Vốn FDI vào Việt Nam giảm 18% sau 5 tháng

Kiều Linh |

Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 9,9 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2017...

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 9,9 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ năm 2017 do trong cùng kỳ 2017 có nhiều dự án lớn được cấp mới và điều chỉnh vốn.

Trong 5 tháng năm 2018, cả nước có 1.076 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,66 tỷ USD, bằng 83,2% so với cùng kỳ năm 2017. Có 393 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,49 tỷ USD, bằng 52,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Đồng thời có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ 2017.

Trong đó có 1.117 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,58 tỷ USD và 1.224 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 1,17 tỷ USD.

Tính đến ngày 20/5, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 5 tháng, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 71,6% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 52,85 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 58,9% kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 13,81 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,89 tỷ USD không kể dầu thô.

Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với tổng số vốn đạt 5,18 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,07 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,02 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hiện có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc vẫn giữ vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 2,63 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư.

Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 1,52 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,11 USD, chiếm 11,25% tổng vốn đầu tư.

Tp.HCM thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 2,39 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,07 USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 835,3 triệu USD chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại