Màn ra mắt hoành tráng của The Wall cũng rất nhiều lời giới thiệu bay bổng từ phía Samsung đã chứng minh một điều: công nghệ micro LED thực sự tồn tại và là phiên bản nâng cấp hoàn hảo cho màn hình LED (và OLED), vốn đã rất thịnh hành trên thị trường tivi trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, Samsung cũng cho thấy sự nghiêm túc của mình khi khẳng định The Wall sẽ chính thức lên kệ trong năm 2018.
Samsung đã cho ra mắt chiếc tivi micro LED đầu tiên trên thế giới với kích cỡ lên đến 146 inch.
Tuy nhiên, để hiểu được tiềm năng của The Wall cũng như lý do Samsung quyết định tạo ra sản phẩm này lại là cả một câu chuyện tương đối phức tạp. Và chắc chắn công nghệ micro LED sẽ không thể hoàn thiện trên những thế hệ tivi tiếp theo ngay được.
Tuy nhiên, hãy ghi nhớ lấy cái tên này, bởi một ngày nào đó trong tương lai xa, micro LED sẽ đưa tivi chạm đến đỉnh cao với màn hình lớn hơn, sáng hơn và đẹp hơn bất cứ thiết bị nào có mặt trên thị trường hiện nay.
Từ LED cho đến QLED, và giờ là micro LED
Xét về mặt kỹ thuật, công nghệ LED (light-emitting diode - đi-ốt tự phát sáng) đang thực sự thống trị thị trường màn hình tivi hiện nay. Tuy nhiên cần phải nói rõ điều này một chút: Các cụm đèn LED thực chất chỉ phát ra ánh sáng trắng mà thôi.
Chính màn hình tinh thể lỏng (LCD) cùng các lớp chất phân cực, những bộ lọc màu và hình dạng màn kính mới là những nhân tố tạo ra màu sắc mà bạn thấy khi xem tivi.
Đến nay, màn hình LED hoạt động vẫn ổn định và sở hữu chất lượng hiển thị tương đối tốt. Tuy nhiên chính vì phải sử dụng lớp đèn nền ở phía sau, loại màn hình này lại gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc hiển thị màu đen.
Sự rò rỉ ánh sáng cũng gây ảnh hưởng đến độ tương phản của màn hình, khiến các mảng màu sáng tối không có sự khác biệt rõ ràng.
Tình trạng này xảy ra rõ ràng nhất trên các loại màn "sáng cạnh" (edge-lit), khi bạn chiếu sáng từ phía bên cạnh màn hình và tạo ra hiệu ứng bóng mờ kỳ lạ quanh viền tivi. Ngoài LG và Sony ra, các sản phẩm LED từ những nhà sản xuất khác thường xuyên gặp phải hiện tượng này.
Tivi LED (trái) có khả năng hiển thị màu sắc thua xa so với tivi OLED.
Điều này cũng dễ hiểu thôi bởi LG cũng như Sony đều đã sớm chuyển sang sản xuất những chiếc tivi OLED cao cấp. Theo đó, công nghệ OLED có thể hoạt động mà không cần tấm đèn nền và mỗi điểm ảnh sẽ tự phát sáng khi có dòng điện chạy qua.
Loại bỏ đèn nền cũng kéo theo sự biến mất của hiện tượng bóng mờ, giúp màu sắc hiển thị được chân thật nhất, đặc biệt là màu đen sâu đúng chất, cùng với đó là độ phân giải đạt đến mức siêu việt.
Đến cả Ray Soneira, Chủ tịch của DisplayMate còn phải thừa nhận rằng chất lượng hiển thị của màn OLED không thể diễn tả bằng từ nào khác ngoài "hoàn hảo".
Và đây chính là tiền đề cho sự ra đời của micro LED. Công nghệ này không chỉ kế thừa mà còn nâng cao hơn nữa những ưu điểm của màn OLED.
Giống như người tiền nhiệm, màn micro LED cũng loại bỏ lớp đèn nền mà thay vào đó là những cụm đèn LED siêu nhỏ với ba màu sắc cơ bản: đỏ, xanh lục và xanh lam cùng khả năng tự mình phát sáng.
Bên cạnh đó, micro LED cũng sử dụng một loại chất liệu dẫn vô cơ có tên gallium nitride thay vì chất hữu cơ như OLED. Và điều này ít nhiều cũng tạo ra những sự khác biệt nhất định giữa hai công nghệ màn hình cao cấp này.
Ông Soneira cho biết: "Các chất hữu cơ sử dụng trong màn OLED có chất lượng giảm dần theo thời gian, do đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến độ sáng và giảm khả năng hiển thị đồng đều màu sắc trên cùng một màn hình.
Trong khi đó, các cụm đèn LED của micro LED lại sử dụng chất vô cơ có thể tạo ra độ sáng lớn hơn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian". Ngoài ra, màn hình OLED còn gây ra hiện tượng burn-in (lưu ảnh trên màn hình) khi phải hiển thị một hình ảnh quá lâu rồi đột nhiên chuyển sang hình ảnh khác.
Công nghệ micro LED đã kế thừa và hoàn thiện những ưu điểm của OLED.
Quá trình sản xuất màn OLED cũng khiến số lượng hình dạng, kích thước màn hình bị hạn chế.
Trong khi đó, Samsung lại tự tin khẳng định kết cấu module trên chiếc tivi micro LED của mình sẽ cho phép người dùng tùy ý điều chỉnh các tầm LED cũng như kích thước màn hình (lớn hơn hoặc nhỏ hơn 146 inch mặc định) và tạo ra những hình dáng phù hợp nhất cho không gian sống của họ.
Có thể nói, công nghệ micro LED sở hữu chất lượng hiển thị tương đương, thậm chí là vượt trội so với OLED, đồng thời còn loại bỏ những hạn chế mà loại màn hình này gặp phải. Tuy nhiên, mức độ hoàn thiện của micro LED hiện vẫn còn là ẩn số và chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Micro LED đã ở rất gần nhưng cũng còn cách chúng ta rất xa
Mặc dù Samsung đã khẳng định The Wall sẽ chính thức lên kệ trong năm nay (với mức giá "không phải dạng vừa đâu"), điều này cũng không đồng nghĩa với việc công nghệ micro LED sẽ sớm trở nên phổ biến trong năm 2018, hay thậm chí là nhiều năm sau nữa.
Paul Gagnon, chuyên viên phân tích của IHS Markit nhận định: "Ở thời điểm hiện tại thì khó có thể coi tivi micro LED là một sản phẩm tiêu dùng thông thường".
Ông cũng cho biết ít nhất phải 4 năm nữa, những dòng tivi này mới được sản xuất đại trà dù mức giá sẽ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Chính sự độc đáo, khan hiếm hiện nay đã góp phần khiến cho micro LED TV càng thêm phần hấp dẫn và gây được nhiều chú ý trên thị trường.
Hiện nay, micro LED thường được sử dụng cho màn hình của smartwatch hoặc smartphone. Năm 2014, Apple thậm chí còn mua lại cửa hàng LuxVue nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phát triển các loại màn hình micro LED nhỏ của mình.
Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có chiếc AppleWatch nào sử dụng công nghệ này cả. Vậy hãy thử tưởng tượng xem một màn hình cỡ lớn như chiếc The Wall được tạo ra kỳ công thế nào.
Siêu phẩm The Wall thực sự là một tuyệt tác mà Samsung đã dày công nghiên cứu.
Tuy nhiên, thời gian để hoàn thiện micro LED cũng không phải là vấn đề quá to lớn. Cách đây không lâu, công nghệ 4K còn là một khái niệm khá xa vời, nhưng cuối cùng nó lại trở nên phổ biến một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Và xét về bản chất, micro LED không phải là một công nghệ quá mới mang tính đột phá mà chỉ đơn giản là phiên bản nâng cấp hơn của OLED mà thôi.
Thế nhưng đối với Samsung, đây thực sự là một vấn đề cấp bách. Trong năm 2018, LG sẽ trở thành công ty duy nhất sản xuất các loại màn hình TV OLED với mục đích thương mại (Sony cũng đã mua linh kiện của LG để sử dụng cho các thiết bị của mình).
Xét về chiến lược lâu dài, những "đại gia" như Samsung cần tự mình tạo ra những sản phẩm có chất lượng hiển thị hoàn hảo hơn thay vì phải dựa vào đối thủ khác, đặc biệt là trong bối cảnh họ đã có những đầu tư vững vàng cho công nghệ LED.
Và đó cũng chính là phương châm của họ khi tạo ra The Wall: Một thiết bị độc đáo, mới lạ xuất phát từ những công nghệ đã tồn tại từ trước.