Vỗ ngực xưng tên với Premier League, người Anh vẫn phải nép mình dưới El Clasico

Bát Vân |

Khi Barcelona chạm trán Real Madrid, cả trái đất như ngừng quay. Nhưng với người Anh, đó là việc của trái đất... còn họ thì chẳng mấy quan tâm.

1. Ngược dòng quá khứ 30 năm, người Catalan đứng trước cơ hội lịch sử. Nếu thắng đội bóng Romania - Steaua Bucharest trong trận chung kết, Barcelona sẽ lần đầu tiên trong lịch sử lên ngôi vô địch châu Âu.

Sở hữu đội hình toàn sao cùng lợi thế "sân nhà", nhưng suốt hai hiệp chính và thêm thời gian hiệp phụ, Barca lại chẳng thể một lần khoan thủng mành lưới đối phương. Bước vào loạt đấu súng định mệnh, Barca thậm chí còn sút hỏng cả 4 quả luân lưu và cay đắng nhìn đối thủ mang cúp về nhà.

Thất bại quá đau đớn khiến Ban lãnh đạo đội bóng buộc phải triệu tập cuộc họp khẩn. Chỉ 2 tháng sau, Barca rút ví mua luôn Vua phá lưới kỳ World Cup năm đó, Gary Lineker. Nhờ vào tài diễn thuyết của HLV trưởng Terry Venables, Barca có được Lineker khi chân sút người Anh còn cách Man United đúng một bước chân.

Vỗ ngực xưng tên với Premier League, người Anh vẫn phải nép mình dưới El Clasico - Ảnh 1.

Sau Gary Lineker, tuyệt nhiên không có cầu thủ người Anh nào giương danh thành công bên ngoài quê hương bóng đá.

Và chẳng mất nhiều thời gian để Lineker chứng minh khả năng săn bàn khủng khiếp của mình. Ngay ở trận Siêu kinh điển đầu tiên trong đời, Lineker lập luôn cú hat-trick giúp Barca thắng Real 3-2, trong đó 2 bàn đầu được ghi khi đồng hồ mới bước sang phút thứ 5.

Chưa dừng lại, chỉ 18 ngày sau, ngay tại Bernabeu, tuyển Anh đè bẹp Tây Ban Nha 4-2 với 4 bàn đều của Linerker. Tất cả diễn ra trong vỏn vẹn 34 phút. Hết trận, hậu vệ lão luyện Antonio Camacho sợ đến "mặt cắt không ra máu", run rẩy: "Gã đó đúng là một tai họa".

Cuối mùa đó, dù không thể cùng Barca soán ngôi Real nhưng Lineker trở thành thần tượng mới của người dân Catalan và là người tình trong mộng của bao cô gái bên bán đảo Iberia.

2. Mùa Hè qua, Man United kích hoạt bom tấn chuyển nhượng mang tên Paul Pogba. Nhiều người dè bỉu Quỷ đỏ điên rồ. Nhưng trong mắt nhiều nhà phân tích, chỉ vài năm nữa Pogba sẽ có tiềm năng trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Chỉ mới 4 năm trước, Pogba rời bỏ Nhà hát của những giấc mơ vì bất mãn với cách dùng người của Sir Alex Ferguson. Tại đội trẻ Man United lúc đó, tài năng của Pogba đã được đánh giá rất cao.

Nhưng chưa phải là cao nhất. Vì trên anh vẫn còn Ravel Morrison, người được xem như viên ngọc quý nhất mà Man United sở hữu từ sau Wayne Rooney. Rio Ferdinand gọi đàn em là "cầu thủ trẻ xuất chúng nhất từng biết", còn Sir Alex chỉ nói ngắn gọn: Thiên tài.

Tiếc thay, bên cạnh tài năng chơi bóng thiên bẩm, Morrison còn học thêm được khả năng quậy phá có một không hai. Hút thuốc, say xỉn, đua xe, đánh người, gây gổ trên sân và tẩn cả bạn gái, Morrison khiến "trai hư" Mario Balotelli cũng xin chào thua.

Vỗ ngực xưng tên với Premier League, người Anh vẫn phải nép mình dưới El Clasico - Ảnh 2.

Thói hư tật xấu đã "giết chết" tài năng trẻ của Man United - Ravel Morrison.

Bị Man United cắt hợp đồng, Morrison "lặn ngụp" qua hàng loạt đội bóng trước khi dạt sang Italia để cứu vãn sự nghiệp. Tại đất nước mới nhưng Morrison vẫn chẳng thay đổi bản tính và dĩ nhiên, không có lấy mảy may cơ hội được tin tưởng.

Ngày tái ngộ trên sân đấu, giữa Pogba và Morrison là cả một trời khoảng cách. Bằng tuổi nhau, có chung xuất phát điểm, nhưng khi một người đã là trụ cột của Juventus với 100 trận chính thức, thì người kia còn chẳng được đá chính dù chỉ một phút.

Trong ngày Pogba tươi rói quay về Man United, Lazio cũng hạ giá bán Morrison xuống 750 nghìn bảng, chưa bằng 1% giá trị của Pogba, những mong "ông tướng" Morrison biến đi càng nhanh càng tốt.

3. Điểm chung giữa Lineker và Morrison: Là người Anh và từng ra nước ngoài thi đấu. Lineker không phải là cầu thủ đầu tiên và Morrison cũng không phải người cuối cùng trải nghiệm bóng đá bên ngoài xứ sương mù.

Thành công của Lineker tại Barcelona đã tạo ra cầu nối tuyệt vời để người Anh lấn sân lục địa già, nhưng từ đó đến nay, tuyệt nhiên không có lấy một cầu thủ người Anh tạo được dấu ấn nơi đất khách quê người

Steve McManaman có thể được xếp vào dạng ngoại lệ hiếm hoi, với 7 danh hiệu trong 4 năm chơi cho Real. Nhưng khi bên cạnh McManaman có Hierro, Carlos, Figo, Raul, Zidane… thì không được nâng cúp mới là chuyện lạ.

Vỗ ngực xưng tên với Premier League, người Anh vẫn phải nép mình dưới El Clasico - Ảnh 3.

Chiếc áo trắng Read Madrid mà Steve McManaman khoác trên người là quá rộng với tiền vệ người Anh.

Lạ hơn nữa, khi nhắc đến McManaman, chính người Anh cũng chẳng mấy thiết tha. Nếu có một bảng xếp hạng những tiền vệ kiệt xuất của bóng đá Anh, McManaman chắc chắn sau rất xa những Beckham, Scholes, Gerrard hay Lampard.

Nghịch lý là, trong khi Scholes cả đời chỉ chơi cho mỗi Man United và Gerrard, Lampard chỉ xuất ngoại khi "mắt đã mờ, chân đã chậm", thì việc Beckham đến Real, Milan và PSG chỉ đơn giản là vì, danh tiếng về mặt thương mại của anh còn lớn hơn nhiều tài năng trên sân cỏ.

Khai sinh ra bóng đá và có ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, người Anh thường tự nhủ: "Sinh ra đã mang quốc tịch Anh giống như trúng số độc đắc vậy". Họ tự cho mình cái quyền không cần phải biết thêm thứ tiếng nào nữa, và cũng chẳng cần quan tâm thế giới bên ngoài ra sao.

Sau khi Premier League ra đời, người Anh vỗ ngực tự xưng sở hữu giải đấu hấp dẫn nhất thế giới. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của tiền bản quyền truyền hình và quảng cáo kéo theo giá trị cầu thủ và tiền lương bị thổi phồng như một quả bong bóng, dẫn đến hệ lụy là các cầu thủ Anh ảo tưởng về bản thân mình.

Thế mới có chuyện, cầu thủ từng đoạt Quả bóng vàng, thần đồng bóng đá Anh một thời, Michael Owen chỉ sau một năm ở Real đã phải khăn gói về lại Anh.

Vỗ ngực xưng tên với Premier League, người Anh vẫn phải nép mình dưới El Clasico - Ảnh 4.

Đến Michael Owen cũng chỉ trụ lại được Bernabeu có 1 năm.

Hay như Tom Ince, con trai cựu danh thủ Paul Ince, sau khi gây ấn tượng tại Blackpool và được Man United để mắt đến, đã thẳng thừng khước từ Inter Milan để… gia nhập Hull City, rồi chưa đầy một tháng sau bị đầy tới đội hạng Nhất, Nottingham Forest theo dạng cho mượn.

Ngỡ rằng mình đứng trên đỉnh và nhìn xuống dưới chỉ với nửa con mắt, kỳ thực bóng đá Anh đâu có khác ếch ngồi đáy giếng, trông trời mà chê trời hẹp. Người Anh buộc phải lựa chọn, dám đối diện với sự thật để thay đổi hay giữ khư khư tư tưởng bảo thủ và tự đi thụt lùi.

Còn trước mắt, hãy xem Siêu kinh điển của Barcelona, Real Madrid, với Messi, Ronaldo, Bale, Neymar để biết rằng đó mới thật sự là đỉnh cao, chứ không phải một đội dẫn đầu nhưng còn chẳng được tham dự cúp châu Âu, hay 26 năm chưa vô địch mà vẫn được gọi là đội bóng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại