Vốn tối thiểu 45.000 tỷ mới được mở casino tại đặc khu

Nguyễn Lê |

Dự thảo luật mới nhất về ba đặc khu đã điều chỉnh quy mô vốn tối thiểu đối với dự án dịch vụ có casino và đầu tư kinh doanh cảng hàng không quốc tế...

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Đây là dự án luật gây rất nhiều tranh cãi từ kỳ họp thứ tư của Quốc hội cho đến các diễn đàn khác nhau từ đó đến nay.

Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh, thảo luận tại kỳ họp thứ tư, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án khu phức hợp có casino bảo đảm tương đương 2 tỷ USD như quy định của pháp luật hiện hành về casino, dự án cảng hàng không quốc tế 5.000 tỷ đồng, cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế 3.000 tỷ đồng vì cho rằng quy mô vốn đầu tư như vậy là thấp.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin, làm rõ quy mô vốn của các dự án cùng loại đã đầu tư ở Việt Nam.

Theo đó, đến thời điểm hiện nay, ngoài các dự án cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành thì các dự án cảng hàng không quốc tế khác đều có quy mô tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Như, Cát Bi 5.100 tỷ đồng, Phú Quốc 5.007 tỷ đồng, Cam Ranh 5.635 tỷ đồng.

Cảng container quốc tế Cái Lân là cảng có mức nước sâu -13m và hệ thống trang thiết bị hiện đại đủ khả năng tiếp nhận tàu container sức chở trên 5.000 TEUs, tổng mức đầu tư năm 2012 là 155,3 triệu USD.

Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino lên 45.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế lên 6.000 tỷ đồng cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với quy mô vốn đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế, sau khi cân nhắc, tham khảo số liệu về suất đầu tư và quy mô vốn thực tế của các dự án cùng loại, đồng thời, xem xét điều kiện cụ thể của các đặc khu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về nhà đầu tư chiến lược cũng đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn.

Dự thảo luật đã bổ sung các tiêu chí về năng lực tài chính, quản trị, có cam kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch hoặc công nghệ cao; cam kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu.

Một trong các tiêu chí đáng chú ý là phải dự án đầu tư tại đặc khu thuộc một trong 4 trường hợp được quy định tại điều 3 dự thảo luật.

Trường hợp đầu tiên là có dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ cam kết, nhưng không quá 8 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hai, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong thời hạn không quá 05 năm kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ba, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong thời hạn không quá 3 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bốn, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp quy định tại trường họp thứ ba nêu trên phù hợp với quy hoạch đặc khu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội hoặc tạo ra giá trị gia tăng đột biến tại đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân trong thời hạn không quá 3 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nội dung khác cũng được cơ quan tiếp thu dự án luật giải trình là cơ chế chính sách đặc biệt liên quan đến đất đai.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá, phân tích nhiều khía cạnh của chính sách và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư.

Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định, theo đó, đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có), Thủ tướng sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại