Án thấp hơn khung đề nghị của Viện kiểm sát
Sau 10 ngày xét xử và nghị án, chiều 12/1, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế ) 18 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Mức án này thấp hơn khung đề nghị của Viện kiểm sát trước đó 19 - 20 năm tù.
Cùng tội nêu trên, tại Bộ Y tế, tòa tuyên các bị cáo: Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng vụ trang thiết bị) 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính) 7 năm tù, Nguyễn Huỳnh (thư ký của của cựu Bộ trưởng Long) án 9 năm tù.
Riêng Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ Phó thuộc Bộ KH&CN) bị tuyên 14 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) 13 năm tù.
Tại Bộ KH&CN, bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ trưởng); Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng) mỗi người lĩnh 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Với nhóm lãnh đạo tỉnh Hải Dương, tòa tuyên cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng án 5 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) 4 năm tù.
Các bị cáo còn lại có người được miễn trách nhiệm hình sự, người được hưởng án treo, có người mức án cao nhất lên đến 5 năm tù giam.
Đánh giá cao sự hợp tác tích cực của các bị cáo
Bản án chiều nay, tòa nhận định các bị cáo Nguyễn Thanh Long , Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Nam Liên và Nguyễn Minh Tuấn, biết kit test là sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, song nhóm này vẫn cấp đăng ký lưu hành, hiệp thương giá cao, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á, sản xuất tuồn ra thị trường, thu lợi bất chính.
Quá trình này, Nguyễn Thanh Long thông qua Nguyễn Huỳnh "gợi ý" cho Phan Quốc Việt chi hối lộ 2,25 triệu USD, cá nhân ông Huỳnh cũng hưởng lợi hơn 4 tỷ đồng.
Còn Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Cựu Bộ trưởng KH&CN cũng "đánh bóng" tên tuổi cho kit test của Công ty Việt Á.
Giai đoạn điều tra xác định, ông Chu Ngọc Anh được Phan Quốc Việt biếu 200.000 USD; Phạm Công Tạc chỉ khai được biếu 100 triệu đồng, tuy nhiên căn cứ hồ sơ vụ án, dữ liệu trích xuất, HĐXX xác định ông Tạc nhận 50.000 USD như trong cáo trạng quy kết.
Đối với Phạm Xuân Thăng, Phạm Duy Tuyến, HĐXX nhận xét hai bị cáo "tạo điều kiện" cho Công ty Việt Á được vào Hải Dương chống dịch. Sau khi tất toán các hợp đồng mua bán kit test, Công ty Việt Á "lại quả" cho ông Tuyến 27 tỷ đồng, cá nhân Phan Quốc Việt chi cho ông Phạm Xuân Thăng 100.000 USD.
Theo HĐXX, mỗi bị cáo trong vụ án là một "mắt xích", tạo thành các chuỗi vi phạm kéo dài. Trong đó, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) là chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt.
Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận và đánh giá cao các bị cáo trong giai đoạn điều tra và tại tòa đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác làm rõ vi phạm.
Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng.. nhận số tiền lớn đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
"Điển hình là trường hợp bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cựu nhân viên Văn phòng Chính phủ, đã chủ động khai báo. Hành vi của bị cáo đóng góp tích cực nhất trong giai đoạn điều tra", HĐXX nhận xét.
Hồ sơ vụ án xác định, trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit.
Doanh nghiệp này được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên Công ty Việt Á đã nâng giá khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Cơ quan truy tố kết luận, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.