"Trẻ con như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Đó là khẩu hiệu nằm lòng trong tất cả các cơ sở giáo dục trong nước. Song, Thái Lý Hạo Nam - bé trai 10 tuổi - sau giờ học đã đi nhặt phế liệu. Đi nhặt sắt vụn trong công trường, chắc chắn rằng không phải là một trò chơi thú vị của tuổi thơ!
Nỗi đau của cha mẹ bé Nam. Ảnh: Zing
Nhìn gia cảnh thực tế của nạn nhân thì có lời giải đáp. "Búp trên cành" này cùng cha mẹ và em trai sống trong một căn nhà lợp tôn cũ kỹ, sàn nhà được làm bằng cây gỗ địa phương đã xuống cấp nặng tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Cuộc sống khó nhọc, thiếu thốn khiến cho Thái Lý Hạo Nam còi cọc, suy dinh dưỡng. 10 tuổi nhưng Nam chỉ nặng 20kg. Đây cũng chính là chi tiết đau lòng của vụ tai nạn, là câu trả lời cho việc vì sao ống bê tông có diện tích chu vi lọt lòng chỉ 25cm mà Nam lại lọt xuống.
Ngày cuối cùng của năm cũ, tai nạn xảy tới, vào thời khắc hơn 11h, khi công nhân công trường tạm nghỉ. Nhưng có lẽ bé Nam chưa tới bữa ăn trưa. Theo dõi toàn bộ vụ việc, rất nhiều người lớn không dám nghĩ tới thảm cảnh khi đó của cậu bé. Nhiều người cứ đọc tin tức trên báo chí là chảy nước mắt, thương Nam đứt ruột.
Sau tai nạn này xảy ra, hẳn rằng rồi sẽ phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Phải có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm cho sự thương tâm này. Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên, con trẻ bị tai nạn tại các công trường. Các tai nạn tương tự như bé Nam đã từng xảy ra, chỉ khác chút về kích thước ống cọc bê tông và độ sâu dưới đất.
Vụ việc này được đánh giá là tai nạn cộng đồng. Nỗi xót thương của dư luận dành cho cậu bé 10 tuổi không cần phải đủ lý lẽ. Đơn giản, đây là một đứa trẻ. Con trẻ cần có đầy đủ các quyền được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, đôi khi người lớn chúng ta vẫn bất lực khi để các con phải sống trong một môi trường không an toàn - một môi trường đầy bất trắc.
Có lẽ chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa các giờ học để dạy cho trẻ về các bài học kinh nghiệm sống, nơi nào là nguy hiểm cần tránh xa. Việc quan tâm tới trẻ sau giờ học của các gia đình cũng phải lưu tâm hơn. Quan trọng nhất, tất cả người lớn đều thể hiện trách nhiệm của mình trong từng công việc mà xã hội và gia đình đã phân công.
Trước mỗi sự cố xảy tới cho con trẻ, người lớn hãy thấy bản thân có lỗi và cần sửa chữa gấp. Đừng nói những lời bao biện nữa!