Vodka Hà Nội: Kinh doanh bết bát, sa lầy ở dự án hàng trăm nghìn m2 tại Bắc Ninh

Quang Dân |

Công ty kinh doanh khó khăn do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và khắt khe hơn. Halico cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân…

Phú quý giật lùi của Halico

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội ( Halico - UPCoM: HNR), tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội được thành lập từ năm 1898 thuộc Chi nhánh của hãng Fontaine, Cộng hòa Pháp xây dựng cùng với nhà máy bia Hommel (tiền thân của Habeco).

Nhà máy rượu Fontaine chính là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nhà máy rượu năm xưa đã đổi tên thành Halico và những sản phẩm như lúa mới, nếp mới hay Vodka Hà Nội đã tạo nên thương hiệu cho Công ty.

Từng có giai đoạn Halico chiếm đa số thị phần tiêu thụ rượu tại phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Công ty này thậm chí từng được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh, với mức tăng bình quân 25% mỗi năm.

Vodka Hà Nội: Kinh doanh bết bát, sa lầy ở dự án hàng trăm nghìn m2 tại Bắc Ninh - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính Halico

Một trong những sự kiện gây tiếng vang lớn nhất của Halico giai đoạn này là việc năm 2011, Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Tập đoàn Diageo (Vương quốc Anh) – một trong những tập đoàn đồ uống lớn trên thế giới.

Được biết, Diageo đã chi ra gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 45,5% cổ phần Halico. Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và một số cổ đông cá nhân. Như vậy, vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng.

Sự hợp tác này được kỳ vọng giúp cho Halico từng bước nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu tung ra nhiều sản phẩm mới, nâng cấp hệ thống phân phối và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Cùng với tầm nhìn của một tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng như Jonhny Walker, Bailey, Smirnoff… hứa hẹn trong tương lai gần, thương hiệu Halico và Vodka Hà Nội sẽ có sức mạnh nhất định trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sự sa sút của Halico xảy ra ngay sau khi bắt tay với gã khổng lồ của nước Anh. Nhưng nó cũng xảy ra trong bối cảnh công ty chứng kiến nhiều bê bối lãnh đạo, sự gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và gần đây là Nghị định 100 kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ sản phẩm bia rượu.

Vai trò của các cổ đông lớn là Habeco và Diageo khá mờ nhạt tại Halico. Trong nhiều năm gắn bó với Halico, ông lớn Diageo chỉ là mang về cho Halico hợp đồng gia công rượu, nhưng việc này đã chấm dứt từ năm 2017. Trong khi đó, Habeco trải qua một thời kỳ tái cấu trúc khó khăn, vật lộn trước sự bành trước của các thương hiệu khác, trong đó có cả ông lớn Sabeco.

Vodka Hà Nội: Kinh doanh bết bát, sa lầy ở dự án hàng trăm nghìn m2 tại Bắc Ninh - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính Halico

Nếu giai đoạn 2012 trở về trước, Halico vẫn đều đặn có lãi trăm tỷ mỗi năm, riêng năm 2012 tăng vọt lên 276 tỷ đồng (phần lớn đến từ khoản tiền đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc, Hà Nội sang Bắc Ninh) thì doanh thu và lợi nhuận bắt đầu lao dốc từ năm 2013.

Halico lần đầu báo lỗ năm 2015 và tăng dần những năm sau đó. Trong năm 2017, Halico lỗ gần 85 tỷ đồng, còn hai năm 2018 - 2019, lỗ lần lượt hơn 78 tỷ đồng và 65 tỷ đồng.

Đến năm 2020, báo cáo tài chính hợp nhất của Halico cho biết, HNR ghi nhận sản lượng tiêu thụ rượu nội địa đạt 82% kế hoạch và giảm 26% so với 2019, sản lượng rượu xuất khẩu đạt 57% kế hoạch và giảm 37% so với 2019, sản lượng cồn tiêu thụ đạt 74% kế hoạch.

Do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn nên doanh thu chỉ thực hiện 79% kế hoạch và giảm 24% so với 2019. Con số lỗ sau thuế là gần 31 tỷ đồng, thấp hơn năm 2019 (lỗ 65 tỷ đồng) là nhờ Công ty tiết giảm đáng kể các khoản chi phí. Đây là năm thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này rơi vào tình trạng thua lỗ.

Sa lầy ở dự án hàng trăm nghìn mét vuông tại Bắc Ninh

Phía Halico cho biết, Công ty kinh doanh khó khăn do thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và khắt khe hơn. Halico cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân…

Bên cạnh đó, hệ lụy các chương trình, hệ thống bán hàng trước đó còn tác động tiêu cực từ các năm trước chuyển sang mà chưa giải quyết dứt điểm; nhu cầu sản xuất ở mức thấp so với năng lực sản xuất dẫn tới không giảm được giá thành, Công ty phải bố trí ngừng việc lớn trong 2020.

Ngoài ra, HNR còn đang đầu tư cho nguồn nhân lực và chưa khai thác được thế mạnh từ việc hợp tác với Diageo.

Vodka Hà Nội: Kinh doanh bết bát, sa lầy ở dự án hàng trăm nghìn m2 tại Bắc Ninh - Ảnh 3.

Halico thua lỗ nặng cho dù sở hữu nhiều đất vàng tại Hà Nội

Halico thua lỗ nặng cho dù sở hữu nhiều đất vàng tại Hà Nội (Nhân Đồng, Lò Đúc, Lĩnh Nam) và khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu và hồ xử lý nước thải.

Ngoài ra, Halico còn có đất tại Đà Nẵng và TP HCM. Tổng diện tích đất đai Công ty đang quản lý sử dụng lên đến gần 234 nghìn m2.

Trong đó, liên quan đến dự án Nhà máy sản xuất cồn rượu và hồ xử lý nước thải, Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Halico cho thấy, tại ngày 31/12/2020, công ty đang ghi nhận giá trị xây dựng cơ bản dở dang gần 1,4 tỷ đồng của dự án đã bị dừng từ năm 2012.

Lãnh đạo Halico cho biết không có kế hoạch và cũng không cho rằng dự án này có thể tiếp tục đầu tư và gái trị thanh lý là không đáng kể. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03-Tài sản cố định hữu hình, các chi phí của dự án dây chuyền sản xuất cồn khô cần điều chỉnh giảm do dự án này không đem lại lợi ích trong tương lai của công ty.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại