Sáng nay, 18/7, TAND Cấp cao tại TP HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước.
Tại phần đọc luận tội, VKS yêu cầu bác tất cả kháng cáo của các bị cáo và gia đình người bị hại, giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm.
Theo đó, trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Tiến ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, thân nhân tốt. Tuy nhiên, hậu quả tội ác bị cáo gây ra là quá lớn. Bị cáo đã quyết tâm phạm tội đến cùng cùng Dương, hành vi thể hiện ác tính rất cao, không còn khả năng giáo dục cải tạo.
Hai bị cáo Tiến và Thoại
Tại tòa cấp cao bị cáo cũng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên HĐXX đề nghị giữ nguyên mức án tử hình với bị cáo này.
Còn bị cáo Thoại bàn kế hoạch giết người cùng Dương, rạng sáng 5/7/2015 đã đến nhà nạn nhân để gây án nên không thực hiện được nên bỏ về. Sau đó, Thoại không tham gia nữa nhưng vẫn giúp sức tích cực bằng cách mua thêm dao cho Dương gây án.
Mức án 16 năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên là thỏa đáng, tại tòa phúc thẩm cũng không phát sinh tình tiết nào mới, không có cơ sở tăng nặng hay giảm nhẹ mức án với Thoại.
Trong phần tranh luận, Luật sư Lê Văn Nam, bào chữa cho Tiến bảo vệ cho thân chủ của mình nói: Tôi nhận thấy trong vụ án chưa xem xét hết các tình tiết khách quan, thấu tình đạt lý. Luật sư đưa ra 5 quan điểm mấu chốt mà ông cho rằng tòa sơ thẩm đã "bỏ sót":
1. Bị cáo Tiến phạm tội trong hoàn cảnh bị Dương lôi kéo, lừa gạt, khống chế về mặt tinh thần,...
2. Bị cáo Tiến đã có ít nhất 5 lần tỏ thái độ không đồng tình, từ chối thực hiện, khuyên Dương dừng tay nhưng vì thiếu bản lĩnh nên bị Dương liên tiếp áp đảo tinh thần, buộc phải thực hiện tội phạm.
3. Tiến giúp sức cho bị cáo Dương khống chế các nạn nhân tra hỏi tiền để cướp. Tiến không biết ý định của Dương là sát hại các nạn nhân, không lấy tài sản.
Bị cáo Vũ Văn Tiến tại phiên phúc thẩm
4. Tiến không trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân; không có ý định giết người, không bàn bạc lên kế hoạch; không chuẩn bị hung khí.
5. Mức án tử hình với Tiến là quá nặng. Nên tuyên chung thân để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật vì hành vi của Tiến vẫn còn khả năng giáo dục, cải tạo. Đồng thời, Tiến có nhiều tình tiết giảm nhẹ: trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình có công với cách mạng,..
Luật sư cho rằng Tiến và Dường cùng gây án nhưng Tiến khác Dương vì còn tính người, biết đúng sai nhưng vì quá yếu đuối nên không phản kháng được, phải làm theo Dương. Theo luật sư, Tiến cũng chỉ là một công cụ cho Dương gây án.
Nội dung vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước:
Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, từng làm trong xưởng gỗ) có quan hệ tình cảm với con gái ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, chủ Công ty gỗ Quốc Anh). Do gia đình bạn gái ngăn cấm, Dương sinh lòng thù hận và định giết cả nhà để trả thù. Dương rủ Thoại tham gia nhưng tên này từ chối, chỉ mua dao cho bạn.
Dương sau đó rủ Tiến "đến đòi vợ chồng ông Mỹ 900 triệu đồng đã góp vốn làm ăn" từ hồi còn yêu con gái họ. Được Dương hứa sẽ chia một phần tiền, Tiến đồng ý đi cùng.
Rạng sáng 7/7/2015, Dương giấu hung khí trong ba lô, cùng Tiến đột nhập biệt thự nhà ông Mỹ. Thấy Dương ra tay với cháu ông Mỹ ngay tại cổng, Tiến khuyên đi về nhưng hắn không đồng ý. Cả hai sau đó lần lượt sát hại 5 người còn lại, cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền... trị giá khoảng 50 triệu đồng.
Trong lúc ra tay với các nạn nhân, bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) thức giấc, Dương dỗ cô bé ngủ tiếp rồi mới cùng Tiến bỏ trốn. Khi gia đình ông Mỹ lo tang sự, Dương vẫn đến phụ giúp, giả vờ tiếc thương.
Bốn ngày sau, Dương và Tiến bị bắt. Từ lời khai của Dương, cảnh sát bắt thêm Thoại.
Cuối năm ngoái, vụ án gây rúng động dư luận được TAND tỉnh Bình Phước xử lưu động. HĐXX đã tuyên phạt Dương và Tiến mức án tử hình về các tội Giết người và Cướp tài sản. Thoại nhận 16 năm tù về cùng tội danh.