“Nên mua vàng hay đầu tư chứng khoán?” là bài toán đau đầu với nhiều người trẻ. Giữa thời điểm giá nhà đất bị đẩy lên cao, lãi suất tiết kiệm thấp, chứng khoán và vàng lại càng được ưa chuộng bởi sự linh hoạt và không cần quá nhiều vốn.
Nếu như trước kia, giới trẻ thường được mặc định chỉ thích chứng khoán vì sinh lời nhanh, thì thực tế lại càng có nhiều bạn quan tâm đến vàng - kênh đầu tư được ví chậm chạp. Tại sao lại như vậy?
Đã từng chê vàng, chỉ thích chơi chứng khoán
Nhiều người trẻ từng ưa chuộng chứng khoán hơn vàng. Bởi hình thức đầu tư này được coi là sinh lời nhanh chóng, lãi theo ngày chứ không phải đợi tăng trưởng trong dài hạn như vàng. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến đợt lao dốc của thị trường chứng khoán, họ lại bắt đầu tích trữ thêm vàng để bổ sung sự an toàn và ổn định vào danh mục đầu tư.
Bảo Trâm (28 tuổi, TP.HCM) cho biết: Từ khi mới đi làm, cô được mẹ khuyên mua vàng tích lũy nhưng cô không… quan tâm. Lý do là bởi Trâm nghĩ vàng là kênh đầu tư chậm chạp.
Đến năm 2021, sau khi đầu tư vào đúng lúc thị trường chứng khoán bùng nổ, Bảo Trâm nhanh chóng có một khoản lời từ đây. Cũng vì thế, cô lại càng không muốn tích lũy vàng. Tuy nhiên, sang đến năm 2022, thị trường chứng khoán biến động mạnh và khắc nghiệt hơn. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn với cả Bảo Trâm và nhiều “chứng sĩ” khác. Bởi nếu không đủ kiến thức lựa chọn mã cổ phiếu, họ có thể chạm đáy và không biết bao giờ mới hoàn vốn được. Lúc này, Bảo Trâm lại chuyển về mua vàng - một kênh tích lũy an toàn và lâu dài.
Ảnh minh hoạ
“Ban đầu mình không mua vàng, vì mình không nghĩ là vàng có thể mang lại lợi nhuận cao mà dành tập trung vô chứng khoán. Nhưng sau dịch Covid năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc và mình đã chuyển sang đầu tư vàng theo lời của mẹ. Cho đến giờ mình mới thấy, quan điểm của ông bà ta luôn đúng", Bảo Trâm nói.
Một trường hợp khác, Phan Thành (24 tuổi, Hà Nội) cũng nhận về nhiều bài học “vỡ lòng” sau khi bắt đầu chơi chứng khoán vào đầu năm 2021.
Ban đầu tham gia thị trường từ những lời rủ rê của bạn bè thì Phan Thành càng đầu tư càng hăng say. Thêm nữa, trong giai đoạn đầu chơi chứng khoán, đỉnh điểm anh chàng thu được khoản lời 20% chỉ sau 3 tháng. Thời điểm đó, Phan Thành cũng “chịu chi”, khi dành đến hơn 30% số tiền tiết kiệm vào sàn.
“Thời điểm đó, mình thích chơi chứng khoán vì vốn ít, nhanh chóng có lời. Đỉnh điểm mình từng dành đến 70% tiền lương để all-in hết vào chứng khoán. Đáng nhớ nhất là mình vừa mua cổ phiếu, thì hai ngày sau giảm 30%. Mình hoang mang lắm, đang không biết có nên cắt lỗ không thì thời gian sau, tài khoản tăng lên hàng triệu đồng. Chơi chứng khoán vừa đem lại cho mình cảm giác ‘ăn tiền’ nhanh mà còn có chút gì đó may rủi, rất kịch tính. Vậy là mình càng chơi càng nghiện”, Phan Thành kể thêm.
Tuy nhiên, đời không như mơ. Phan Thành cứ ngỡ thị trường sẽ cứ đi lên cho đến một ngày, VN-Index bốc hơi sâu 46 điểm, rồi giảm tiếp gần 70 điểm. Từ đó, anh cứ thua dần, cũng muốn chốt lỗ nhưng không tìm được thời gian phù hợp để bán. Có thời điểm, Thành thua lỗ lên đến hơn 40% và cao nhất là gồng lỗ 30 triệu đồng, tức 2 tháng lương.
“Bài học đó như cái tát để mình tỉnh táo hơn, không còn bị ‘nghiện’ kiếm lời nhanh và choáng ngợp trước các lời dụ dỗ mua mã trong các hội nhóm”, Phan Thành nói.
Sau trải nghiệm thua lỗ, Phan Thành rút ra bài học là không nên đem hết tiền vào chứng khoán. Bên cạnh cổ phiếu, anh còn đầu tư vào tài sản khác an toàn hơn là vàng.
“ Chứng khoán 2 năm nay đi xuống nên mình không dám bỏ nhiều tiền vào đây. Do đó, mình chuyển qua vàng - một loại tài sản có tính ổn định hơn. Trộm vía là gần đây vàng liên tục tăng giá, mình có thể chốt lời nhanh chóng, chứ không bỏ tiền ở nguyên một chỗ”, anh chàng cho biết thêm.
Ảnh minh hoạ
Nguyên tắc đầu tư vàng không bao giờ lỗ
Hiện Phan Thành chỉ dùng tiền nhàn rỗi để mua vàng, tức 20% thu nhập hàng tháng. Thời gian gần đây, anh chọn mua vàng nhẫn, vì giá vàng miếng còn đắt đỏ và có khoảng cách chênh lệch giữa 2 đầu mua vào - bán ra lớn.
Phan Thành nhận định: “Quan điểm của mình, vàng chỉ là một loại tài sản trong danh mục đầu tư. Do đó, mình sẽ không ‘mua đỉnh - bán đáy’, tức là mua vàng ở giai đoạn giá cao và chấp nhận cắt lỗ ở giá thấp. Đơn cử như mình sẽ không mua vàng vào giai đoạn này vì giá bán còn đang rất cao. Đồng thời, mình đặt mục tiêu vàng chỉ cần lời 20-30% giá trị là sẽ bán luôn, chứ không đợi đu đỉnh vì tương đối rủi ro”.
Tương tự, Bảo Trâm chọn mua vàng để tích lũy dài hạn, chỉ bán khi được giá, chứ không bao giờ chịu “cắt lỗ”. Cô cũng không coi vàng là kênh lướt sóng, vì không biết bao giờ "sóng kẹt", tức sinh ra thua lỗ rồi có thể ân hận với khoản tiền bỏ ra. Cũng chính nhờ nguyên tắc chỉ bán vàng khi được giá cao, do đó Bảo Trâm và Phan Thành chưa từng lỗ khi đầu tư tài sản này.
Ảnh minh hoạ
Bảo Trâm lý giải thêm: "Vì khoảng cách giữa giá mua và giá bán của vàng hiện nay thường chênh nhau đến 1 triệu đồng/chỉ. Do đó, nếu muốn có lời, thì mình phải đợi khi giá mua vào của tiệm vàng tăng cao hơn so với giá bán tại thời điểm mua vào. Mà đây là chuyện khó diễn ra trong ngắn hạn.
Đặc biệt trong thời điểm kinh tế như hiện nay, giá vàng liên tục biến động, nên mình sẽ không biết lúc nào sóng kẹt. Việc lướt sóng vàng sẽ đem lại cho mình cảm giác lo sợ, hồi hộp mỗi ngày không biết vàng lên hay xuống. Cá nhân mình luôn tôn trọng những thứ thu nhập đều đặn và bền vững. Vì chỉ khi đầu tư bền vững thì tài sản đó mới ở với mình lâu dài".
Ngoài ra, Bảo Trâm cũng đa dạng danh mục đầu tư bên cạnh mua vàng, cô còn có sổ tiết kiệm ngân hàng và mã chứng khoán giữ từ năm 2021. Thỉnh thoảng, cô còn mua tiền đô tích trữ và bảo hiểm nhân thọ.
"Mình nghĩ, nếu các bạn trẻ muốn có một khoản tiết kiệm lâu dài và an toàn thì hãy chọn vàng. Vàng không phải là nơi cho bạn nhân đôi tài sản hay làm giàu qua một đêm nhưng đây là kênh đầu tư an toàn cho bạn thói quen tích lũy tài sản và quản lý tài chính. Còn nếu có kiến thức lựa chọn mã cổ phiếu thì có thể chọn chứng khoán để sinh lời hoặc đầu tư kinh doanh riêng nếu bạn tự tin và chấp nhận rủi ro mà nó mang lại.
Mình mong các bạn trẻ có thể tập cho mình thói quen tiết kiệm đầu tư mỗi tháng, tích sản dài hạn, vì cuộc sống sẽ có lúc thịnh lúc suy, không ai mà không gặp phải khó khăn. Chỉ cần bạn có một khoản tài sản tích lũy, thêm khả năng quản lý tài chính tốt thì mình tin bạn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn cách dễ dàng", Bảo Trâm nhận định.