Vụ 4 cán bộ xã trục lợi dự án ngàn tỷ: Một bị cáo giám định tâm thần

Vũ Long |

Trong số 10 bị cáo bị cáo buộc liên quan đến trục lợi tại dự án ngàn tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 4,6 tỷ đồng ngân sách nhà nước, có một bị cáo phải giám định tâm thần.

Bị cáo Đỗ Văn Hưu, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang

Bị cáo Đỗ Văn Hưu, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang

Liên quan đến vụ án trục lợi tại dự án hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng, chiều 26/1, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phần xét hỏi.

Bị cáo Đỗ Văn Hưu khai đã ký các văn bản báo cáo để gửi đến một số nơi, nhưng không nhớ rõ nội dung chi tiết văn bản là gì. Qua đó vị này khẳng định, không vụ lợi, không gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước…

“Trước khi trình cấp trên, tôi đã chỉ đạo cấp dưới (tức 3 cán bộ địa chính) rà soát lại hồ sơ. Việc thiết lập hồ sơ về hiện trạng và trách nhiệm của xã chỉ có vậy”, bị cáo Hưu nói trước HĐXX. Vị này cũng thừa nhận, trước khi trình lên trên, chưa xem xét kỹ hồ sơ.

Vụ 4 cán bộ xã trục lợi dự án ngàn tỷ: Một bị cáo giám định tâm thần - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Sơn trả lời HĐXX

Bị cáo Lê Sơn khai, trong số tiền đã chiếm đoạt ngân sách nhà nước, bị cáo này đã khắc phục được 50 triệu đồng.

Vụ 4 cán bộ xã trục lợi dự án ngàn tỷ: Một bị cáo giám định tâm thần - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Thành Nguyên tươi cười khi trả lời câu hỏi của HĐXX

“Nếu bị cáo là thường dân, có thực hiện được hành vi phạm tội này không?”, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Lê Thành Nguyên. “Người dân bình thường vẫn làm được. Cứ nhờ người khác đứng hộ tên là làm được”, bị cáo Nguyên trả lời HĐXX.

Trước đó, HĐXX đã đưa bị cáo Y Wem Byă đi giám định tâm thần. Kết quả thể hiện, trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội: hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Tại phiên xét xử sơ thẩm, Y Wem Byă được vợ dìu đến tòa.

Vụ 4 cán bộ xã trục lợi dự án ngàn tỷ: Một bị cáo giám định tâm thần - Ảnh 3.

Bị cáo Y Wem Byă (dấu X) được đưa đi giám định tâm thần

Như Tiền Phong đã đưa tin, dự án hồ chứa nước Krông Pắk Thượng được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào năm 2009, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng (sau điều chỉnh), từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Trong đó, diện tích đất làm khu tái định cư số 1 sẽ được triển khai tại xã Cư Elang do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư.

Biết thông tin này, Hoàng Trọng Nghĩa (SN 1984), Lê Thành Nguyên (SN 1983); Lê Sơn (SN 1985), cùng nguyên là cán bộ địa chính xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã góp tiền cùng nhau mua đất tại khu vực đất sẽ được thu hồi.

Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền trót lọt, Sơn, Nghĩa, Nguyên đã nhờ 3 cặp vợ chồng gồm: Y Thoai Byă (SN 1962), H’Blút Niê (SN 1967), Y Wem Byă (SN 1971), H’Nĩ Niê (SN 1965), Y Thiên Ktla (SN 1962) và H’Nút Byă (SN 1965), đều trú tại xã Cư Elang nhận hộ tiền đền bù; đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng.

Đối với hành vi của Đỗ Văn Hưu (nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Elang) cùng với Lê Thành Nguyên đã xác nhận cho hộ bà Nguyễn Thị Chạm không đúng đối tượng được đền bù, dẫn đến thất thoát cho nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng.

Ngày mai (27/1), phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử các bị cáo này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại