Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Liên quan đến vụ việc nhiều trẻ nhỏ bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng gây phẫn nộ trong dư luận, ngày 5/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.12 (TP.HCM) đã ra quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (46 tuổi, quê Đồng Nai, bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để phục vụ công tác điều tra. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan chức năng xác định hành vi của Nguyễn Thị Ngọc Cẩm đủ yếu tố cấu thành tội Hành hạ người khác.
Hiện ba người đang được lấy lời khai gồm: N.T.Q (SN 1983, quê Tiền Giang), Đ.T.K.L (SN 1978), D.N.T (SN 1977, quê Sóc Trăng).
Trước đó, vào chiều 4/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM).
Theo bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, hoạt động không thu phí và được Phòng LĐ-TB-XH quận 12 cấp giấy phép vào tháng 7-2023.
Hiện tại, có tổng cộng 85 trẻ được chăm sóc tại mái ấm này, với 26 nhân viên, trong đó 16 nhân viên có mặt tại thời điểm kiểm tra. Để đảm bảo an toàn, tất cả 85 trẻ đã được chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập nhằm cách ly khỏi môi trường tiềm ẩn nguy cơ bạo lực và xâm hại.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Tăng Minh nhận định rằng vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với quyền trẻ em .
Trong khi đó, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động rằng ông rất đau lòng khi chứng kiến các đoạn clip ghi lại cảnh trẻ em bị bạo hành tại đây.
Theo đánh giá của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng là vô cùng nghiêm trọng, cả về hành vi lẫn mức độ bạo lực, không chỉ gây tổn thương tâm lý mà còn đe dọa đến sự an toàn, sức khỏe, và tính mạng của các em nhỏ.
Các Luật sư nhìn nhận thế nào?
Theo dõi vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho báo Sức khỏe & Đời sống hay, theo Khoản 6, Điều 4 của Luật Trẻ em năm 2016, bạo lực trẻ em bao gồm các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ. Những hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016.
Quá trình nuôi, giữ chăm sóc các trẻ trong suốt thời gian dài, các đối tượng bảo mẫu tại đây đã có hành vi hành hạ, đánh đập, dùng vũ lực gây thương tích đối với các trẻ nhỏ. Những hành vi này của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm có khung hình phạt cao nhất 3 năm tù.
Bên cạnh đó, quản lý và bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng có dấu hiệu lợi dụng trẻ em để trục lợi, chiếm đoạt tiền từ những nhà hảo tâm, sử dụng cho các mục đích khác không đúng với thỏa thuận ban đầu. Hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Tin tức, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam viện dẫn: Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định rằng trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục, nghiêm cấm các hành vi xâm hại, ngược đãi, bỏ mặc, bóc lột sức lao động và các vi phạm khác đối với quyền trẻ em.
Theo TS. LS. Đặng Văn Cường, hành vi đánh đập trẻ em khi các cháu còn ở đội tuổi quá nhỏ, phải chịu đớn đau như “thời Trung cổ” có dấu hiệu của Tội Hành hạ người khác, nếu có thương tích hoặc có thể dẫn đến các cháu tử vong thì có thể xử lý về Tội “Giết người”.
Luật sư Cường cho biết thêm, nếu kết quả giám định cho thấy có trẻ bị thương tích, dù dưới 11%, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự đối với bảo mẫu về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, với các tình tiết tăng nặng như phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ, và vi phạm trách nhiệm chăm sóc. Mức án có thể lên tới 10 năm tù nếu nạn nhân không tử vong.
Tổng hợp