Liên quan đến nội dung này, luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho hay thông thường, khi cơ quan điều tra đã khởi tố bị can thì sẽ tạm giam, tạm giữ người đó để giúp quá trình điều tra, xét xử được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, căn cứ theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, nhân thân người phạm tội mà cơ quan chức năng có thể xem xét để không phải tạm giam người này. Đây là hình thức tại ngoại, là tình trạng bị can, bị cáo không bị tạm giam trong thời gian điều tra, xét xử.
Về mặt pháp lý, việc bị can, bị cáo được tại ngoại là việc bị can, bị cáo không bị tạm giam thông qua các hình thức bão lĩnh, đặt tiền để bảo đảm và cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định tại các điều 121, 122, 123 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, bị can, bị cáo khi được triệu tập vẫn phải đến tòa án và cơ quan điều tra và khi có bản án hay quyết định của Tòa vẫn phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp được tại ngoại, bị can, bị cáo phải chấp hành:
- Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
- Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
- Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này;
- Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép (trong trường hợp cấm đi khỏi nơi cư trú).
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
Tóm lại, tại ngoại là thuật ngữ dùng để chỉ trường hợp bị can, bị cáo không bị giam giữ trong quá trình điều tra và xét xử. Trong quá trình điều tra mà được tại ngoại không có nghĩa là bị can, bị cáo không còn có tội nữa và vẫn phải đến tòa án và cơ quan điều tra khi có lệnh triệu tập để phối hợp giải quyết vụ án. Sau đó, khi có bản án, quyết định của tòa nếu người đó bị tuyên có tội thì vẫn phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật.
Dù Bộ Luật Tố tụng hình sự không cấm bị can, bị cáo đang được tại ngoại điều hành, quản lý doanh nghiệp nhưng theo điểm e khoản 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…".
Trong trường hợp này, dù được tại ngoại nhưng đây là biện pháp ngăn chặn thay thế cho biện pháp tạm giam và Loan đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự do đó, bà Loan không được quản lý, điều hành công ty.
Trước đó, ngày 25-11, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) đã công bố thông tin liên quan tới bà Nguyễn Thị Như Loan, nguyên tổng giám đốc công ty.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Như Loan đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an thay đổi biện pháp ngăn chặn vào ngày 11-11-2024. Hiện nay, bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại trong quá trình cơ quan chức năng điều tra vụ án.
Hồi tháng 7-2024, bà Nguyễn Thị Như Loan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bà Loan bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn.