Vụ án mua nhà 58 tỉ rồi bán lại 28 tỉ: 8 năm chưa xong, còn 'ngâm' tới bao giờ?

N.TRIỀU |

Vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất mà vợ chồng tôi là nguyên đơn đã bước sang năm thứ tám, qua ba cấp tòa xét xử rồi quay về cấp sơ thẩm và tiếp tục bị "ngâm" hồ sơ.

Vụ án mua nhà 58 tỉ rồi bán lại 28 tỉ: 8 năm chưa xong, còn ngâm tới bao giờ? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Quyện (bên phải) tại phiên tòa phúc thẩm năm 2019 - Ảnh: N.TR.

Vụ tranh chấp này, từng được báo Tuổi Trẻ phản ánh 5 năm trước trong bài "Sập bẫy mua nhà giá cao", đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tin người, thiệt mình

Cuối năm 2014, vợ chồng tôi quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất và căn nhà 335bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình (TP.HCM) để tính chuyện dưỡng già. Ông Trần Vũ Trường (ngụ Bạc Liêu) đồng ý mua, hai bên thống nhất giá chuyển nhượng là 58 tỉ đồng.

Theo hợp đồng được công chứng, ông Trường trả trước cho vợ chồng tôi 10 tỉ đồng ngay khi ký hợp đồng (ngày 2-10-2014), số còn lại sẽ trả trong vòng 45 ngày tiếp theo.

Sau khi công chứng hợp đồng và nhận khoản tiền trả trước, tôi đã giao giấy tờ nhà cho phía ông Trường. Sau đó, tôi phát hiện ông Trường đã làm thủ tục cập nhật chủ quyền căn nhà sang tên ông chỉ một ngày sau khi ký hợp đồng.

Ngày 15-10-2014, tôi nộp đơn đề nghị Phòng tài nguyên và môi trường quận Tân Bình ngăn chặn nếu ông Trường chuyển nhượng tài sản trên cho người khác.

Cùng thời điểm này, ông Trường đã tới Phòng công chứng quận 10 ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà 335bis Lê Văn Sỹ cho bà Hoàng Ngọc Điệp (ngụ Hải Phòng) với giá chỉ 28 tỉ đồng, chưa bằng một nửa giá mua từ vợ chồng tôi.

Quá hạn theo hợp đồng, ông Trường không trả tiền như đã cam kết và không còn liên lạc được. Biết bị lừa, vợ chồng tôi tố cáo hành vi lừa đảo của ông Trường tới cơ quan công an nhưng sau đó được trả lời rằng công an không liên lạc được với ông Trường nên không có căn cứ xử lý.

Vợ chồng tôi phải khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, yêu cầu tòa tuyên ông Trường vi phạm hợp đồng và tuyên việc chuyển nhượng giữa ông Trường với bà Điệp là vô hiệu.

Những phiên tòa "xử mà không xét"

Hơn 3 năm sau, vụ kiện dân sự mới được TAND quận Tân Bình đưa ra xét xử.

Vợ chồng tôi như bị dội gáo nước lạnh khi tòa tuyên công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông Trần Vũ Trường cho bà Hoàng Ngọc Điệp, buộc vợ chồng tôi phải giao căn nhà cho bà Điệp, dù trong hồ sơ vụ án đã có văn bản của chính ông Trần Vũ Trường thừa nhận hợp đồng bán nhà cho bà Điệp là hợp đồng giả cách cũng như thừa nhận vi phạm hợp đồng đã ký với vợ chồng tôi, chấp nhận mất khoản tiền đã trả và đề nghị cơ quan chức năng sang tên cập nhật chủ quyền căn nhà về cho vợ chồng tôi.

Vợ chồng tôi kháng cáo lên TAND TP.HCM với niềm tin cấp phúc thẩm nhìn thấy quyết định của tòa sơ thẩm không đúng với bản chất vụ việc.

Gần một năm sau, ngày 4-9-2019 TAND TP.HCM mới đưa xem xét xử phúc thẩm. Tại tòa, chúng tôi và các luật sư đưa ra nhiều căn cứ pháp lý chứng minh ông Trường vi phạm hợp đồng đã ký với chúng tôi, đồng thời chứng minh giao dịch giữa ông Trường với bà Điệp là trái pháp luật.

Đại diện Viện KSND TP.HCM cũng nhận định bản án sơ thẩm áp dụng Luật nhà ở để công nhận hợp đồng giữa ông Trường và bà Điệp là áp dụng sai pháp luật và đề nghị hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm vẫn tuyên công nhận phán quyết của cấp sơ thẩm.

Vợ chồng tôi vẫn còn chút bám víu khi sau đó Viện KSND TP.HCM đã báo cáo và đề nghị Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM theo thủ tục giám đốc thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 3-11-2020 chỉ rõ yêu cầu khởi kiện của chúng tôi là có căn cứ và việc xác định quan hệ tranh chấp, áp dụng pháp luật của hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm là sai.

Quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ về cho TAND quận Tân Bình xét xử lại.

Hai năm qua, vụ tranh chấp của tôi vẫn chưa được TAND quận Tân Bình đưa ra xét xử lại. Tôi nhiều lần liên hệ với TAND quận Tân Bình để hỏi lịch xét xử nhưng đều chỉ được trả lời là chờ thông báo dù chánh án TAND quận Tân Bình có biên bản ghi ý kiến của tôi và thừa nhận là vụ án đã quá thời hạn xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Tôi đã 70 tuổi, tôi cứ tự hỏi liệu mình đủ sức chờ không và còn phải chờ tới bao giờ?

Chưa biết khi nào xét xử

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-10, thẩm phán Võ Tuấn Nhu (TAND quận Tân Bình) - người được phân công thụ lý vụ án - cho biết tòa án đang tiến hành thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Về lý do vì sao vụ án đã được thụ lý lại từ cuối năm 2020 nhưng đến nay chưa đưa ra xét xử, ông Nhu từ chối trả lời và cũng không cho biết khi nào sẽ đưa vụ án ra xét xử.

Trong diễn biến khác, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có văn bản gửi Viện KSND tối cao đề nghị đôn đốc việc giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn Quyện tố cáo ông Vũ Đức Toàn - thẩm phán TAND TP.HCM và ông Đỗ Việt Hùng - thẩm phán TAND quận Tân Bình có hành vi không khách quan, vi phạm pháp luật trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án của ông.

Ban Dân nguyện đề nghị giải quyết vụ việc đúng quy định pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả để Ban Dân nguyện giám sát.

Được biết, đơn tố cáo của ông Quyện đã được Ban Dân nguyện chuyển đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao từ ngày 1-10-2019 nhưng đến nay chưa nhận được kết quả giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại