“Bà nội ơi, con đi học!”
Từ hôm qua tới nay, sự việc 9 em học sinh tử nạn trên sông Trà Khúc vẫn còn gây chấn động người dân xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Sáng 16-4, nhiều người dân tập trung nơi xảy ra sự việc thương tâm để thắp nhang cầu an cho các nạn nhân.
“Cái chỗ này năm nào cũng có người chết đuối nhưng chưa có khi nào đau lòng khi cả 9 đứa trẻ chết một lần như vậy.
Chúng tôi nhiều lần có ý định lập bảng cảnh báo mà chưa thực hiện được thì xảy ra chuyện này. Ngày mai, bà con chúng tôi sẽ cắm biển báo ngay lập tức”, cụ Lê Thân (74 tuổi) buồn bã nói.
Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, bà Nguyễn Thị Mỹ (65 tuổi), bà nội nạn nhân Cao Ngọc Vũ khóc đã hết nước mắt.
Cha mẹ Vũ đi là rẫy thuê ở tỉnh Đắc Nông, 3 chị em Vũ ở nhà với bà nội. Người chị đầu bị bệnh down không thể tự chăm sóc mình nên Vũ già dặn hơn cái tuổi 12 của mình.
“Nó ngoan lắm, đi học về là phụ tôi cho chị tắm rửa, ăn uống. Nhỏ tuổi mà nó biết thông cảm cho cha mẹ nghèo khó phải đi làm ăn xa không thể ở cùng con.
Nhà nghèo, vất vả nhưng 6 năm liền đều là học sinh tiên tiến của trường”, người hàng xóm gia đình Vũ vừa dỗ dành bà Mỹ, vừa kể.
Nhiều người dân đến thắp hương cho các em học sinh tử vong
Bà Mỹ thương cháu thiếu thốn tình thương, chưa bao giờ la mắng nặng lời. Vũ biết thương bà, thương các chị nên cũng rất tự giác học hành, chưa bao giờ khiến ai buồn lòng.
“Trưa hôm qua, ăn cơm xong nó xin phép đi học từ 12 giờ rưỡi. Tôi nói con đi học nhớ về nhà sớm. Nó dạ chắc nịch.
Dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà, nó còn quay lại chào: “Bà nội ơi, con đi học!”. Vậy mà nó đi mãi không về.
Hôm qua khi người ta mò tìm xác mấy đứa nhỏ, thằng Vũ lên cuối cùng.
Tôi không biết có mấy đứa bị nạn, thấy người ta tìm mãi không có cháu mình thì có chút hy vọng. Rồi người ta cũng tìm được đứa thứ 9 là thằng Vũ, ba bà cháu tôi ôm nhau khóc.
Con chị đầu bị bệnh down, cũng gào gọi tên em”, bà Mỹ vật vã kể.
Ngước nhìn lên bàn thờ, tấm di ảnh của Vũ khiến ai cũng chạnh lòng. Bạn bè cùng lớp của em đến thăm, thắp nén nhang rồi ôm nhau khóc.
“Bạn Vũ hiền lắm chú ơi, chẳng quậy phá chi cả”, một em nói.
Không được nhìn mặt con lần cuối
Hơn 8 giờ sáng, cuốc xe ôm vội vã chở vợ chồng anh Cao Ngọc Phương, Nguyễn Thị Yến vào căn nhà đang mang nhiều đau thương.
Chiếc xe chưa kịp dừng bánh, chị Yến đã lao vội xuống, chạy ngay đến bên quan tài than khóc vật vã.
“Con ơi, mẹ về với con rồi. Tha lỗi cho mẹ con ơi. Mẹ về rồi, dậy nói chuyện với mẹ”, chị Yến gào khóc. Anh Phương ôm vợ an ủi, ứa nước mắt.
Anh kể, vợ chồng ở quê không có đất sản xuât, quanh năm làm thuê làm mướn. Có người bà con thuê anh chị lên Đắc Nông làm rẫy cà phê. Công việc dù vất vả nhưng bù lại thu nhập ổn định hơn ở quê.
“Vợ chồng tôi tính toán thiệt hơn rồi quyết định đi. Hai năm ni thời gian ở nhà với các con của vợ chồng tôi rất ít. Tụi tôi cũng tính đón 3 đứa lên trên đó ở với cha mẹ nhưng chưa làm được.
Mẹ tôi già cả, ở nhà một mình cũng mong có cháu ở bên cho đỡ hiu quạnh nên vợ chồng tôi cũng chiều lòng.
Chiều qua khi đang trên rẫy thì bà con dưới này gọi điện lên thông báo, vợ chồng tôi bắt xe đò về ngay mà vẫn không kịp”, anh Phương buồn bã kể.
Ngồi thất thần bên quan tài con trai, chị Yến cho hay Tết nguyên đán vừa rồi vợ chồng chị đến tận 28 tháng Chạp mới về nhà. Mấy bộ quần áo mới chị mua vội ở chợ Vũ chỉ dám mặc trong mấy ngày Tết.
“Về với con được mấy ngày thì mồng 4 Tết, vợ chồng tôi dặn dò nó mọi việc ở nhà rồi phải bắt xe lên Tây Nguyên làm rẫy thuê để mưu sinh.
Hơn 2 tháng trời, cha con, mẹ con không gặp nhau.
Vợ chồng tôi gọi điện tuần một hai lần để hỏi chuyện nó. Tôi luôn dặn nó đừng ra sông chơi, nó luôn dạ vâng rất ngoan. Ai ngờ trưa hôm qua nó lại ra đó với bạn.
Mấy tháng mẹ con chưa gặp được nhau, giờ nó gặp nạn, vợ chồng tôi cũng không về kịp để nhìn mặt con lần cuối.
Bà con trong dòng tộc làm lễ khâm liêm tội hôm qua. Tục lệ ở đây khâm liệm xong là đóng kín quan tài.
Vợ chồng tôi gọi điện về xin mà không được. Chúng tôi chỉ biết nhìn con qua tấm di ảnh trên bàn thờ”, chị Yến đau đớn nói.