Cái chết bi thảm của vị Thủ tướng
Vào buổi tối muộn của ngày cuối cùng của tháng 2-1986, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme cùng phu nhân, bà Lisbet, đang đi bộ từ rạp chiếu phim về nhà ở trung tâm thành phố Stockholm.
Vợ chồng Thủ tướng không được tháp tùng bởi bất cứ vệ sĩ nào vì ông Palme nhất quyết muốn sống một cuộc sống bình thường và gần gũi với nhân dân nhất có thể.
Vào 23h21', khi vợ chồng ngài Thủ tướng đang đi bộ trên đường Sveavagen, một trong những con đường nhộn nhịp nhất ở Stockholm, một người đàn ông mặc áo khoác tối màu bất thần xuất hiện sau lưng ông bà.
Hắn giơ một tay túm lấy vai Thủ tướng Palme và rút súng ra bằng tay còn lại, nã thẳng vào lưng ông. Sau đó, tên này quay sang bắn sượt qua phu nhân Lisbet trước khi leo 89 bậc cầu thang để chạy trốn.
Tối hôm đó là một tối thứ Sáu, và các nhà hàng cũng như quán bar trên đường Sveavagen vẫn còn đông nghẹt khách. Ngay lập tức, người dân đổ xô ra đường để sơ cứu Thủ tướng và 6 phút sau, ông được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.
Đến nửa đêm, ông Palme qua đời tại phòng cấp cứu và theo như báo cáo pháp y thì viên đạn đã găm thẳng vào cột sống của ông, cướp đi sinh mạng của Thủ tướng Palme còn trước cả khi ông kịp ngã xuống đất.
Những chi tiết trên là tất cả những gì người dân Thụy Điển biết về vụ ám sát tai tiếng nhất trong lịch sử của đất nước nổi tiếng yên bình này, cho dù có ít nhất 20 người dân đã chứng kiến tận mắt vụ án mạng.
Với nhân dân Thụy Điển, ông Olof Palme không chỉ là một chính trị gia bình thường. Ông Palme không chỉ là biểu tượng của đảng Dân chủ Xã hội, mà còn là đại diện cho những chính sách gắn liền với đất nước Thụy Điển cho đến tận ngày hôm nay.
Dù yêu hay ghét vị thủ tướng quá cố thì mọi chính trị gia cũng như người dân ở quốc gia Bắc Âu này đều đồng ý với một điều: Tên sát nhân muốn huỷ hoại hình ảnh của một Thuỵ Điển hiện đại bằng cách giết hại Thủ tướng Olof Palme.
Cố Thủ tướng Olof Palme.
Cuộc truy lùng xuyên hai thế kỷ
Ba thập niên sau cái chết của ông Palme, đã có nhiều trưởng ban chuyên án được bổ nhiệm rồi lại thất bại trong cuộc truy tìm hung thủ. Năm 2010, Thụy Điển còn huỷ cả thời hiệu của vụ án để cảnh sát có thể tiếp tục điều tra.
Trong hơn 30 năm, đã có 10.000 nhân chứng được triệu tập thẩm vấn và tài liệu về vụ án mạng này choán hết một giá sách dài 250 mét trong trụ sở Cảnh sát Thụy Điển.
Cuộc truy tìm kẻ sát hại cựu Thủ tướng Olof Palme thậm chí còn được coi là vụ điều tra hình sự quy mô nhất thế giới.
Vụ án bí hiểm này dần trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người Thụy Điển, hàng trăm thám tử từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp cố gắng phá giải vụ án trong nhiều năm đến mức một số đã phát điên, và hơn 130 người từng đến đồn cảnh sát để tự nhận mình là hung thủ.
Vụ ám sát Thủ tướng Palme là nguồn cảm hứng cho vô số bộ phim, vở kịch, bài hát, một chương trình radio 173 số hiện vẫn đang được phát sóng, và được xem như nhân tố chính cho sự phát triển bùng nổ của các tác phẩm trinh thám Thụy Điển trên văn đàn toàn thế giới.
Nhiều người thậm chí còn đặt tên cho nỗi ám ảnh này là "Palmessjukdom", nghĩa là "bệnh Palme" trong tiếng Thụy Điển.
Vụ án để ngỏ nào cũng sẽ sản sinh ra nhiều giả thuyết, nhưng hiếm có án mạng nào có thể trở thành tiền đề cho nhiều thuyết âm mưu như vụ ám sát này, đơn giản vì ông Palme là một người nổi tiếng, giàu sức ảnh hưởng và có quá nhiều kẻ thù.
Điều tra viên Lennart Gustafsson, người từng tham gia điều tra từ năm 1986 đến 2016 từng thẳng thắn phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 rằng "người ta có thể liệt đến một nửa dân số Thụy Điển vào diện tình nghi".
Con trai của cố Thủ tướng là ông Joakim Palme, hiện đang là giáo sư môn Khoa học Chính trị tại Đại học Uppsala, cho rằng nhiều thuyết âm mưu về cái chết của cha ông cũng rất có cơ sở.
Tiểu thuyết gia trinh thám lừng danh Stieg Larson (tác giả bộ tiểu thuyết "Cô gái có hình xăm rồng") thậm chí còn từng đề cập đến một chuỗi thuyết âm mưu mang tầm quốc tế về chủ mưu vụ án ngay trước khi qua đời vào năm 2004.
Giả thuyết của tiểu thuyết gia này được cảnh sát đánh giá là chính xác một cách bất ngờ và ngay lập tức được bổ sung vào hồ sơ điều tra.
Người bị kết tội oan Chister Pettersson. |
Trên thực tế, chính tính chất gây sốc của vụ việc, sự lúng túng của cơ quan điều tra và sự tò mò của người dân đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều tra vụ án. Đầu tiên, cảnh sát đã không giữ đầy đủ nhân chứng ở lại hiện trường để khai thác họ ngay lập tức.
Biên tập viên Đài Truyền hình quốc gia Thụy Điển STV Claes Lofgren đã tường thuật trực tiếp vụ án ngay tại hiện trường và khi đang trên taxi về nhà thì ông phát hiện ra tài xế taxi cũng là… một trong các nhân chứng, nhưng chẳng có cảnh sát nào trực tiếp khai thác người tài xế này cả.
Lofgren đã phẫn nộ đến mức ông trực tiếp gọi điện cho cảnh sát ngay trên xe và nói: "Ông tài xế này là một nhân chứng có mặt tại hiện trường, thế mà chỉ mấy tiếng sau ông ấy đã đi lái taxi thế này à?".
Cảnh sát phong toả một phần quá nhỏ của hiện trường và phải đến vài hôm sau, viên đạn mới được tìm thấy bởi… một người dân. Những người hiếu kỳ tràn vào hiện trường, làm mất dấu giày của kẻ thủ ác và hàng loạt bó hoa bị đặt đè lên vũng máu khiến dấu máu bị mờ đi.
Cảnh sát Thụy Điển vốn có hệ thống truy tìm tội phạm thông suốt các nẻo đường trên thành phố nhưng vì một lý do nào đó, họ đã không sử dụng hệ thống này vào đêm xảy ra vụ án.
Thay vào đó, rất đông cảnh sát được cử đi khắp thành phố nhưng không ai biết thủ phạm trông ra sao. Chưa kể tàu phà, xe cộ, các chuyến bay… vẫn vận hành như thường, cửa ngõ thành phố cũng không bị chặn lại.
Tuần xảy ra vụ án mạng là kì nghỉ lễ ở Thụy Điển và rất nhiều người dân chọn dịp này để đi leo núi. Chỉ huy Cảnh sát Stockholm Hans Holmer lúc đó còn… đang đi trượt tuyết với tình nhân ở cực Bắc đất nước.
Ông Hans Holmer ở thời điểm đó thậm chí còn chưa bao giờ điều tra một vụ án mạng nào nhưng đã mau mắn đảm nhận cuộc điều tra này.
Rất nhanh chóng, vị thanh tra lúc nào cũng mặc áo khoác da, oai phong, cao lớn, đẹp trai như tài tử Mỹ Clint Eastwood đã được xưng tụng như người anh hùng trên mặt báo và liên tục nhận được rất nhiều bánh kẹo cũng như hoa tươi từ nhân dân.
Tuy nhiên, ông Holmer lại chỉ chăm chăm tập trung điều tra theo các giả thuyết chứ không hề quan tâm đến bằng chứng. Đầu tiên, ông đưa ra bản phác hoạ chân dung một người đàn ông Bắc Âu môi mỏng, mũi dài được cho là đã chạy trốn khỏi hiện trường ngay sau vụ án mạng.
Cho dù bức chân dung này không được chính xác lắm vì được kết hợp từ trí nhớ của rất nhiều người nhưng nó vẫn được đưa lên khắp các mặt báo Thụy Điển. Trong vài ngày tiếp theo, đường dây điện thoại của Cảnh sát Thụy Điển liên tục nghẽn vì phải nhận tới… 8.000 cuộc gọi báo án.
17 ngày sau đó, kẻ tình nghi đầu tiên, vốn là thành viên của một đảng cánh hữu và rất tinh vào giả thiết rằng ông Palme là điệp viên KGB, đã bị triệu tập để điều tra. Tuy nhiên người này sớm được thả ra vì thiếu bằng chứng. Holmer lại đi theo một thuyết âm mưu khác và bắt liền…
50 người thuộc đảng PKK, một tổ chức khủng bố dưới thời ông Palme, tại một hiệu sách ở Stockholm. Dĩ nhiên, cả 50 nghi phạm lại được thả vì thiếu bằng chứng, còn ông Holmer phải từ chức.
Ông Holmer vẫn không thôi tin vào thuyết âm mưu của mình và, cùng với Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc bấy giờ là bà Anna-Greta Leijon và phóng viên Ebbe Carlsson, đã lén đặt máy nghe trộm để giám sát đảng PKK.
Vài năm sau đó, vào tháng 7-1989, cảnh sát Thụy Điển đã tìm thấy một nghi phạm khác Christer Pettersson, một kẻ sinh sống sát hiện trường vụ án và từng phải vào tù vì đâm chết một người.
Phu nhân thủ tướng nhận mặt hắn là hung thủ và Petterson nhanh chóng bị kết án chung thân. Nhưng đến tháng 10-1989, hắn được thả ra vì thiếu bằng chứng, và vì phu nhân Lisbet bị ảnh hưởng bởi cảnh sát nên đã đưa ra lời làm chứng không chính xác.
Cụ thể hơn, cảnh sát đã dặn trước với bà rằng nghi phạm có thể là một kẻ nghiện rượu, và bà Lisbet nhận thấy "trong dàn nghi phạm thì số 8 (Christer Pettersson) trông giống kẻ nghiện rượu nhất".
Christer Petterson được đền bù một khoản tiền lớn và từ năm 1989 cho đến khi qua đời năm 2004, người này đã tham gia vô số buổi phỏng vấn để… lấy tiền.
Trong nhiều thập kỉ sau đó, cuộc điều tra liên tiếp bị ảnh hưởng bời hàng chục, thậm chí hàng trăm thám tử cũng như những người yêu thích thuyết âm mưu.
Họ cho rằng ông Palme thực ra có rất nhiều tình nhân và đã bị giết hại bởi người vợ ghen tuông của mình, những kẻ thủ ác hạ sát ông cũng chỉ là thủ phạm vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy, ông đã bị bắn hạ bởi những người theo phong trào nữ quyền của giáo phái Scientology, vụ ám sát thực ra là một vụ tự sát và người bấm cò súng giúp ông Palme "thực hiện tâm nguyện" chính là con trai ông…
Tuy nhiên, sau nhiều năm can thiệp vào quá trình điều tra và liên tục quấy rối các nhân chứng, các phóng viên hiếu kỳ và các thám tử Thụy Điển có vẻ như đã giúp phá giải được vụ án mạng khi vào mùa hè năm 2018, tạp chí Thụy Điển Filter đã cho đăng một chuỗi bài là kết quả điều tra suốt 12 năm, điểm mặt chỉ tên thủ phạm là Stig Engstrom, một cựu quân nhân sử súng thành thạo, làm việc ngay sát hiện trường vụ án, rời văn phòng 2 phút trước khi thảm án xảy ra, và là một người đối địch với ông Palme về quan điểm chính trị.
Quan trọng hơn, ngay trước khi ông Palme bị bắn chết, Engstrom đã đi mượn một khẩu súng trùng loại với vũ khí gây án. 2 năm sau, vào tháng 6-2020, công tố viên Krister Petersson đã chính thức công bố Stig Engstrom là thủ phạm.
Tuy nhiên vì Engstrom đã tự tử vào năm 2000, vụ án chính thức khép lại và không có bản án nào được đưa ra.