Theo Science Alert, tại cao nguyên Trung Anatolian của Thổ Nhĩ Kỳ, bên dưới một vùng trũng gọi là lưu vực Konya, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa vật lý Julia Andersen từ Đại học Toronto (Canada) đã phát hiện ra bằng chứng về việc vỏ Trái Đất bị lún dần.
Quá trình này đang dần định hình bề mặt địa chất không chỉ của lưu vực mà còn của cao nguyên bao quanh nó.
Điều này thúc đẩy họ xem xét các dữ liệu địa vật lý khác bên dưới bề mặt và phát hiện ra các dị thường địa chấn thể hiện sự thay đổi cả ở phần trên cùng của lớp phủ, đại diện cho hiện tượng gọi là "nhỏ giọt thạch quyển".
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, điều này xảy ra khi phần dưới của lớp vỏ đá của Trái Đất được nung nóng đến một nhiệt độ nhất định và trở nên hơi nhớt.
Sau đó, giống các giọt như mật ong hoặc xi-rô, nó từ từ chảy xuống, rơi vào "bụng" hành tinh.
Tuy quy mô thứ bị nuốt nhỏ hơn nhiều so với các mảng kiến tạo chìm xuống do hoạt động kiến tạo mảng, nhưng các giọt vỏ Trái Đất vẫn vô cùng lớn, đủ để gây xáo trộn lớn bên dưới.
Khi các giọt này chảy xuống lớp phủ, nó sẽ làm thay đổi nhiệt độ, thành phần hóa học, mật độ và độ nhớt của phần này, khiến lớp này biến dạng, tạo ra một sự thay đổi địa hình lan tỏa: Chỗ này bị nâng lên, chỗ khác lại lún xuống.
Tại khu vực mà các nhà khoa học nghiên cứu, lưu vực Konya đang lún xuống khoảng 20 mm mỗi năm, trong khi cả cao nguyên Trung Anatolian lại được nâng lên khoảng 1 km trong 10 triệu năm qua.
Nói cách khác,"giọt" vỏ Trái Đất rơi xuống ở lưu vực Konya tạo ra hiệu ứng giống như một giọt nước rơi xuống mặt hồ phẳng lặng, khiến mặt nước xung quanh nó bị nâng lên.
Ngoài ra, việc xem xét rộng hơn xung quanh cũng cho thấy "giọt" vỏ Trái Đất tạo nên Konya chỉ là giọt thứ hai, nhỏ hơn giọt đầu tiên trong quá khứ.
Bằng chứng về giọt đầu tiên này nằm ở khu vực rộng lớn hơn của cao nguyên, vốn đang trong quá trình phục hồi sau giọt thứ nhất đó.
Hiện tượng nhỏ giọt này vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai, với một số "giọt con" khác dường như cũng đang hình thành ở nhiều nơi thuộc vùng cao nguyên rộng lớn này. Chắc chắn hàng chục, hàng trăm triệu năm sau, khu vực này sẽ có một bộ mặt rất khác ngày nay.