Nhưng việc anh em ruột thi đỗ thời vua Thiệu Trị mà cùng bị đánh hỏng thì quả là hi hữu.
Vụ việc xảy ra vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vào mùa Thu, mùa tổ chức thi Hương. Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, khoa thi này, trường thi Hương Nam Định có hai anh ruột là Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Đức Khuê, người tỉnh Hải Dương, đều đỗ vào hạng Cử nhân (Lâm đỗ thứ 7, Khuê đỗ thứ 13).
Chủ khảo Trương Quốc Dụng thấy ở kỳ đệ nhị, hai người này có chỗ hơi giống nhau, họ lại là anh em ruột, nên lấy làm ngờ, đều đánh hỏng.
Vụ việc truyền về Kinh đến tai vua Thiệu Trị. Nhà vua phán rằng: “Mở khoa thi, lấy nhân tài, cốt được thực tài, nếu vì hình tích mà ngờ thì những người tài cao học rộng làm thế nào mà tỏ ra được!”.
Sau đó, vua sai phu trạm ra Bắc lấy quyển và truyền tư gọi hai người vào Kinh, sai bộ Lễ và viện Đô sát ra bài đủ 3 kỳ, sát hạch rõ ràng, thì anh em Lâm quả có thực học.
Các quyển thi đều dâng lên vua xem. Vua nói rằng: “Hai anh em Lâm và Khuê, văn lý có một hai chỗ giống nhau, cũng là mẫu mực trong một nhà, vốn không phải theo vào bản chữ sẵn mà viết lại. Vậy chuẩn cho họ đều được dự vào hàng Cử nhân, cấp cho mũ áo”.
Sau đó, vua Thiệu Trị ban thông dụ trong Kinh, ngoài tỉnh rằng: “Chấm văn cân nhắc là một việc công bằng, cốt thế nào cho được thực tài. Nhà Tống đặt khoa thi, không khỏi tiếng chê có người trà trộn vào chỗ thổi sáo, nhà Đường tuyển kẻ sĩ, có lời chê thí sinh bỏ trắng quyển thi”. (Ở đây vua Thiệu Trị nhắc về tích Đông Quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng vì trà trộn vào dàn nhạc của nhà vua để hưởng các ân điển. Đến thời vua sau không thích nghe dàn nhạc tấu mà sai tách riêng từng nhạc công chơi nhạc thì Đông Quách không thổi được, phải bỏ trốn).
Vua viết tiếp: “Phép trường rất nghiêm, không nên phiến lạm. Còn những người có thực tài, thực học, khó phân biệt được ai là anh, ai là em. Đời cổ có 2 người họ Tống cùng đỗ một khoa, 4 người họ Tăng cùng đỗ một bảng, từ xưa đến nay đều cho là việc hay trong làng Nho, vẫn trầm trồ khen ngợi, có hạn chế và bó buộc gì đâu.
Ngày nay, văn trị rất thịnh, nhân tài, lũ lượt ra đời, như lông chim phượng nối luôn tiếng tốt, như hoa cây đường lệ nức mùi thơm. Những người từ chỗ khoa mục mà ra không phải là ít. Nếu không nói đến có tài học hay không, mà chỉ tránh về sự hiềm nghi, lấy một ngọn bút mà mạt sát, như trường hợp Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Đức Khuê gần đây, nếu không có ta cẩn thận kén chọn lại, thì người có học làm thế nào mà tiến thân được?”.
Sau đó, vua Thiệu Trị quy định rằng: “Vậy chuẩn cho từ nay, những kỳ thi khoa Hương, khoa Hội, quan trường đã phê cho đỗ rồi, nếu xét ra có ai là anh em ruột, anh em thúc bá và cha con chú cháu thân cận, các kỳ thi có cùng vào một vi (là một khu vực cách biệt trong khu vực trường thi ngày xưa, mỗi trường thi thường chia thành 4 vi) không văn lý có xuất nhập không đều phải nói rõ ở trong tập tâu, không được vì sự hiềm nghi mà tự tiện đánh hỏng. Nếu trái lẽ ấy, sẽ xử tội”.
Còn ngược dòng lịch sử, thì từ thời xưa, việc anh em thi đỗ cũng một khoa không hiếm.
Như khoa thi năm Tân Hợi (1731) đời vua Lê Duy Phường, lấy đỗ 12 tiến sĩ, trong đó có hai anh em Trần Danh Ninh (1703 - 1767) và Trần Danh Lâm (1704 - 1776) người xã Bảo Triện, huyện Gia Định (nay là huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cùng đỗ cao. Người anh là Trần Danh Ninh đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), em trai là Trần Danh Lâm đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
Hai ông đều làm quan to thời Lê trung hưng, đều lên đến chức Thượng thư, khi qua đời đều được truy phong hàm Thái bảo.
Từ thời Trần, theo sách “Vũ tộc khoa hoạn phả ký” thì có hai anh em Vũ Nghiêu Tá, Vũ Hán Bi cùng đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm khoa Giáp Thìn (1304). Hai anh em ông được coi là tổ khai khoa của họ Vũ làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Hay vào thời vua Tự Đức, khoa thi năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất (1848), tại trường thi Thừa Thiên có hai anh em ruột quê ở Điện Bàn, Quảng Nam cùng thi đỗ cử nhân là Hoàng Kim Giám và Hoàng Kim Tích (sau đổi thành Hoàng Diệu).
Hoàng Diệu đến năm 1853 thi đỗ Phó bảng, làm quan thăng đến chức Thượng thư bộ Binh, rồi Tổng đốc Hà Ninh, chịu trách nhiệm giữ thành Hà Nội khi quân Pháp tấn công lần thứ hai năm 1882. Khi thành thất thủ, ông đã tử tiết tại Võ Miếu, để lại danh tiếng mãi mãi.
Hoặc đến cuối triều Nguyễn, khoa Hương năm Bính Ngọ, 1906, thời vua Duy Tân tại trường Thừa Thiên, có ba anh em nhà họ Hà quê làng La Chử (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) đều đỗ Cử nhân.
Còn về chuyện làm bài thi giống nhau, thì trong kỳ thi Hương năm Kỷ Dậu, niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), tại trường thi Bình Định, ban đầu, khi yết bảng là có 18 người đỗ. Tuy nhiên, đến khi hội duyệt lại thì thấy người thứ 15 là Lê Toại và người thứ 17 là Đoàn Văn Mân, kỳ thứ nhất thi văn sách có 3 bài có nhiều chỗ giống nhau và trùng nhau, nên đều bị đánh rớt cả hai.