Vụ án “Xa lộ Nước mắt” của Canada: Phụ nữ bị sát hại hàng loạt trên tuyến đường số 16, cảnh sát bất lực chưa thể phá giải

VŨ HUẾ |

Từ năm 1969 đến nay tại Canada, có tổng cộng 66 phụ nữ và trẻ em gái mất tích và bị sát hại dọc làn đường nhựa mang tên Xa lộ Nước mắt. Trong số đó, chỉ duy nhất 1 vụ được giải quyết, 65 vụ còn lại vẫn là sự thách đố đối với giới điều tra.

Xa lộ Nước mắt (Highway of Tears) là đoạn đường dài 725km trên quốc lộ 16 vắt qua tỉnh British Columbia, Canada (quốc gia Bắc Mỹ). Và chính tại xa lộ quy mô lớn này, đã có những vụ án mạng đáng sợ xảy ra.

Nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái thổ dân

British Columbia là tỉnh thuộc cực tây của Canada, có rất nhiều núi non đồng thời là nơi cư trú của người bản địa (Inuit và Métis). Kể từ cuối thập niên 1960, tỉnh này bất ngờ xuất hiện nhiều vụ phụ nữ và trẻ em gái mất tích, tất cả đều liên quan đến Xa lộ Nước mắt.

Nhiều người trong số họ là thổ dân Inuit hoặc Métis. Vụ mất tích và bị sát hại đầu tiên được báo cáo vào năm 1970. Nạn nhân là Traci Clifton, phụ nữ bản địa không rõ năm sinh sống thuộc thành phố Prince Rupert. Vào năm 1969, cô cãi vã với mẹ, giận dỗi chạy trên quốc lộ 16, và rồi không bao giờ trở về nữa.

Vụ án “Xa lộ Nước mắt” của Canada: Phụ nữ bị sát hại hàng loạt trên tuyến đường số 16, cảnh sát bất lực chưa thể phá giải - Ảnh 1.

Xa lộ Nước mắt băng qua vùng đồi núi tự nhiên, có nhiều cộng đồng thổ dân bản địa Canada cư trú

Hai thập niên 1970 và 1980, trên Xa lộ Nước mắt có tổng cộng 12 vụ mất tích, trong đó có 8 người xác nhận đã bị sát hại. Sang thập niên 1990, số vụ mất tích đột ngột tăng với 15 nạn nhân: 1 người mất tích, 14 được phát hiện đã tử vong. Thập niên 2000, số vụ mất tích lên tới 19 người, trong đó có 12 người bị giết. Thập niên 2010, có thêm 20 nạn nhân, trong đó 12 người đã thiệt mạng.

Theo thống kê dân số của Canada, người bản địa chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng số dân, còn phụ nữ bản địa chiếm 4% tỉ lệ phụ nữ quốc gia. Song, trong số các nạn nhân tại Xa lộ Nước mắt, có tới 16% là phụ nữ và trẻ em gái thổ dân.

Vụ án “Xa lộ Nước mắt” của Canada: Phụ nữ bị sát hại hàng loạt trên tuyến đường số 16, cảnh sát bất lực chưa thể phá giải - Ảnh 2.

16% các nạn nhân là phụ nữ thổ dân Canada, vốn chỉ chiếm 4% nữ giới quốc gia

Xét trên phạm vi toàn quốc, số phụ nữ và trẻ em gái bản địa mất tích và bị sát hại còn cao hơn nữa. Theo báo cáo từ Cảnh sát Hoàng gia Canada (Royal Canadian Mounted Police), chí ít cũng có 1200 vụ trong 3 thập kỷ gần đây. Hiệp hội Phụ nữ Bản xứ Canada (Native Women’s Association of Canada) còn lập bảng thống kê gây sốc, khẳng định số nữ giới mất tích và bị sát hại phải lên tới 4000 người.

Chỉ mới 1 vụ án được giải quyết

Cuối thập niên 2000, Cảnh sát Hoàng gia Canada thành lập đơn vị điều tra đặc biệt, phụ trách các trường hợp mất tích và bị sát hại hàng loạt trên quốc lộ 16. Họ tổng hợp và báo cáo có tổng cộng 18 vụ trong khoảng từ năm 1969 - 2006, song số liệu tại địa phương cho rằng con số này phải lên tới gần 50. Tính thêm các vụ mất tích và bị sát hại trong những năm tiếp theo, tổng số nạn nhân ở Xa lộ Nước mắt lên tới 66 người.

Tháng 12/2016, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố mở cuộc điều tra cấp quốc gia, với khoản quỹ lên tới 40 triệu đô la Canada. Bộ trưởng Carolyn Bennett thân chinh thực địa nhiều tháng, nhận được vô số lời kêu than phân biệt chủng tộc từ cộng đồng người bản địa.

Vụ án “Xa lộ Nước mắt” của Canada: Phụ nữ bị sát hại hàng loạt trên tuyến đường số 16, cảnh sát bất lực chưa thể phá giải - Ảnh 3.

Tại Canada, sự quan tâm của chính phủ đối với các nhóm thổ dân còn rất nhiều thiếu sót. Mỗi khi gặp trường hợp phụ nữ bản địa mất tích hoặc đã chết, cảnh sát thường quy chụp họ tự ý bỏ nhà ra đi và do tự vẫn.

Trở lại với Xa lộ Nước mắt, các cuộc điều tra chẳng đi đến đâu cả. Mãi tới năm 2019, cảnh sát mới đóng được một vụ án, đó là vụ mất tích và sát hại Monica Jack (12 tuổi) vào năm 1978. Hung thủ là Garry Taylor Handlen, bị kết án tù chung thân. Toàn bộ 65 vụ còn lại vẫn chưa có lời giải.

Vụ án “Xa lộ Nước mắt” của Canada: Phụ nữ bị sát hại hàng loạt trên tuyến đường số 16, cảnh sát bất lực chưa thể phá giải - Ảnh 4.

Bất an tiếp tục bao trùm

Tháng 12/2016, chính quyền tỉnh British Columbia bắt tay vào thực hiện dự án cải thiện vấn đề an toàn trên quốc lộ 16, đặc biệt là đoạn Xa lộ Nước mắt. Họ trích kinh phí lắp camera và đèn đường, tuy nhiên hiệu quả không nhiều.

Các vụ mất tích và sát hại vẫn tiếp tục. Tháng 5/2017, Roberta (Robin) Marie Sims (55 tuổi) mất tích và cuối cùng được tìm thấy trong tình trạng chỉ còn là một cái xác không hồn. Tháng 10/2017, Frances Brown (53 tuổi) biến mất khỏi nơi cư trú.

Tháng 7/2018, thi thể của Chantelle Catherine Simpson (34 tuổi) bị mất tích được phát hiện trên sông Skeena, không rõ nguyên nhân tử vong. Tháng 9/2018, Jessica Patrick (18 tuổi) bị sát hại và bỏ lại xác trên quốc lộ 16.

Ngày 23/12/2018, Cynthia Martin (50 tuổi) – nạn nhân cuối cùng, được báo cáo mất tích. Cảnh sát Canada thực hiện cuộc tìm kiếm khổng lồ, phát hiện xe của Martin đậu gần cầu Hagwilget nhưng không thấy bất cứ dấu vết nào của bà.

Hiện tại, bên lề đường Xa lộ Nước mắt còn dựng một số biển báo cấm đi bộ đường dài, nhằm ngăn chặn nguy cơ bị mất tích và sát hại. Ngoài ra, chính quyền tỉnh British Columbia cũng cảnh giác cư dân không quá giang xe.

Vụ án “Xa lộ Nước mắt” của Canada: Phụ nữ bị sát hại hàng loạt trên tuyến đường số 16, cảnh sát bất lực chưa thể phá giải - Ảnh 5.

Biển báo đầy ám ảnh này được đặt dọc Xa lộ Nước mắt

Có điều, phần lớn người bản địa đều là cư dân nghèo, thiếu phương tiện di chuyển. Xa lộ Nước mắt lại ít phương tiện giao thông công cộng phục vụ. Thành ra, phụ nữ thổ dân vẫn không thể tránh cuốc bộ đường dài hay xin đi nhờ xe trên con đường nguy hiểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại