Vụ biến mất bí ẩn của số kim cương trị giá 100 triệu USD: Bộ ngũ siêu đẳng

Vũ Cao (Theo Interpol Files) |

Giữa tháng 9-2002, Notarbartolo lại vào Trung tâm Antwerp rồi xuống kho chứa các két sắt; nhưng lần này, ông ta có mặt lúc 8 giờ để chắc chắn rằng mình là khách hàng đầu tiên. Trên chiếc mũ phớt - là mốt thời thượng hồi đó - Notarbartolo đã khéo léo gắn vào thành mũ, gần giải ruy băng một camera nhỏ xíu, lưu được 12 phút…

Những “thiên tài” trộm cắp

Mọi khâu kiểm tra diễn ra suôn sẻ. Vì Notarbartolo là khách hàng nên nhân viên an ninh giữ cửa kho tiến hành mở ổ khóa số.

Tất cả mọi động tác của anh ta đều được camera gắn trên chiếc mũ phớt ghi lại. Sau đó, theo đúng kịch bản, Notarbartolo lấy một phần tiền trong chiếc két sắt của mình rồi quay ra như một giao dịch bình thường.

Sáng thứ năm, ngày 13-2-2003, máy bay trực thăng hộ tống một đoàn xe bọc thép đến Trung tâm Antwerp. Đây là xe chở 100 túi kim cương của hãng De Beers, Nam Phi, trong đó có viên kim cương lớn nhất thế giới. De Beers ký gửi số kim cương này tại Antwerp trước khi đưa ra thị trường.

Ngay tối hôm ấy, Notarbartolo tập trung "bộ ngũ lại" và quyết định sẽ tiến hành vụ trộm vào đêm 15, rạng sáng 16 vì nếu để lâu hơn, số kim cương của hãng De Beers có thể không còn ở đó nữa.

Theo kế hoạch, Notarbartolo và Genius sẽ vô hiệu hóa các camera, các bộ cảm biến. Keys mở khóa cánh cửa thép và các két sắt còn Moise và Speedy thu gom kim cương, vàng bạc.

Vụ biến mất bí ẩn của số kim cương trị giá 100 triệu USD: Bộ ngũ siêu đẳng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ trộm sau khi đã bị xới tung.

Sau hơn 2 tiếng xem lại những bức ảnh và đoạn video mà Notarbartolo đã quay, chúng quyết định vụ trộm sẽ bắt đầu vào lúc 24 giờ 45 phút đêm 16, và kết thúc vào lúc 5 giờ 20 phút sáng, tổng cộng là 4 tiếng 25 phút.

Nếu thành công, Notarbartolo và Speedy chịu trách nhiệm đưa kim cương, vàng bạc đến Milan, còn Moise, Genius, Keys phân tán mỗi người một nơi rồi vài ngày sau đó, cả nhóm gặp nhau tại Milan để chia phần.

Phân công xong, Notarbartolo và Speedy quay trở lại căn hộ do Notarbartolo thuê mướn. Tại đó, cả hai dọn dẹp một số vật dụng sinh hoạt trong phòng rồi cho vào một chiếc túi nylon màu đen. Nếu cảnh sát nghi ngờ, khám xét, sẽ chẳng tìm thấy chứng cứ gì cả.

23 giờ 50 phút đêm 15-2-2003, Notarbartolo lái chiếc Peugeot 307 màu xám chạy qua trạm xe buýt trung tâm thành phố rồi rẽ sang đường Pelikaanstraat.

Đêm ấy cũng là đêm diễn ra trận quần vợt giữa 2 danh thủ Venus Williams và Slovak nên sau trận đấu, hầu hết mọi người đều đã về nhà.

Trên xe, "bộ ngũ" có mặt đầy đủ. Đến một tòa cao ốc mà mặt sau của nó giáp với Trung tâm Antwerp, Notarbartolo cho xe tấp vào lề đường.

Khu vực này không bị giám sát bởi các máy quay video nên cả nhóm ung dung bước ra, khoác theo những chiếc túi đựng đồ nghề "đạo chích". Cùng với Notarbartolo, 4 kẻ đồng phạm ra phía sau tòa nhà, nơi ông ta đã giấu sẵn một chiếc thang xếp.

Theo sự phân công, Genius leo lên sân thượng trên tầng 2, nơi có một máy dò hồng ngoại cảm ứng nhiệt. Rất chuyên nghiệp, Genius vòng ra phía sau rồi dùng một tấm nhựa polyester che vào mặt cảm biến.

Độ dẫn nhiệt thấp của polyester đã khiến nó không nhận ra hơi nóng phát ra từ cơ thể con người khi họ đi ngang.

Vụ biến mất bí ẩn của số kim cương trị giá 100 triệu USD: Bộ ngũ siêu đẳng - Ảnh 2.

Leonardo Notarbartolo.


Sau khi Genius vô hiệu hóa bộ cảm ứng nhiệt, sân thượng giờ đây đã an toàn. Đưa tay vẫy nhóm ở dưới lên, Genius xử lý tiếp một cảm biến báo động khác đặt ngay cửa sổ.

Từng người một, nhóm trộm cắp theo lối cửa sổ xuống cầu thang rồi đi vào tiền sảnh tối om.

Sau này, Patrick Peys, chỉ huy Đội Cảnh sát kim cương cho rằng đây là sơ hở chết người nhất vì tiền sảnh không bật đèn nên bọn trộm đã dùng những chiếc túi nylon màu đen che vào ống kính camera khiến nó không thể kích hoạt hệ thống chuông báo động vì không ghi nhận bóng người qua lại.

Cả nhóm tiến vào kho chứa các két sắt. Lúc gần đến cánh cửa thép, Notarbartolo lấy từ trong túi ra một chai keo xịt tóc dành cho phụ nữ. Rất thận trọng, ông ta bò trườn dưới sàn nhà rồi khi đã đến gần bộ cảm biến hồng ngoại, Notarbartolo phun keo lên khoảng không.

Trong chớp mắt, một tia sáng đỏ rực xuất hiện trong đám hơi keo. Xác định được đường đi của tia hồng ngoại, Notarbartolo đĩnh đạc đứng lên, phun keo vào đầu cảm biến.

1 tiếng sau, toàn bộ hệ thống camera, cảm biến nhiệt, cảm biến chấn động, cảm biến ánh sáng trước cánh cổng thép đã tê liệt hoàn toàn.

Với tấm lưới ngăn - và bởi vì nó được mở bằng khóa điện đặt trong phòng kiểm soát - mà nhóm đạo chích lại không muốn mất thời gian đến đó nên Keys tách vỏ của sợi dây điện làm đôi rồi cho 2 lõi đồng chạm vào nhau - một hình thức của sự liền mạch.

Giây lát, tấm lưới trượt ra. Bây giờ, trước mặt họ là cánh cửa thép nặng 3 tấn. Genius nhắm mắt như để nhớ lại những gì ông ta đã thấy trong đoạn phim video.

Tiếp theo, ông ta lấy cái ống nghe - loại dùng cho bác sĩ khám bệnh - móc vào tai, đầu ống nghe áp sát ổ khóa rồi nhẹ nhàng đặt tay lên núm xoay ổ khóa. Mỗi lần xoay được một vòng, miệng Keys lại nhếch một nụ cười bí hiểm.

Khoảng chừng 40 phút, Keys thôi không xoay ổ khóa nữa. Ông ta đưa cả hai tay nắm chặt vào thanh cầm hình chữ thập, miệng nói nhỏ: "Tắt đèn pin đi". Hẳn là Keys không muốn kích hoạt các bộ cảm biến ánh sáng trong kho chứa két sắt khi cánh cửa được mở.

Và cũng như ở tiền sảnh, các bộ cảm biến, máy quay video trong kho lần lượt bị vô hiệu hóa bằng những tấm nhựa polyester, keo xịt tóc và túi nylon đen, kể cả hệ thống cảnh báo nguy hiểm nhất là một máy xung điện đặt trên trần kho, liên tục bắn ra những tia vô hình vào những tấm bảng thép đặt ở 4 bức tường.

Nếu có ai đi ngang, xung điện bị ngắt, không đến được tấm bảng thép thì tất cả còi báo động ở trong cũng như ngoài tòa nhà trung tâm sẽ đồng loạt sẽ hú lên, nhưng Keys vẫn khiến nó hết tác dụng chỉ bằng mấy miếng thép mỏng.

Bây giờ, mọi việc còn lại là của Genius, bằng một cái máy khoan tự chế, cứ 4 phút ông ta khoan thủng ổ khóa của một két sắt rồi lấy tất cả những thứ bên trong thả xuống sàn nhà.

Xung quanh nhóm đạo chích giờ đây tràn ngập những thỏi vàng, hàng bó tiền USD, bảng Anh, đô la Thụy Sĩ cùng những chiếc túi da, bên ngoài in nhãn hiệu của hãng kim cương De Beers, Nam Phi.

Vụ biến mất bí ẩn của số kim cương trị giá 100 triệu USD: Bộ ngũ siêu đẳng - Ảnh 3.

Cánh cửa thép nặng 3 tấn với ổ khóa số bị bọn trộm mở tung.


5 giờ sáng, sau khi đã mở được 109 két sắt. Notarbartol ra lệnh rút lui. Phải mất gần 30 phút, cả nhóm mới đưa hết những chiếc túi đựng vàng, nữ trang, tiền và kim cương từ kho chứa két sắt lên chiếc Peogeot 307.

Trong căn hộ thuê của Notarbartol, họ tiến hành phân loại những chiếc túi nhưng thật kỳ lạ, tất cả đều còn đủ, riêng túi đựng kim cương thì chỉ có kim cương cám. Theo nhận định của nhóm đạo chích, những viên kim cương đã gọt giũa có thể được công ty De Beers chuyển đi trước đêm họ đột nhập.

Mãi mãi là bí ẩn

Sáng ngày 17-2, vài tiếng sau khi xảy ra vụ trộm, Michael, một người Bỉ 59 tuổi dẫn hai đứa con vào khu rừng mà ông ta mua năm 1989 để săn thỏ.

Phát hiện thấy đống rác và một số vật dụng cháy nham nhở, Michael gọi cho cảnh sát vì trước đó, một nhóm thanh niên đã đến đất của ông ta cắm trại, và cũng xả rác bừa bãi như lần này.

Khi viên sĩ quan tên Van Camp đến, ông thấy có mấy cuốn băng video cháy gần hết, một vỏ chai rượu vang, một miếng sandwich ăn dở.

Trong đống giấy vụn ở cạnh gốc cây, có một số phong bì trắng in hàng chữ Antwerp Diamond Center (Trung tâm kim cương Antwerp) nên lập tức báo về sở chỉ huy.

Đến giữa trưa, hơn 50 cảnh sát bao vây khu rừng, họ thu thập rác và nhặt lại những viên kim cương cám. Trong số rác, cảnh sát tìm thấy một hóa đơn mua thiết bị giám sát bằng ánh sáng, người mua là Notarbartolo cùng một tấm danh thiếp ghi tên Elio D'Onorio, chuyên gia điện tử người Ý, từng bị buộc tội vì liên quan đến nhiều vụ trộm.

Bên cạnh đó, cảnh sát cũng thu giữ miếng bánh sandwich ăn dở, đựng trong bao bì của tiệm Salami Antipasto Italiano.

Kiểm tra băng ghi hình ở cửa tiệm, cảnh sát thấy người mua bánh là người Italia. Tên ông ta là Ferdinando Finotto. Kiểm tra ADN trên miếng sandwich ăn dở rồi nhờ Interpol đối chiếu trong hệ thống tàng thư, cảnh sát Bỉ biết người ăn là Notarbartolo.

Về phía nhóm đạo chích, ngày 19-2 chúng gặp nhau tại một quán bar ở thị trấn Adro, đông bắc Milan, Italy. Tại đó, mỗi người được chia 3 triệu USD tiền mặt, còn số vàng bạc nữ trang, đồng bảng Anh, đô la Thụy Sĩ thì họ cất giấu, chờ khi mọi việc lắng xuống mới chia tiếp.

Trong lúc đó, cảnh sát đã xác định Elio D'Onorio chính là Genius, Ferdinando Finotto là Speedy, Pietro Tavano là Moise - thông qua việc truy xuất những cuộc điện thoại liên lạc giữa Notarbartolo và những người này trước khi vụ trộm xảy ra - còn Keys thì họ chưa biết.

Ngày 25-2, cảnh sát bắt Notarbartolo khi ông ta trở lại Trung tâm Antwerp. Một nhân viên thủy quỹ lúc nhìn thấy Notarbartolo và biết rằng ông ta đang nằm trong diện tình nghi nên đã điện thoại báo cảnh sát.

Trong két sắt tại nhà ông ta ở Turin, cảnh sát tìm thấy 17 viên kim cương. Tiếp theo, họ bắt Ferdinando Finotto, lúc ấy trốn ở Pháp, sau đó là Pietro Tavano. Mãi đến năm 2007, cảnh sát mới bắt được Elio D'Onorio ở Italy. Riêng Keys, ông ta biến mất hoàn toàn.

Do thời gian truy bắt nhóm đạo chích kéo dài và nhất là chưa bắt được Keys nên năm 2008, Notarbartolo mới phải ra tòa.

Trước vành móng ngựa, Notarbartolo cùng 3 đồng phạm phủ nhận vụ trộm Trung tâm Antwerp nhưng trước những chứng cứ, tòa kết án Notarbartolo 10 năm tù giam, D'Onorio 5 năm, Finotto và Tavano mỗi người 3 năm, còn số tiền cùng nữ trang bị trộm trị giá 100 triệu USD thì không tìm thấy.

Cuối tháng 2-2013, Notarbartolo mãn án. Ông ta trở về Turin, Italy, sống với vợ cùng vợ chồng đứa con gái và cháu ngoại.

Từ chối tiếp xúc báo chí, Notarbartolo gần như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Mọi cuộc nghe lén điện thoại, giám sát thư tín, email của gia đình Notarbartolo cũng như với D'Onorio, Finotto và Tavano trong suốt 5 năm sau đó cho thấy họ không hề liên lạc với nhau.

Và như vậy, vụ cướp Trung tâm kim cương Antwerp có lẽ mãi mãi vẫn là bí ẩn…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại