Theo báo cáo trên, trong 5 tháng, vốn Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Nếu tính cả các vụ thoái vốn, thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã rút ròng 7,8 tỷ USD khỏi Mỹ trong cùng khoảng thời gian.
Từ nửa cuối năm ngoái, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh, do sức ép từ cả Bắc Kinh và Washington nhằm hạn chế bớt dòng vốn đầu tư của Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây. Dữ liệu của Rhodium cho thấy sau khi lập kỷ lục 46 tỷ USD trong năm 2016, vốn Trung Quốc vào Mỹ đã giảm còn 29 tỷ USD trong năm 2017.
Trong cuộc tìm kiếm cơ hội đầu tư, các công ty Trung Quốc với nguồn vốn dồi dào đã ồ ạt thực hiện các vụ thâu tóm ở nước ngoài trong năm 2015 và 2016.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc muốn hạn chế tình trạng chuyển vốn ra nước ngoài và tình trạng vay nợ quá đà của các doanh nghiệp trong nước.
Về phần mình, Mỹ lo ngại về vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ và đã tăng cường giám sát các thương vụ đầu tư trên cơ sở an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đe dọa sẽ tung các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.
Kết quả là, trong 5 tháng đầu năm, nhiều thương vụ trị giá trên 2 tỷ USD của công ty Trung Quốc ở Mỹ đã đổ bể. Trong đó phải kể tới vụ công ty dịch vụ tài chính Ant Financial, một công ty con của Alibaba, chào mua MoneyGram; vụ HNA dự định mua SkyBridge Capital; hay vụ Sino IC Capital chào mua công ty kiểm thử thiết bị bán dẫn Xcerra.
"Các kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ ngày càng ít đi, và giá trị giao dịch bình quân cũng giảm mạnh", báo cáo của Rhodium viết.
Theo báo báo, thay vì có trị giá thường từ vài trăm triệu USD trở lên, quy mô trung bình của các thương vụ do công ty Trung Quốc thực hiện tại Mỹ từ đầu năm đến nay chỉ đạt 46 triệu USD.
Một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như HNA, Anbang và Wanda cũng đang bán lại nhiều tài sản ở Mỹ, khiến giá trị các vụ thoái vốn đã hoàn tất trong 5 tháng đầu năm đạt 9,6 tỷ USD - theo Rhodium. Báo cáo ước tính số vụ thoái vốn với tổng trị giá khoảng 4 tỷ USD nữa còn đang chờ hoàn thành.
Không chỉ hạn chế làn sóng đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc còn gây sức ép nhằm hướng các công ty nước này đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, thay vì những lĩnh vực như giải trí và bất động sản.
Báo cáo của Rhodium cho thấy năm nay, bất động sản và giải trí vẫn thuộc top những lĩnh vực ở Mỹ nhận nhiều vốn Trung Quốc nhất, nhưng giá trị đầu tư vào mảng công nghệ sinh học đã tăng mạnh, chiếm tỷ trọng 58% từ mức 9% vào năm ngoái.
Tuy vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, Rhodium cho rằng các kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc của chính quyền Donald Trump có thể sẽ khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc mở nhà máy sản xuất trực tiếp ở Mỹ.