Vụ bắt cóc bé trai ở Long Biên: 1 trong loạt mánh khóe mà kẻ xấu thường sử dụng

An Chi |

Sau vài câu như nói chuyện, bất ngờ tài xế là người đàn ông, đeo khẩu trang… bước xuống bế cháu bé vào xe rồi chạy mất, bỏ lại hiện trường xe đạp của cháu bé.

Vụ bắt cóc trẻ em tại Q.Long Biên, Hà Nội xảy ra khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Hiện tại, nghi phạm đã bị bắt, cháu bé 7 tuổi an toàn trở về gia đình.

Theo clip ghi lại, cháu bé đang đạp xe đi quanh đường nội đô dãy biệt thự liền kề BT7, khi cháu dừng xe thì xe ô tô Kia Morning biển kiểm soát 29A-236.98 đỗ song song. Sau vài câu như nói chuyện, bất ngờ tài xế là người đàn ông, đeo khẩu trang… bước xuống bế cháu bé vào xe rồi chạy mất, bỏ lại hiện trường xe đạp của cháu bé.

Vụ bắt cóc bé trai ở Long Biên: 1 trong loạt mánh khóe mà kẻ xấu thường sử dụng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên bị bắt cóc

Công an thông tin: "Anh C. (bố cháu bé) cho biết, sau khi được giải cứu, anh nghe con trai kể lại, thời điểm bị bắt cóc, bé đang đạp xe ở gần nhà thì có người đàn ông lái xe đến hỏi "đây có phải nhà chú Tuấn không". Bé trai quay về phía ngôi nhà đó, trả lời không phải. Nhân lúc cháu bé không chú ý, hắn bất ngờ khống chế, lôi cháu lên ô tô rồi dán băng dính đen vào miệng, đeo khẩu trang ra ngoài và trói tay bằng dây thừng".

Những kẻ xấu có rất nhiều phương thức để đạt mục tiêu của mình là bắt cóc trẻ em. Việc hiểu và nắm rõ loạt mánh khóe của chúng cũng một phần giúp phụ huynh và giáo viên trong việc giáo dục, dạy dỗ con em của mình. Dưới đây là một loạt "mánh khóe" mà kẻ bắt cóc hay sử dụng

1. Bắt chuyện vu vơ với trẻ

Những kẻ xấu sẽ hỏi han những câu không liên quan chỉ để đánh lạc hướng, làm trẻ mất cảnh giác. Đây là một trong những thủ thuật phổ biến nhất, đánh vào lòng tốt, muốn giúp đỡ người khác của đứa trẻ. Nếu bạn chứng kiến cảnh này, hãy tỉnh táo nhận ra đứa trẻ đang gặp đe dọa, vì người lớn bình thường không bao giờ nhờ một em bé không quen biết giúp đỡ mình.

2. Cho trẻ những món đồ hấp dẫn

"Tuyệt đối không nhận bánh kẹo, đồ chơi từ người lạ", cha mẹ cần phải dạy con dứt khoát điều này. Trẻ rất dễ tin tưởng mọi người, thích những món đồ thơm ngon, hấp dẫn nên thường bị người xấu dụ dỗ mà không nhận ra. Nếu ai đó nói rằng "con đi theo chú, chú sẽ mua kẹo", hoặc "chú mua cho cái này hay lắm" thì tuyệt đối không đi theo.

3. Cho trẻ đi nhờ xe

Thấy trẻ nhỏ đang đi trên đường, rất nhiều kẻ xấu muốn bắt cóc trẻ bằng cách cho bé đi nhờ xe. Những lời chúng đưa ra có thể là "lên đây chú đưa về, ngồi xe mát xịn lắm", hay "bố mẹ con nhờ chú đưa con về". Khi không quen biết, trẻ tuyệt đối không đi theo người lạ, cha mẹ nhớ dạy con kĩ điều này.

4. Cô, chú là bạn của bố mẹ cháu

Đây là một trong những mánh khóe kẻ xấu rất hay sử dụng để tạo lòng tin của trẻ nhỏ. Trong khi con đang chờ bố mẹ đón ở cổng trường hoặc không đi cùng người lớn, trẻ rất dễ tin theo những lời nói ngon ngọt này. Thậm chí, kẻ xấu có thể tìm hiểu được tên, tuổi, địa chỉ của phụ huynh để tạo lòng tin cho trẻ. Cha mẹ nên dặn con trong bất kì tình huống nào, không được phép đi theo người khác.

Vụ bắt cóc bé trai ở Long Biên: 1 trong loạt mánh khóe mà kẻ xấu thường sử dụng - Ảnh 2.

5. Giả cảnh sát để yêu cầu trẻ đi theo

Thường trẻ sẽ bị thao túng tâm lý khi kẻ xấu tự nhận là cảnh sát và yêu cầu đi cùng để xác minh một việc gì đó, hoặc nói rằng trẻ đã làm sai điều gì đó. Cho dù kẻ đó mặc đồng phục cảnh sát, bạn hãy nhớ rằng bất kỳ ai thuộc lực lượng chức năng cũng sẽ làm việc với phụ huynh nếu cần thông tin từ đứa trẻ. Cách hóa giải tình huống này là yêu cầu cho xem thẻ ngành, tên bắt cóc sẽ "có tật giật mình" và để lộ sự lo lắng, lúng túng khi có nguy cơ bị lộ. Bạn cũng có thể dọa kẻ đó bằng cách giơ điện thoại lên chụp hình.

6. Dùng đứa trẻ khác làm "mồi"

Một số kẻ bắt cóc sử dụng trẻ em khác làm mồi để tìm hiểu thông tin về nạn nhân mới và lôi kéo đến nơi dễ "ra tay". Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ lạ chơi với đứa trẻ mà bạn biết ở sân chơi chung hay khu vực công cộng, bạn nên tiếp cận chúng, hỏi xem hai bé quen biết nhau lúc nào và đang định đi đâu...

7. Lôi kéo đứa trẻ như lôi kéo con mình

Trẻ không ngoan, ăn vạ, khóc lóc là chuyện thường thấy, tuy nhiên đây cũng là kẽ hở cho kẻ gian. Những tên bắt cóc dễ lôi bé đi như thể là bố, mẹ đang dạy dỗ con vậy. Những người lớn khác có thể nhìn ra ngay đây là kẻ xấu nếu thấy đứa trẻ chống trả quyết liệt.

Trong vụ việc chấn động trên, dù thủ thạm đã bị bắt giữ nhưng các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi thanh thiếu niên, vẫn không khỏi bàng hoàng trước thủ đoạn tinh vi, hành tung bí ẩn, coi thường pháp luật của đối tượng.

Trên thực tế, bắt cóc trẻ em vẫn là một vấn nạn đáng lo ngại không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Bố mẹ hãy trò chuyện, tâm sự với trẻ để hiểu chúng hơn về cách mà kẻ xấu có thể làm, từ đó đưa ra lời khuyên cho con như luôn xin phép, hãy yêu cầu giúp đỡ, hạn chế đi một mình ở nơi vắng người, không nhận quà từ người lạ...

Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho con xem phóng sự, clip mô phỏng tình huống thiếu an toàn, hoặc trẻ bị bắt cóc để trẻ nhận biết những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và cách xử lý khi gặp phải tình huống tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại