Tại cuộc họp báo Ban Nội chính Trung ương chiều 16/8, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực đã giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương nghiên cứu ban hành một tiêu chí để phân loại, xử lý.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên phát biểu tại họp báo.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, có một điều rất mới, rất lớn trong tư tưởng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở phiên họp 24 liên quan đến chính sách hình sự này, đó là nhiều thành viên Ban Chỉ đạo tâm đắc và cho rằng, chủ trương phân loại, xử lý của Ban Chỉ đạo là hết sức cần thiết, vừa nhân văn, nhân ái, nhân tình, nhưng rõ đối tượng, đối tượng nào cần xử lý nghiêm, đối tượng nào chúng ta có chính sách hình sự. Các thành viên cũng đề nghị tiếp tục phát huy ưu điểm, giá trị của các chủ trương này để mở rộng đến các vụ án khác.
Đặc biệt, một số ý kiến của các thành viên đã được Ban Chỉ đạo thông qua đó là giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ chính sách hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự và chính sách hình sự được Đảng và Nhà nước ta quy định ở các văn bản khác. Trên cơ sở đó đề xuất một chính sách hình sự mới, phù hợp với tình hình hiện nay và những năm tiếp theo. Sau khi thông qua và được Bộ Chính trị thống nhất cho chủ trương, sẽ chuyển sang bước sang bước thứ hai là sửa luật về chính sách hình sự.
Theo dõi vụ việc này, dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội phân tích, trong đời sống thực tiễn, các hành vi phạm tội được thực hiện rất phong phú, đa dạng, đòi hỏi phải có những cách thức xử lý khác nhau, để có thể đảm bảo được tính tương xứng giữa hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự, phù hợp với yêu cầu bảo vệ các mối quan hệ xã hội, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Do đó, phân hóa và cá thể hóa trách nhiệm hình sự là một nguyên tắc và yêu cầu tất yếu của việc xây dựng và áp dụng Luật hình sự.
Trong các vụ án có đồng phạm, đặc biệt là trong các vụ án lớn, có sự tham gia thực hiện hành vi phạm tội của nhiều người, thì việc phân hóa và cá thể hóa trách nhiệm hình sự luôn là việc làm hết sức quan trọng. Bởi vì, tuy cùng thực hiện một tội phạm nhưng nguyên nhân, điều kiện phạm tội, nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, các tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người là không giống nhau, mức độ tham gia cũng khác nhau.
Vì vậy, theo luật sư Hùng, trách nhiệm hình sự mà mỗi người phải chịu cũng sẽ là khác nhau, nhiều khi có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí có người thì được miễn trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự), hoặc được miễn hình phạt (theo quy định tại Điều 59 Bộ luật hình sự), trong khi những người đồng phạm khác thì vẫn phải chịu các hình phạt rất nghiêm khắc. Do đó, việc phân loại các nhóm đối tượng và đường lối xử lý trong các vụ án lớn (vụ án liên quan đến Công ty Việt Á hoặc vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và một số Trung tâm đăng kiểm.v.v..) là hết sức cần thiết, để có thể đảm bảo được sự công bằng của pháp luật và sự tương xứng giữa hành vi vi phạm và các chế tài xử lý đối với từng đối tượng cụ thể.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương khám xét khẩn cấp Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D.
"Việc miễn, không xử lý trách nhiệm hình sự đối với nhóm thứ yếu, không vụ lợi, làm theo chỉ đạo là chủ trương đúng đắn, phù hợp với vai trò, nội dung, tính chất và mức độ vi phạm của nhóm này, cũng như các vấn đề có tính thực tiễn trong các mối quan hệ công tác, điều hành, quản lý trong bộ máy Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phải xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, điều kiện chi tiết và rõ ràng hơn, từ các yếu tố về nguyên nhân, điều kiện, động cơ và mục đích đến nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, để đảm bảo rằng việc miễn, không áp dụng trách nhiệm hình sự cho nhóm này là phù hợp và tương xứng với sai phạm của họ, đảm bảo được tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, cũng như vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm"- luật sư Hùng phân tích.
Mặt khác, theo luật sư Hùng, để chủ trương này có thể được thực hiện chính xác và hiệu quả thì đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải có sự công tâm, khách quan và cẩn trọng trong việc điều tra, xem xét và đánh giá đối với từng trường hợp cụ thể, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương, chính sách này để trốn tránh trách nhiệm, xử lý không đúng, không tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm, hoặc bỏ lọt tội phạm.
Dưới góc độ cá nhân, luật sư Hùng cho rằng, chỉ nên coi đây là giải pháp cấp bách, có tính chất tạm thời để giải quyết các vụ án có tính chất đặc thù nhất định. Còn xét về lâu dài thì các trường hợp này chỉ nên luật hóa thành các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt có thể sẽ làm giảm tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công vụ, không đảm bảo được tính răn đe cần thiết, khó có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu và đòi hỏi của công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là trong bối cảnh “cuộc chiến” chống tham nhũng và thiêu cực đang còn hết sức cam go và phức tạp như hiện nay. Mặt khác, nếu luật hóa chủ trương này có thể tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những “kẽ hở” pháp lý, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến tính nghiêm minh của pháp luật.