UBND tỉnh Lào Cai đã có thông tin chính thức về vụ việc "11 học sinh phải ăn 2 gói mì tôm chan cơm trắng", xảy ra tại Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 .
Theo báo cáo từ UBND H. Bắc Hà (Lào Cai), ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, đã nộp đơn xin từ chức.
Theo báo cáo của UBND H.Bắc Hà, thông tin phản ánh bữa ăn bán trú tại Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 có dấu hiệu bị cắt xén là chính xác.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trường này có nhiều sai phạm, ví dụ như không có danh sách chi trả tiền ăn thừa cho học sinh, hiệu trưởng chưa ký nhận nhiều hồ sơ nhập, xuất thực phẩm.
Phiếu chi tiền mặt không có số, không có chữ ký của hiệu trưởng, người nhận tiền. Bảng nhập mua thực phẩm hằng ngày không khớp với bảng thực phẩm của tháng.
Thực phẩm được đưa từ cơ sở cung cấp về nhập kho nhưng người nhận không kiểm tra khối lượng và chất lượng hàng hóa, không ký bất kỳ sổ sách nào. Số lượng thực phẩm và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch.
Báo cáo cũng ghi nhận việc người dân không được nhận tiền ăn bán trú còn thừa là có cơ sở. Hiện nay, nhà trường chỉ mua mới sách giáo khoa lớp 4 cho học sinh, còn các lớp 1, 2, 3 và 5 dùng sách cũ và mua bổ sung một số sách thiếu. Như vậy, thông tin phụ huynh không nhận được tiền hỗ trợ học tập 150.000 đồng mỗi tháng cũng là có cơ sở.
Trong đơn xin từ chức, ông Trần Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, tự nhận trách nhiệm bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.
Hiện UBND huyện đã nhận được đơn từ chức của ông Hà. Tuy nhiên, do sự việc liên quan đến nhiều người, ở nhiều thời điểm và có tính chất phức tạp, huyện đã chuyển nội dung phản ánh sang cơ quan công an để tiếp tục làm rõ.
Không phải từ chức là xong chuyện
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức số 58/2010/QH12 (“Điều 9. Đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”), thì Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 là đơn vị sự nghiệp công lập, do đó, Hiệu trưởng là viên chức giữ chức vụ quản lý và sẽ có quyền, nghĩa vụ được điều chỉnh bởi Luật Viên chức.
Đối với vấn đề xem xét từ chức, thì theo quy định tại điểm b Khoản 31 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP có quy định rõ, đây là trường hợp không xem xét cho thôi giữ chức vụ đối với viên chức quản lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau vì đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
“Do đó, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 vẫn phải chịu trách nhiệm cho tất cả những hành vi vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong quá trình công tác, nếu có”- Luật sư Hòa nói.
Cũng theo luật sư Hòa, đối với vấn đề xem xét từ chức, theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP về tuyển dụng và sử dụng, quản lý viên chức vừa mới có hiệu lực pháp lý từ ngày 7/12/2023, đây là trường hợp không xem xét cho thôi giữ chức vụ vì đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
“Trong quy định của pháp luật theo Nghị định 85/2023 anh vừa gửi có quyết định về việc từ chức đối với viên chức, nhưng phải theo đúng quy trình. Nếu việc từ chức không để thoái thác trách nhiệm khi đang có vụ việc bị thanh kiểm tra đơn vị mình chịu trách nhiệm quản lý thì việc từ chức không được xem xét”- Luật sư Hòa thông tin thêm.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, việc hiệu trưởng nhận ra lỗi và từ chức cũng là việc nên khuyến khích. Ông hiệu trưởng đã biết trách nhiệm của mình rồi còn hơn người khác để xảy ra sự việc của mình còn không từ chức.
Tuy nhiên, theo bà An, không phải từ chức là xong mà lúc đó phải xem xét trách nhiệm, lỗi lầm của người đó đến đâu, ở mức độ nào để xử lý dù anh có từ chức hay không.
“Trong quá trình xử lý kỷ luật thì phải xem xét mức độ vi phạm, tác hại của người đó gây ra cho xã hội nên xử lý như vậy mới nghiêm minh, đủ sức răn đe. Từ chức là chưa xong. Việc xảy ra ở trường này thể hiện cách quản lý vô cùng kém của đơn vị đấy. Và sự tuyển chọn người quản lý của đơn vị ấy cũng rất kém, có vấn đề”- bà An nói.
Bà An nói thêm, môi trường giáo dục là môi trường “tất cả vì học sinh thân yêu”, lấy học sinh làm trung tâm. Anh không lo được cho học sinh mà lại lấy bớt xén của học sinh, đây là vùng nghèo. Ở đó, Đảng và chính phủ cố gắng lo cho các em được ăn học để nâng cao dân trí cho các em. Chức năng của người Thầy mà làm việc này thì không còn nhân cách nữa.
“Phòng đào tạo ở Huyện đó cũng phải có trách nhiệm quản lý thế nào, theo dõi thế nào để cho một đơn vị giáo dục xảy ra như thế cho con em của đồng bào. Để cho họ ăn cả năm rồi, rất nhiều thứ rồi mới phát hiện ra”- bà An nêu quan điểm.
Cũng theo bà An, vụ việc ở đây cũng cần xem xét của cả HĐND ở đây. Liệu họ có đi giám sát, kiểm tra lần nào không mà để xảy ra việc này.
“Nhân việc này thì những vùng đặc biệt khó khăn như Huyện này cần giám sát các điều kiện vật chất các trường học phải để ý. Để có điều kiện vật chất các em mới đi học được, mới đạt được mục tiêu Đảng, Nhà nước quan tâm đến tất cả các học sinh ở các vùng dân tộc nhất là các vùng ở đó càng phải được quan tâm nhiều hơn nữa”- bà An nói.
Sau vụ 11 học sinh ăn sáng với 2 gói mì tôm chan cơm ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đề nghị các trường lắp camera giám sát toàn bộ khu vực chế biến thức ăn, khu vực chia suất ăn và khu vực ăn của học sinh.