Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này

LIAM; THIẾT KẾ: TRƯỜNG DƯƠNG |

Chiến lược giai đoạn đầu của Vsmart cho thấy rất nhiều điểm tương đồng với hãng smartphone thuộc top 5 thế giới. Tuy vậy, Vsmart vẫn mang trong mình một khác biệt cốt lõi.

Sau liên tiếp những bước đi gây sốc (như tuyên bố mở nhà máy 125 triệu máy/năm hay quyết định bán VinMart để dồn toàn lực cho công nghệ), Vsmart đã quay trở lại với trọng tâm sản phẩm. Ngày 19/12, tức gần 4 tháng sau khi ra mắt Live, Vsmart mở màn thế hệ sản phẩm thứ 3 mang tên "Bee 3" ở mức giá 1,4 triệu đồng. Những ngày cuối năm 2019, đầu 2020, Vsmart Active 3 lộ diện ở khung giá 4,5 triệu đồng, camera thò thụt, màn hình "không khuyết điểm" (trên thực tế sau khi trừ quà tại đa phần các đại lý, chiếc máy này chỉ có giá 3,5 triệu VNĐ).

Rõ ràng, Vsmart đang tỏ rõ quyết tâm là một hãng điện thoại giá rẻ. Mà đã nói đến giá rẻ là phải nhắc ngay tới Xiaomi.

Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 1.
Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 2.

Theo số liệu thống kê của Canalys, dù bị Huawei và Realme gây khó khăn nhưng tính đến hết quý 3/2019 Xiaomi vẫn là tên tuổi đứng thứ 4 thế giới, vượt mặt các đối thủ mạnh như OPPO, Vivo và cũng chỉ đứng sau bộ 3 đình đám Samsung, Huawei, Apple. Vị thế của Xiaomi cũng như tuổi đời non trẻ của hãng này cho thấy sức hút mạnh mẽ của smartphone giá rẻ - ít nhất là đối với người tiêu dùng.

Những gì Vsmart đang làm cho thấy một tham vọng giá rẻ còn mạnh mẽ hơn. Không giống như "Apple Trung Quốc" ngay từ đầu đã luôn có smartphone cấu hình đầu bảng giá tầm trung, Vsmart đến giờ vẫn nói không với Snapdragon 8x5. Những chiếc Vsmart Lux được định hình ban đầu giờ vẫn bặt vô âm tín và có lẽ rất lâu nữa mới ra mắt. Xiaomi cũng đang không hề có sản phẩm nào giá chỉ 1,4 triệu đồng như Vsmart Bee 3 cả. So với chiếc Redmi 7A giá chính hãng 2,2 triệu đồng của Xiaomi, Bee 3 thậm chí còn có lợi thế về kích cỡ màn hình.

Thực tế, ngay từ khi Vsmart giảm giá Live xuống còn 3,5 triệu đồng, người dùng Việt Nam đã mất đi rất nhiều lý do để mua điện thoại Trung Quốc cùng tầm giá . Vsmart Live cháy hàng, bên cạnh một số mẫu máy khác của Vinsmart bán tốt khiến thị phần hãng này đang từ khoảng 2-3% các tháng trước đột ngột tăng gấp đôi lên 6%.

Với nhà máy công suất 125 triệu máy/năm, rõ ràng VinGroup sẽ không muốn giới hạn lợi thế này trong thị trường nội địa.

Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 3.
Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 4.

Ngoài Việt Nam, có thể kể đến nhiều thị trường lớn rất chuộng smartphone giá rẻ như Ấn Độ, Indonesia, Đông Âu, Mỹ Latin... Nếu Vsmart có thể lặp lại chính sách giá tại Việt Nam với các thị trường này, tham vọng ghi tên trên bản đồ thế giới không phải là không thể nghĩ đến.

Song, cũng không phải đơn giản mà Vsmart có thể trở thành tên tuổi giá rẻ tiếp theo Xiaomi hay Realme. Smartphone giá rẻ là một cạm bẫy với lợi nhuận chỉ mỏng như dao cạo: Xiaomi thậm chí còn chưa một lần chạm nổi đến mức 5% mà tỷ phú Lei Jun từng mang ra hứa hẹn. Để bù đắp, "Apple Trung Quốc" vẽ ra tầm nhìn về các dịch vụ Internet: người dùng không đem lại lợi nhuận trực tiếp qua điện thoại mà là qua quảng cáo, qua game, qua thương mại điện tử, dịch vụ nhạc/video v...v...

VinGroup đang thể hiện một tầm nhìn tương tự. Ngay từ đầu, smartphone của hãng này đã được cài đặt một bản Android riêng có tên "VOS". Mới gần đây, VOS được tích hợp dịch vụ nhắn tin Vmessage và dịch vụ gọi Vcall, hứa hẹn tích hợp ngày một sâu hơn vào cuộc sống số của người dùng – và nhờ đó cũng trở thành nền tảng quảng cáo hữu hiệu. Theo một thông báo trước đây của Vsmart, ứng dụng Vsmart cài trên điện thoại sẽ giúp "chăm sóc khách hàng, tìm kiếm điểm bảo hành, thông tin sản phẩm đối với các dòng smartphone của Vsmart hiện tại và các sản phẩm điện tử gia dụng thông minh khác của VinSmart như tivi, tủ lạnh… trong tương lai". Chưa kể, các công ty con công nghệ khác như VinConnect, HMS, VinCSS chắc chắn cũng sẽ ra mắt những sản phẩm tham gia cùng một "hệ sinh thái" công nghệ do Vsmart gây dựng.

Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 5.
Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 6.

Trên tất cả, VinGroup có 2 lợi thế vô cùng quan trọng mà không hãng công nghệ lớn nào có được. Đầu tiên là các mảng kinh doanh ngoài công nghệ. Kết nối với VinFast là chuyện tất yếu sẽ xảy ra. Và, VSmart cũng sẽ kết nối với VinHomes và VinPearl. Nhắc đến VinGroup đã luôn là nhắc đến đại gia bậc nhất trong làng bất động sản: trong thời đại 4.0, smartphone và hệ điều hành riêng sẽ là chìa khóa mở ra những khu đô thị thông minh mới.

Trả lời phỏng vấn với Tri Thức Trẻ gần đây, CEO Nguyễn Việt Quang của VinGroup khẳng định: "Việc sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID không chỉ giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng mà còn giúp xây dựng một nền tảng bản lẻ mới, linh hoạt hơn và lấy khách hàng làm trọng tâm với mục tiêu dự đoán đúng nhu cầu, phục vụ đúng những yêu cầu của khách hàng vào đúng lúc họ cần với chất lượng dịch vụ tốt nhất".

Cần nhớ rằng nhìn từ góc độ người dùng, VinGroup đã rút lui hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ: VinMart bán cho Masan, Adayroi ngừng hoạt động (phần tích hợp vào VinID có lẽ chỉ là "tàn dư" công nghệ), VinPro cũng ngừng kinh doanh. Việc VinGroup vẫn tiếp tục đầu tư vào tương lai VinID cho thấy tham vọng trở thành xương sống của ngành bán lẻ Việt Nam tương lai, ngay cả khi Vin không còn nắm trong tay một chuỗi bán lẻ lớn nào cả.

Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 7.

Trước mắt VinGroup là Việt Nam, một thị trường vẫn còn tiềm năng khổng lồ cho thương mại điện tử và số hóa bán lẻ vật lý. Và một khi đã xây dựng được "nền tảng" mà ông Quang nói tới, không có gì ngăn cả VinGroup đem xuất khẩu nền tảng ấy cả.

Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 8.

Lợi thế thứ hai là... tiền và vị thế tại Việt Nam. Mặc dù mới chuyển mình thành công ty công nghệ được 2 năm, VinGroup đã xây dựng được một tổ hợp nhà máy khổng lồ. Xiaomi hiện tại đã có 10 năm hoạt động nhưng về bản chất vẫn là một OEM đi thuê hãng khác gia công. Xiaomi vẫn đang phụ thuộc vào các công ty khác, bởi hãng này buộc phải làm như vậy để có thể có nguồn vốn duy trì.

VinGroup thì không: với nhà máy Hòa lạc, Vsmart đã ngay lập tức đem về cho minh lợi thế quy mô.

Vsmart giá rẻ: chiến lược tương đồng với Xiaomi nhưng lại mang điểm khác biệt thú vị này - Ảnh 9.

Hay mới gần đây VinGroup cũng đã đem tặng 100.000 mẫu smartphone Joy+ cho cư dân VinHomes. Bước đi này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của bất kỳ một ông lớn công nghệ nào. Không tính đến tiền, lợi ích đem về cho Vsmart là không thể phủ nhận: qua quyết định chơi ngông, hãng điện thoại này đã ngay lập tức có chỗ đứng trong cuộc sống số của người dùng Việt.

Từ đó, Vsmart có thể góp phần củng cố một hệ sinh thái vững chắc hơn cho VinID, VinSmart, VinHomes, VinPearl... Và cũng từ đó, VinGroup có thể nghĩ đến con đường tiến ra toàn cầu theo cái cách chưa một hãng công nghệ nào khác dám theo đuổi cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại