bóng đá Thái Lan – Chanathip – đã nặng lời phê phán lớp cầu thủ trẻ. Anh nói với truyền thông xứ Chùa Vàng:
"Bóng đá Thái Lan thời gian qua xuống dốc, đặc biệt ở các tuyển trẻ, có thể vì cầu thủ ngày nay nghĩ về tiền nhiều hơn là làm cách nào quyết tâm và cống hiến cho quốc gia. Trước đây khi tôi mới trưởng thành, môi trường bóng đá Thái Lan khác rất nhiều so với hiện tại.
Bản thân tôi khi ấy không để tâm mấy về chuyện lương bổng, mà chỉ chú ý cống hiến tốt nhất cho ĐTQG, cố gắng mang về những chiến thắng. Ngay cả bây giờ, thật sự nếu HLV muốn tôi tập thêm ngoài giờ, tôi cũng luôn sẵn sàng. Phải thế thì tôi mới có thể tiến bộ và không e ngại bất cứ địch thủ nào.
Lớp trẻ bây giờ thì sao, họ được hưởng những điều tốt nhất, ăn tập bài bản, áp dụng các công nghệ tiên tiến, có HLV giỏi. Lẽ ra họ phải đạt được nhiều thành tích hơn, nhưng lại ngày càng sa sút. Chúng ta cần phải nghiêm khắc phân tích lý do, là bởi động lực giảm sút hay bởi họ nghĩ đến tiền nhiều hơn là sự cống hiến?"
Chanathip bất mãn với lớp cầu thủ đàn em.
Vì đâu mà Chanathip lại có những phản ứng mạnh mẽ tới vậy? Gần nhất, lứa U17 của họ thua dễ dàng 0-3 trước U17 Việt Nam ở vòng loại U17 châu Á 2023. Trước đó, U23 Thái Lan thua U23 Việt Nam ở Chung kết SEA Games 2022. Thậm chí, U19 Thái Lan còn thua U19 Lào 0-2 ở Bán kết U19 Đông Nam Á 2022…
Theo BLV Quang Huy, quả thật bóng đá trẻ Thái Lan đang có sự đứt gãy và nguyên nhân là rất nhiều vấn đề, không chỉ nằm tại cầu thủ như lời Chanathip phê phán.
"Tôi cũng có cảm giác công tác đào tạo trẻ của bóng đá Thái Lan đang bị đứt gãy. Ngày xưa từng có chuyện Thái Lan sang Việt Nam dự giải này, giải kia nhưng không cử đội mạnh nhất. Đội mạnh nhất của họ có khi đang tập huấn ở châu Âu cơ.
Nhưng gần đây tìm hiểu thì không còn thế nữa. Họ đã mang những đội hình mạnh nhất sang Việt Nam dự giải rồi và đá không được tốt. Những kết quả tệ họ nhận gần đây cho thấy, đúng là đang có sự đứt gãy của bóng đá trẻ Thái Lan. Bóng đá Thái Lan những năm qua có vấn đề phe phái, mất đoàn kết nên ảnh hưởng tới cái chung.
Bản thân tôi nhiều khi cũng bất ngờ, vì các lứa tuyển trẻ Thái Lan không còn sức mạnh như mình hình dung. Sự thống nhất của bóng đá Thái Lan giờ đang không được tốt".
Bóng đá trẻ Thái Lan thời gian qua thường xuyên thua Việt Nam (Ảnh: Như Đạt).
BLV Quang Huy cũng cho rằng, chính vì đang hoạt động không hiệu quả nên bóng đá Thái Lan mới muốn mời HLV Kiatisuk về làm kiến trúc sư trưởng.
"Chúng ta trước đây vẫn coi bóng đá Thái Lan có nền tảng tốt hơn mình, từ cấp CLB họ cũng tốt hơn. Họ đào tạo trẻ cũng rất hay. Nhưng gần đây họ liên tiếp chơi không tốt, rồi có thêm chỉ trích từ Chanathip thì ta cũng nên xâu chuỗi cả việc Thái Lan muốn mời HLV Kiatisuk về.
Nếu HLV Kiatisuk về thì sẽ không chỉ làm ĐTQG đâu mà là làm kiến trúc sư trưởng cho cả nền bóng đá. Có cảm giác bóng đá Thái Lan đang rơi vào giai đoạn mà ở giới thượng tầng, ít người thật sự hiểu về chuyên môn. Vì thế họ rất muốn mời về HLV Kiatisuk.
Chúng ta không ở Thái Lan nên không thể lớn tiếng chê bai họ được. Nhưng có thể thấy là họ đang đi theo những xu hướng khác nhau. Người thì muốn dùng HLV đẳng cấp nước ngoài, người thì lại khác… Rồi họ cũng có nhiều tham vọng, nhưng hướng đi lại gặp vấn đề… Có cảm giác đầu não về chuyên môn của bóng đá Thái Lan hiện tại đang định hướng chưa được tốt lắm".
HLV Kiatisuk từng rất thành công với bóng đá Thái Lan.
Cuối cùng, BLV Quang Huy cho rằng, từ vấn đề của bóng đá Thái Lan, những nền bóng đá khác như Việt Nam có thể rút ra bài học lớn.
"Bóng đá là cuộc chơi không ngừng nghỉ, kể cả đầu tư tốt, đi đúng hướng thì đôi khi vẫn có những đứt gãy ngoài dự kiến. Ngay cả những nền bóng đá mạnh, vẫn có những sự đứt gãy.
Nên với bóng đá, cần sự đầu tư liên tục, tạo nền móng tốt liên tục. Còn nếu lỡ gặp phải sự vấp ngã nào đấy, NHM hay truyền thông cần phải bình tĩnh. Nhiều khi chỉ là một sự đứt gãy nhỏ thôi, có thể sửa được nhưng chịu áp lực lớn quá, người ta lại không sửa tốt.
Tôi nghĩ bên cạnh sự chuẩn bị những gì tốt nhất cho nền bóng đá, khi gặp cú vấp, phải hết sức bình tĩnh, tránh bị rối, bị rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường". Nhiều khi người lãnh đạo gặp áp lực rồi lại thay đổi đường hướng nhưng càng thay càng tệ.
Thực tế đã nhiều lần như vậy rồi. Khi người lãnh đạo nền bóng đá chịu áp lực thì họ buộc phải tìm hướng thay đổi để làm dịu tình hình. Bản thân họ cũng có phía trên hỏi xuống mà. Nên khi gặp khó khăn, NHM, truyền thông có phán xét cũng cần tính chuyên môn. Còn nếu gây áp lực lớn, dẫn tới người lãnh đạo bị rối thì mọi chuyện càng khó khăn.
Như Thái Lan khi thay HLV Kiatisuk ở vòng loại cuối khu vực châu Á, World Cup 2018 là bắt đầu rắc rối. Họ muốn dùng HLV đẳng cấp trên thế giới để bật lên nhưng cũng không thành, rồi khi nhìn lại cũng đầy khó khăn".