Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo: Nhật Bản tăng cường an ninh, người dân đau đớn, bàng hoàng

Long Nguyễn |

Chiều 8/7, Nội các Nhật Bản đã nhóm họp khẩn cấp để bàn biện pháp ứng phó sau vụ tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào trưa cùng ngày ở tỉnh Nara.

Bệnh viện Đại học Y Nara, nơi cấp cứu cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau vụ ám sát. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Bệnh viện Đại học Y Nara, nơi cấp cứu cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau vụ ám sát. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo , 67 tuổi, đã bị bắn từ phía sau vào khoảng 11h30 ngày 8/7 (theo giờ Tokyo) trong lúc đang phát biểu để vận động tranh cử cho một ứng viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, thủ phủ của tỉnh Nara.

Ông được đưa tới bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau đó, bất chấp các nỗ lực của đội ngũ y tá và bác sĩ, chính trị gia này vẫn không qua khỏi. Theo thông tin xác nhận từ Bệnh viện Đại học Y Nara, cựu Thủ tướng Abe đã qua đời vào lúc 17h03 ngày 8/7.

Tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới. Nhiều người hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn của các vụ tấn công tương tự khi chỉ còn 2 ngày nữa cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu để bầu các thành viên mới cho Thượng viện.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 8/7 khẳng định, chiến dịch tranh cử vào Thượng viện ở nước này vẫn tiếp tục. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kishida cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử "tự do và công bằng" vào ngày 9/7.

Ngay sau khi nhận được tin về vụ tấn công, Thủ tướng Kishida đã rời tỉnh Yamagata, nơi ông đang vận động tranh cử, để quay về thủ đô Tokyo và triệu tập họp cuộc họp nội các để bàn biện pháp ứng phó sau vụ tấn công này. Tại cuộc họp, Thủ tướng Kishida khẳng định "không bao giờ đầu hàng trước bạo lực và khủng bố", đồng thời chỉ thị tăng cường bảo vệ cho các Bộ trưởng trong nội các và các chính trị gia khác.

Theo dự kiến, chiến dịch tranh cử Thượng viện Nhật Bản sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu các thành viên mới cho Thượng viện vào ngày mai, 10/7.

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã gây chấn động một đất nước nổi tiếng có luật nghiêm ngặt về sở hữu súng và nơi rất hiếm khi xảy ra bạo lực liên quan đến súng.

Để sở hữu một vũ khí hợp pháp ở Nhật Bản là điều cực kỳ khó. Nghi vấn hiện nay đổ dồn về phía nghi phạm. Đối tượng này là ai? Người này lấy súng từ đâu? Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Nhật Bản đã cung cấp thông tin:

"Khi ông Abe bị ám sát, hiện trường vụ tấn công ngay lập tức bị phong tỏa. Một đơn vị điều tra đặc biệt với hơn 90 cảnh sát đã được thành lập để đẩy nhanh quá trình điều tra. Thủ phạm trong vụ ám sát là một người đàn ông và đã bị bắt ngay tại hiện trường cùng khẩu súng tự chế, sau đó được áp giải về Sở cảnh sát thành phố Nara.

Sau khi thẩm vấn nhanh, cảnh sát địa phương cho biết, thủ phạm từng làm việc tại Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ năm 2003 - 2005. Do bất mãn cá nhân, đối tượng đã ra tay sát hại cựu Thủ tướng. Song song với quá trình thẩm vấn, cảnh sát đã khám xét nơi ở của thủ phạm và tìm thấy vật liệu nghi là thuốc nổ và súng tự chế, tương tự như khẩu súng mà hung thủ đã dùng để bắn ông Abe.

Thủ tướng Nhật bản Kishida Fumio khẳng định, các cuộc vận động bầu cử ở nước này vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo vừa qua đời do bị ám sát. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ an ninh sẽ được thắt chặt hơn. Riêng đối với đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, hoạt động vận động bầu cử có một số xáo trộn. Ngày 8/7, nhiều chính trị gia thuộc đảng này đã phải tạm hoãn chương trình vận động bầu cử.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cựu Thủ tướng Abe vẫn là một trong những chính trị gia có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất trong chính trường Nhật Bản. Sự ra đi bất ngờ của ông để lại khoảng trống quyền lực trong nội bộ đảng LDP, trong khi đảng này cần sự ổn định khi chiến dịch tranh cử sắp kết thúc".

Ông Abe Shinzo là Thủ tướng từng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Vụ ám sát ông là một cú sốc với đất nước Nhật Bản. Người dân bàng hoàng, họ không hiểu vì sao một tội ác như vậy có thể xảy ra tại đất nước mặt trời mọc. Nhiều người kinh hoàng khi biết một vụ xả súng đã xảy ra ở một quốc gia hầu như không có tội phạm súng đạn là Nhật Bản.

Tuy không còn là Thủ tướng Nhật Bản nhưng ông Abe Shinzo vẫn là một nhân vật quan trọng trong đời sống công chúng Nhật Bản, và có lẽ là chính trị gia Nhật Bản được biết đến nhiều nhất trong ba thập kỷ qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại