Vòm nhiệt thiêu đốt thế giới

Thế Tuấn |

Không chỉ nỗi lo El Nino quay trở lại, thế giới lại phải ứng phó với vòm nhiệt, khi mà nắng nóng kéo dài có thể gây tử vong.

Vòm nhiệt thiêu đốt thế giới - Ảnh 1.

Nhiệt kế hiển thị 114 độ F (45,5 độ C) tại Baker, bang California, Mỹ. Nguồn: AFP.

Những đợt sóng nhiệt gay gắt tạo ra vòm nhiệt. Vòm nhiệt được tạo ra do không khí không thể thoát ra ngoài. Hầu hết các kỷ lục về nhiệt độ cao đều được thiết lập trong một vòm nhiệt. Người ta ghi nhận rằng, mùa hè cách đây 20 năm, đã có khoảng 30.000 người tử vong do vòm nhiệt tạo ra nắng nóng như thiêu đốt vào tháng 7 và tháng 8 năm 2003. Nhiệt độ lên tới 40 độ C kéo dài tới tận đêm khuya.

Vào năm 2015, Ấn Độ có trên 2.000 người tử vong trong vòng 2 tuần khi nhiệt độ tăng vọt lên 47,7 độ C tại một số địa phương. Ở thủ đô New Delhi, cái nóng thiêu đốt còn khiến mặt đường tan chảy.

Giới chuyên gia khí tượng cho biết, hiện tượng vòm nhiệt càng nguy hiểm khi càng ngày mùa hè càng trở nên khắc nghiệt hơn. Mùa hè năm nay hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ cao đã được thiết lập trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 30/6, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo: Hơn 55 triệu người sống tại khu vực trải dài từ bang Arizona phía nam đến bờ biển Florida sẽ phải hứng cái nóng ngột ngạt do vòm nhiệt ngày càng tồi tệ và sẽ mở rộng trong tuần đầu tháng 7. Cảnh báo đã được đưa ra đối với các thành phố Dallas, New Orleans và Baton Rouge, Louisiana, với mức nhiệt cao nhất dự kiến chạm tới 48 độ C.

Theo CNN, nhiệt độ thiêu đốt ở miền nam nước Mỹ xảy ra là do hiện tượng vòm nhiệt, mang theo nhiều nguy hiểm tới sức khỏe con người. “Nhiệt độ và độ ẩm cực cao sẽ gia tăng đáng kể khả năng mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, đặc biệt đối với những người làm việc hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời” - Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo và cho biết, nhiệt độ cực cao ở Texas đã gây ra ít nhất 2 trường hợp tử vong tại Công viên Quốc gia Big Bend vào ngày 26/6 khi mà nhiệt độ lên tới 48,3 độ C và nắng nóng kéo dài hơn 2 tuần.

Tại châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc - 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng đang phải đương đầu với nắng nóng dữ dội. Trong khi bang Uttar Pradesh ở miền bắc Ấn Độ liên tiếp đón những "cơn mưa vàng" sau những ngày nhiệt độ tới 47 độ C, thì bang Bihar lân cận nắng nóng khốc liệt vẫn kéo dài. Ít nhất 44 người chết vì các vấn đề liên quan đến nhiệt đã được báo cáo ở bang này, theo CNN. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo nhiệt độ sẽ giảm nhẹ trong những ngày tới nhưng chỉ là một đợt "tạm lui".

"Các dự báo dài hạn chỉ ra rằng các đợt nắng nóng dưới áp lực của vòm nhiệt ở Ấn Độ có thể tác động rất xấu tới cuộc sống của 480 triệu dân" - nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cho biết.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tuần trước nhiệt độ của thành phố 21 triệu dân đã tăng trên 41 độ C, lập kỷ lục mới về ngày nóng nhất của tháng 6 kể từ khi việc lưu trữ hồ sơ nhiệt độ bắt đầu vào năm 1961. Những nơi khác như thành phố Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông… nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng. Tháng trước, thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải, với 25 triệu người sinh sống đã ghi nhận tháng nóng nhất trong một thế kỷ.

Cơ quan Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc đã phải tổ chức cuộc diễn tập khẩn cấp đầu tiên tại khu vực phía đông của nước này, mô phỏng tình trạng mất điện đột biến và mất điện khi phải đối mặt với bất kỳ sự cố mất điện quy mô lớn nào. Tại thành phố cảng Thiên Tân, nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao đã đẩy phụ tải của lưới điện tăng 23% so với năm trước.

Trong khi đó, các quốc gia khác ở châu Á cũng rơi vào tình trạng vòm nhiệt. Một nghiên cứu mới đây cho biết biến đổi khí hậu đã khiến các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra ở châu Á cao gấp 30 lần. Nó đã làm tăng nhiệt độ ít nhất 2 độ C ở nhiều nơi. Nắng nóng gay gắt đã gây ra nhiều ca tử vong và nhập viện ở một số quốc gia, làm tan chảy nhựa đường và ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng khác.

Bà Sarah Perkins Kirkpatrick - Đại học New South Wales, bình luận: “Tôi không ngạc nhiên khi hiện tượng thời tiết này xảy ra và đang trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cách thức chúng diễn ra lần lượt phá vỡ kỷ lục nhiệt độ là điều đáng lưu ý”. Bà Sarah dẫn chứng, Bangladesh đang trong mùa hè nóng nhất trong 50 năm. Trong khi Thái Lan ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45 độ C. Ông Chaya Vaddhanaphuti - Đại học Chiang Mai (Thái Lan) cho rằng đợt nắng nóng kéo dài do những đợt sóng nhiệt tạo nên vòm nhiệt.

Dẫn nghiên cứu của giới khoa học, ông Vaddhanaphuti cho rằng thế giới sẽ có tới 2 tỷ người sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan nếu đà tăng nhiệt độ Trái đất duy trì như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này. Trong đó, Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Báo cáo của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất hành tinh, với nhiệt độ tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy các sông băng trên dãy Himalaya sẽ mất 30-50% thể tích băng vào năm 2100 nếu nhiệt độ tăng 1,5-2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Ở mức 3 độ C, sông băng ở đông Himalaya (bao gồm khu vực Nepal và Bhutan) sẽ mất tới 75% lượng băng. Ở mức 4 độ C, con số mất mát là 80%; gây ra lũ lụt nguy hiểm, góp phần làm 12 lưu vực trong khu vực (bao gồm sông Hằng, sông Ấn và sông Mê Kông) có mức nước đạt đỉnh vào giữa thế kỷ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại