Vụ án buôn lậu xăng: Hai cựu tư lệnh Cảnh sát biển nhận hối lộ

Nguyễn Hường |

Khai tại phiên tòa, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đều thừa nhận đã nhận hối lộ từ "ông trùm" buôn lậu xăng .

Ngày 12-7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa xét xử vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và "Không tố giác tội phạm" tại Tòa án Quân sự Thủ đô (TP Hà Nội); dự kiến kéo dài 3 ngày. Cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; cựu Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 12 người khác hầu tòa.

Chỉ là quà bình thường?

Bị cáo Phùng Danh Thoại, cựu đại tá, Trưởng Phòng Xăng dầu Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, bị truy tố tội "Buôn lậu". Bị cáo Nguyễn Thế Anh - cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - bị truy tố 2 tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép". Bị cáo Lê Văn Minh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Lê Xuân Thanh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Nguyễn Văn An, lao động tự do; cùng nhiều sĩ quan khác bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Theo cáo trạng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 Lê Văn Minh đã tạo điều kiện cho "ông trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh, cùng đồng phạm buôn lậu xăng trong suốt thời gian dài mà không bị bắt giữ. Trong thời gian từ tháng 12-2019 đến tháng 1-2021, Hữu đã hối lộ bị cáo Minh gần 6,9 tỉ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn Minh thừa nhận có quen biết với Phan Thanh Hữu từ trước. Ban đầu, bị cáo không biết Hữu buôn lậu xăng dầu, suốt thời gian dài chỉ nghĩ rằng người này buôn bán hải sản. "Bị cáo thấy ông ấy hiền lành, tử tế, học sau mấy khóa cùng trường nên nghĩ là người giỏi làm ăn. Về sau, bị cáo mới phát hiện là buôn lậu" - bị cáo Minh khai.

Trước lời khai này, đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa lưu ý bị cáo nếu không khai báo thành khẩn sẽ rút tình tiết giảm nhẹ là "khai báo thành khẩn". Đồng thời, công bố bút lục cho thấy cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 từng khai biết rõ việc buôn lậu của Hữu, trong đó có việc hai bên nhắn tin tọa độ tàu cho nhau. Bị cáo Minh thừa nhận việc trao đổi tin nhắn với Hữu về vấn đề tọa độ. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng thời điểm ấy chưa nhận thức được hành vi này là giúp sức cho Hữu thực hiện hoạt động buôn lậu.

Với cáo buộc nhận 6,9 tỉ đồng từ Hữu để tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán xăng lậu, bị cáo Lê Văn Minh thừa nhận song không cho rằng đó là tiền "hối lộ, ăn chia tháng" mà chỉ là "quà bình thường, thỉnh thoảng Hữu gửi". Bị cáo Minh khai không nhớ rõ đã nhận tiền bao nhiêu lần, mỗi lần bao nhiêu tiền, số tiền nhận mỗi lần "không đồng đều nhưng chắc chắn có nhận".

Trong khi đó, được triệu tập đến tòa, bà Phan Thị Liên - vợ bị cáo Minh - thừa nhận có nhận tiền của Phan Thanh Hữu thông qua 2 hình thức chuyển khoản và nhận trực tiếp. Với hình thức chuyển khoản, Hữu cho người chuyển tiền vào tài khoản của bà Liên, trong đó có một lần chuyển vào tài khoản con gái bà.

Bà Liên cho biết sau khi cơ quan điều tra làm việc, bà nhận thức được số tiền Hữu chuyển với mục đích "lợi dụng" chồng mình làm tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để hối lộ nên đã chủ động nộp lại tiền. Gửi lời xin lỗi đến cơ quan chức năng, bà Liên nói: "Gia đình rơi vào hoàn cảnh như hiện nay là rất đau đớn".

 Vụ án buôn lậu xăng: Hai cựu tư lệnh Cảnh sát biển nhận hối lộ  - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” và “Không tố giác tội phạm” liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển

Hối lộ hàng chục tỉ đồng

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, cũng thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ 1,8 tỉ đồng, song đề nghị HĐXX xem xét việc chỉ gặp một lần khi Hữu chủ động tìm đến nhà riêng ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Toàn bộ tiền được Phan Thanh Hữu đưa qua vợ nên bị cáo không biết.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thế Anh với chức trách nhiệm vụ được giao đã có hành vi bao che, bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng của Phan Thanh Hữu. Theo đó, từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2020, bị cáo Thế Anh đã nhận của Hữu số tiền 6,2 tỉ đồng và 560.000 USD thông qua em họ là bị cáo Nguyễn Văn An. Sau khi hành vi buôn lậu của Phan Thanh Hữu và các đồng phạm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, để che giấu, Nguyễn Thế Anh hướng dẫn, đưa tiền cho Nguyễn Văn An đi trốn và thông qua các mối quan hệ cá nhân để tổ chức cho em họ trốn sang Lào.

Tuy vậy, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thế Anh khẳng định không quen biết Phan Thanh Hữu và chưa từng nhận tiền của Hữu. Đáng chú ý, bị cáo này khai rằng những lời khai và tâm thư viết hồi tháng 6-2021 là do cán bộ điều tra hướng dẫn làm!

Trước lời khai nêu trên, HĐXX nhấn mạnh bị cáo Nguyễn Thế Anh có quyền không khai báo; những tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án bảo đảm khách quan, đúng sự thật sẽ là tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

Đối chất tại tòa với vai trò người làm chứng, Phan Thanh Hữu khẳng định: "Thế Anh nói như vậy không đúng! Tôi biết Thế Anh từ hồi tôi làm ở công ty bất động sản. Khi tôi buôn xăng, tôi có hẹn với Thế Anh rất rõ tại khách sạn Rex ở TP HCM để bàn bạc".

Phan Thanh Hữu thừa nhận có nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ cho hoạt động buôn lậu xăng của mình.

Nhận "tiền cà phê"!?

Bị cáo Nguyễn Văn An thừa nhận có nhận tiền từ Phan Thanh Hữu khoảng 10 lần với tổng số tiền trên 900 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo An khai số tiền này được Hữu nói là "tiền cà phê" để thông qua An tiếp cận Nguyễn Thế Anh chứ không thừa nhận là nhận tiền hối lộ cho Nguyễn Thế Anh.

Ngoài ra, khai về cuộc vượt biên sang Lào, Nguyễn Văn An nói sau khi nghe Hữu bị bắt, do có nhận tiền từ Hữu nên An đã gọi điện cho một người bạn của Thế Anh để nhờ tìm việc ở Lào. Sau đó, An vượt biên trốn sang Lào một thời gian thì bị công an địa phương bắt và bàn giao cho phía Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại