Vụ 2.900 tấn giá đỗ ngậm hoá chất tuồn ra thị trường: Nước "kẹo" được dùng độc hại đến thế nào?

Phạm Trang (t/h) |

Nước "kẹo" - một tên gọi khác của hoạt chất 6-Benzylaminopurine có thể gây nguy hại to lớn đối với sức khoẻ người sử dụng.

Mới đây, ngày 26/12, tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa triệt phá nhiều cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường.

Qua kiểm tra, các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là nước "kẹo".

Vụ 2 . 900 Tấn giá đỗ ngậm hóa chất: Hiểm họa từ nước kẹo - Ảnh 1.

(Ảnh: Công an cung cấp)

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày khoảng từ 8 đến 10 tấn.

Chất 6-Benzylaminopurine trồng giá đỗ siêu tốc là gì?

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên. Loại hóa chất này kết tinh thành tinh thể hình kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường.

Chất 6-Benzylaminopurine tan trong dimethylfornamide, dimethyl sulfoxide, tan trong dung dịch nước vôi (Na2CO3). Vì thế, việc trồng giá đỗ bằng loại hóa chất này thường kèm vôi.

Vụ 2 . 900 Tấn giá đỗ ngậm hóa chất: Hiểm họa từ nước kẹo - Ảnh 2.

(Ảnh: Công an cung cấp)

Chất 6-Benzylaminopurine có tác dụng kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi; tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ việc kích thích phân chia tế bào; loại hóa chất này như thần dược với cây cỏ khi tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh…

Ngoài ra hóa chất benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch chỉ cần phun loại hóa chất này sẽ giúp nông sản giữ được màu sắc tươi xanh lâu hơn.

Dù là "thần dược" trong kích thích tăng trưởng các loại thực vật, nhưng lại là chất độc hại với động vật.

Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Với tính độc hại, chất 6-Benzylaminopurine bị cấm sử dụng cho người. Trồng giá đỗ siêu tốc nhờ vào việc hóa chất này thẩm thấu sâu vào trong thân kích thích giá đỗ phát triển cực nhanh.

Vì chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit nên giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Cấm và phạt tiền nặng, phạt hình sự

Chia sẻ trên báo Dân trí, TS.BS Trần Bá Thoại (Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM) cho biết Benzylaminopurine là hóa chất tăng trưởng thực vật cấm dùng cho người. Do đó, việc sử dụng để làm phụ gia sản xuất thực phẩm là trọng tội.

Hiện nay, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở nước ta đang mức báo động đỏ. Theo bộ luật hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 1.7.2016 thì tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm có thể bị truy tố hình sự vì hành vi cấu thành tội sử dụng chất cấm. Theo điều 190, 191, 195 và 317 của BLHS 2015 này cá nhân vi phạm các quy định về VSATTP sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng và phạt tù từ 01 đến 05 năm. Nếu vi phạm cao hơn hay tái phạm thì mức phạt sẽ còn tăng thêm nữa.

Cũng cần lưu ý, khi ngâm trực tiếp với giá đỗ, dung dịch chất tăng trưởng 6-benzylaminopurine sẽ thẩm thấu sâu vào trong thân của cọng giá. Vì chất 6-benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit, nên giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch được benzylaminopurine này nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Qua điều tra, nhóm đối tượng khai nhận, dù biết đây là chất nguy hại và bị cấm dùng nhưng nhóm này vẫn thường xuyên dùng ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.

Tỉ lệ các đối tượng pha trộn là 400ml nước "kẹo" pha với 1.000 lít nước giếng, đủ để tưới cho ra khoảng 2.000kg giá đỗ thành phẩm. Các đối tượng đều biết rõ hoạt chất 6-Benzylaminopurine bị cấm sử dụng và khi đưa vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người nên mỗi lần sử dụng xong, thì các đối tượng đem giấu can chứa hoạt chất này vào nhà vệ sinh, góc kho xưởng, trong phòng ngủ, tầng hầm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Nguồn tin Báo Thanh tra còn cho biết, cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại khai rằng, có ký hợp đồng cung cấp cho Bách Hóa Xanh từ 350kg – 400kg giá đỗ/1 ngày. Và trên bao bì gói thứ giá đỗ này, lại được dán lên những nhãn mác ghi rất kêu như “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”. Đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Theo nguồn tin, phía cơ quan điều tra đã yêu cầu Bách Hoá Xanh cung cấp các tài liệu liên quan.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố 4 vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can là Lâm Văn Đạo, Vũ Duy Tư, Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Văn Hảo về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời đang tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý toàn diện vụ án.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại