Tại cánh rừng Chapramari thuộc miền Đông Ấn Độ, một thảm kịch đã lặp lại nhiều năm nay, nhất là vào mùa đông. Lúc này, cây cỏ đã khô héo hết. Chỉ riêng cỏ nằm gần đường ray tàu hỏa vẫn xanh tốt, thu hút nhiều đàn voi lớn tới ăn.
Kết quả là nếu có tàu hỏa chạy tới, nó sẽ không phanh kịp ở vận tốc 80km/h, đàn voi cũng khó thể tránh và dẫn đến va chạm kinh hoàng.
Cú va chạm không chỉ giết chết nhiều cá thể voi cần bảo tồn mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách. Tháng 12/2017, trong một vụ đụng độ cực mạnh, đầu máy thậm chí đã đứt lìa khỏi toa tàu.
Ngoài ra, sau tai nạn, có thể mất đến 24 tiếng đồng hồ để dọp dẹp hiện trường. Các thành viên còn lại của đàn voi nhiều lần không chịu rời khỏi thi thể của những con xấu số.
Theo thống kê, từ năm 1987 đến tháng 7/2017, tàu hỏa ở Ấn Độ đã giết chết 266 con voi. Vụ việc xảy ra năm 2013 tại rừng Chapramari là thảm khốc nhất, cướp đi sinh mạng của 17 con voi cùng lúc.
Điều đáng nói hơn, đường ray được xây dựng xuyên qua 20 trên tổng số 101 hành lang của voi của Ấn Độ - tức là dải đất để voi đi lại giữa các khu vực sống của chúng.
Mặt khác, voi chính là linh vật biểu trưng của Tổng Công ty Đường sắt Ấn Độ, nhưng liên tục gặp nạn với tàu hỏa. Tình trạng tréo ngoe này cần phải chấm dứt!
Sáng kiến thông minh nhờ tận dụng nỗi sợ của voi
Tháng 1/2017, bang Tamil Nadu đã cho lắp bộ phận cảm biến hồng ngoại tại những địa điểm mà voi thường đi ngang qua.
Nếu bộ phận cảm biến phát hiện voi, chúng sẽ tự động chuyển thông tin đến các đơn vị phụ trách. Thông thường, nhân viên địa phương sẽ đến... đuổi voi khỏi đường ray!
Những âm thanh vo ve thế này sẽ làm voi sợ và chạy xa (Ảnh minh họa).
Đến cuối năm 2017, lại có 1 bước tiến mới được áp dụng. Đó là những điểm mà voi hay xuất hiện, sẽ được lắp đặt máy phát âm thanh ầm ĩ như tiếng đàn ong "vỡ trận" - một âm thanh khiến voi phải chạy xa do bản năng sợ côn trùng của mình!
Tại một bang khác ở phía bắc Ấn Độ, người ta dùng drone (thiết bị không người lái) để theo dấu các đàn voi.
Những sáng kiến trên đã tỏ ra khá hiệu quả trong lúc chờ đợi giải pháp mang tính lâu dài hơn. Hiện tại, tàu hỏa đã chạy chậm lại khi đi qua khu vực có nhiều voi, giảm vận tốc xuống 30 km/h.
Người ta còn đang tính đến việc nâng đường ray cao hơn hoặc xây dựng đường ray ngầm. Mục đích là tránh cắt ngang khu vực hành lang mà voi đi qua.
Ngoài ra, có 1 câu hỏi khác mà các nhà động vật học nên giải đáp trước: Vì sao voi lại không nhanh chân chạy khỏi đường ray?
Rõ ràng, voi là loài vật thông minh. Nó có thể cảm nhận từ xa sự rung động của con tàu sắp đến!
Giả thuyết cho rằng, có thể vào ban đêm – thời điểm thường xảy ra tai nạn, voi đã bị lóa mắt bởi ánh đèn trên tàu. Hơn nữa, những khúc quanh bất ngờ đã hạn chế tầm nhìn của chúng.
Nguồn: NatGeo