Vụ biển Hòn Cau: ‘Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế’

Lê Huân |

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã phát biểu như trên tại kỳ họp HĐND tỉnh sau khi thông tin cắt bỏ diện tích khu bảo tồn biển Hòn Cau “làm nóng” nghị trường.

Vụ biển Hòn Cau: ‘Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế’ - Ảnh 1.

Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X khai mạc sáng 6/12

Ngày 6/12, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X đã khai mạc.

Vấn đề nhấn chìm xuống biển 1,5 triệu m3 vật liệu sau nạo nét cảng Vĩnh Tân và đề nghị cắt bỏ 1.060 ha diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã chiếm gần như một nửa thời gian ngày làm việc đầu tiên .

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện, chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận có ý kiến nên đưa vấn đề liên quan đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau vào nội dung chất vấn, vì đây là vấn đề mà dư luận và cử tri hết sức quan tâm.

Theo ông Thiện, khu bảo tồn biển Hòn Cau được Chính phủ phê duyệt trước, dự án Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân có sau thì tại vì sao phải cắt diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau đi để giao cho nhiệt điện Vĩnh Tân?

"Ví dụ như trên đất liền, đất của tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu anh nào đó có dự án chồng lấn đất tôi thì anh chồng lấn đó phải tháo dỡ đi chứ tại sao lại bắt tôi cắt đất giao cho anh lấn chiếm?" ông Thiện hỏi.

Vị đại biểu này cũng nêu thắc mắc, sau khi Bộ NN&PTNT có văn bản không đồng ý điều chỉnh giảm diện tích Hòn Cau, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản giao cho các Sở ngành họp bàn để thống nhất phương án tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các thủ tục cần thiết để hoàn thành việc điều chỉnh giảm diện tích Hòn Cau làm cơ sở pháp lý để giao mặt biển cho các dự án (?).

Theo ông Mai Kiều - giám đốc Sở NN&PTNT, diện tích chồng lấn của bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân là 141,42 ha; diện tích chồng lấn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 300 ha; diện tích chồng lấn của tuyến luồng vào cảng là 150 ha; và phần diện tích khu vực lân cận để thiết lập vành đai bảo vệ là 468,58 ha.

Như vậy tổng diện tích chồng lấn là 1.060ha, phần diện tích này đang được kiến nghị điều chỉnh ra ngoài diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tuy nhiên vấn đề này cần có ý kiến chính thức của các nhà khoa học.

"Theo đánh giá của bản thân tôi, không phải toàn bộ diện tích của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đều có san hô cả mà chỉ tập trung ở vùng Hòn Cau và bãi cạn vì san hô ở Việt Nam chỉ sống ở vùng biển có độ sâu tối đa 30m vì nó cần có ánh sáng", ông Kiều phát biểu thêm.

Bổ sung các ý kiến phát biểu của các Sở, ông Nguyễn Ngọc Hai - chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc hình thành Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và cảng tổng hợp Vĩnh Tân đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương.

UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau là do 2 dự án nêu trên đã chồng lấn vào diện tích của Khu bảo tồn biển.

Để đề nghị điều chỉnh giảm diện tích này, UBND Tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì tham mưu tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, thời gian qua UBND tỉnh luôn hết sức chặt chẽ trong việc đề nghị giảm diện tích này. Sau khi Bộ NN&PTNT không đồng ý điều chỉnh diện tích Hòn Cau, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương giải quyết phần diện tích mặt biển để xây dựng cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp và tuyến luồng vào cảng theo phê duyệt của Chính phủ và quy định của pháp luật.

"Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khu bảo tồn biển; bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế", ông Hai khẳng định.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông báo, các nội dung liên quan đến việc nhận chìm 1,5 m3 vật liệu sau nạo nét cảng Vĩnh Tân và đề nghị cắt bỏ 1.060 ha diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau là các vấn đề mà dư luận và cử tri hết sức quan tâm, nên tới đây tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức họp báo thông tin chi tiết về việc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại