Vụ án ông Đinh La Thăng: Bản án nghiêm khắc, cảnh báo sự lạm quyền

Nam Sơn |

“Một bản án có tình có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện”.

HĐXX nhấn mạnh điều này khi công bố bản án đối với bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sáng 22/1.

Cần thiết cảnh báo sự lạm quyền

Nhấn mạnh đây là vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, HĐXX cho rằng, hầu hết các bị cáo đều là cán bộ chủ chốt, được Nhà nước và nhân dân giao quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, giao thực hiện dự án công trình trọng điểm.

Tuy nhiên, lợi dụng vị thế và đặc thù, ưu đãi của tập đoàn dầu khí, vì động cơ khác nhau mà đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước và để lại nhiều hệ luỵ.

Về hành vi tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh và nhiều bị cáo đã câu kết với nhau cũng như với doanh nghiệp bên ngoài để chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Hậu quả của vụ án chưa nói hết được mức nghiêm trọng của vụ án. Bởi, hành vi của các bị cáo còn dẫn đến làm chậm tiến độ, đội vốn dự án, gây thất thoát lớn vốn của Nhà nước.

Không chỉ bị cáo Đinh La Thăng mà kéo theo hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý, gây tổn thất đáng kể, trong đó có nhiều người là nhà khoa học trong ngành.

HĐXX xác định, các tài liệu và lời khai của các bị cáo cho thấy bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng bị cáo vẫn yêu cầu và chỉ định cho PVC làm tổng thầu thực hiện dự án Thái Bình 2 là vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế.

Hành vi của bị cáo thoả mãn đầy đủ của tội Cố ý làm trái chứ không phải tội danh khác như ý kiến của luật sư.

“HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng, xem xét tình tiết giảm nhẹ nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai.

Một bản án có tình có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện, vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân” – HĐXX nhấn mạnh.

Từ nhận định trên, HĐXX tuyên phạt mức án 13 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng. Ông Đinh La Thăng cũng bị yêu cầu liên đới bồi thường 30 tỷ đồng cho PVN.

Ai cũng dùng tiền Nhà nước như vậy sẽ là mối hoạ

Kết luận giám định cho thấy hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho PVN hơn 119 tỷ đồng.

Ý kiến của một số luật sư và bị cáo nói giám định không đúng, không khách quan, không đầy đủ nên dẫn đến quy kết hành vi tội của các bị cáo là không chính xác.

Tuy nhiên, HĐXX thấy rằng sau khi vụ án xảy ra, cơ quan an ninh Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu giám định thiệt hại, Hội đồng giám định quán triệt triệt để các quy định về thành phần chuyên môn, thực hiện theo đúng quy trình, thời gian, nội dung yêu cầu giám định từ đó xác định thiệt hại.

Ngoài ra, theo HĐXX, hậu quả của việc chỉ định thầu trái phép và tạm ứng tiền trái phép phải được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh.

Theo đó, hàng loạt cán bộ chuyên gia đầu ngành của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý.

Do không có năng lực thi công nên dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm 18 tháng so với tiến độ, đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng, lãi suất trên khoản vay trong và ngoài nước hiện Nhà nước đang phải chi trả.

Cùng với đó là máy móc, thiết bị đắp chiếu, hết thời hạn bảo hành... Những tổn thất này không thể thống kê trong giai đoạn điều tra và tiếp tục phát sinh vụ án sau.

Sau khi ký 2 hợp đồng 33 và hợp đồng 4194, dưới áp lực của Đinh La Thăng, PVC đã tạm ứng số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng, dùng hơn 1000 tỷ đồng không đúng mục đích, sau một thời gian dài mới được trả lại cho ban quản lý dự án.

“Một số ý kiến cho rằng không gây hậu quả, nhưng hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước không thể tuỳ tiện mang cho PVC sử dụng trái phép.

Nếu tất cả các bộ ngành, địa phương đều tuỳ tiện sử dụng tiền tạm ứng như vậy thì gây mối hoạ cho nền kinh tế” – HĐXX nhấn mạnh và cho rằng việc trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không phải hậu quả của vụ án.

Trong khi đó, nhiều dự án khác đang hàng ngày phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao. Bị cáo Đinh La Thăng và HĐTV PVN biết rất rõ điều này. Do đó, theo HĐXX, giám định như trên là có lợi cho bị cáo./.

Tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân VOV.VN - Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án trên về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại