Vô địch AFF Cup rồi - giờ ta phải làm gì?

Hà Quang Minh |

Một ngày tháng Bảy năm 2013, trên sân Thống Nhất, buổi sáng, giờ chẳng mấy ai tổ chức một trận bóng đá chuyên nghiệp cả, đã có một trận cầu mà hôm nay tôi gọi là trận cầu khởi đầu. Phút 21, từ khoảng 20m, một cú sút bất ngờ của một thằng bé con trong màu áo trắng của U17 Hà Nội đã lộng tung nóc lưới của Đồng Tháp. Khán đài vắng người nhưng vẫn đủ để tiếng “ồ” thán phục, tạo ra một âm thanh rất đáng kể. Thằng bé ấy mặc áo số 7, số áo thời thượng của những cái tên vĩ đại trên cầu trường thế giới. Nó là Quang Hải, người hôm nay đang được coi là của báu của bóng đá Việt Nam.

Bệ phóng từ các giải trẻ

Cũng trong trận đấu kia, thằng bé khác mặc áo số 10 đã ghi bàn ấn định tỷ số 2-1 trên chấm 11m. Thằng bé mặc áo số 10 ấy mang băng đội trưởng. Nó thì tôi không lạ. Nó đã từng là thằng bé nhặt bóng ở sân Hàng Đẫy. Đến hôm nay, vài đồng nghiệp vẫn chia sẻ cái ảnh chụp lại chiếc thẻ nhặt bóng của nó.

"The ball boy" (cậu bé nhặt bóng) năm nào bây giờ đã chơi ở một vị trí khác. Xưa nó là tiền vệ trung tâm. Nay nó mặc áo số 28, chơi trung vệ, và là một trung vệ trụ cột của đội tuyển quốc gia. Nó là Đỗ Duy Mạnh.

"The ball boy" (cậu bé nhặt bóng) năm nào bây giờ đã là trụ cột của đội tuyển quốc gia.

Trong đội hình U17 của Hà Nội 5 năm trước còn có cả Đình Trọng, người sát cánh với Duy Mạnh ở hàng thủ bây giờ. Và sau trận chung kết của giải đấu ấy, giải đấu mà U17 Hà Nội chỉ vào đến bán kết (đứng nhì bảng A sau U17 PVF của Hà Đức Chinh), tôi được ngồi với một người anh thân từ lâu, ăn bữa tối giản dị ở một tiệm nhỏ lề đường Sài Gòn: huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng.

Đức Thắng không nói anh vào xem giải với mục đích gì. Nhưng chúng tôi đã nói rất nhiều về Quang Hải. Một lúc sau, anh Bình "đen", huấn luyện viên của U17 Hà Nội cũng tới. Và tôi lặng yên nghe những người trong nghề đánh giá về "thằng bé", với những lời khen đầy thán phục.

Vô địch AFF Cup rồi - giờ ta phải làm gì? - Ảnh 1.

Thẻ dự giải Nhi đồng toàn quốc của Quang Hải và thẻ nhặt bóng tại AFC Cup 2009 của Duy Mạnh (Ảnh tư liệu)

Hai tháng sau đó, ở Hải Phòng, giải U21 quốc gia diễn ra. Nguyễn Đức Thắng là người cầm quân U21 Hà Nội (lúc đó còn gọi là Hà Nội T&T). Đội bóng của Đức Thắng lên ngôi vô địch sau khi hạ Vĩnh Long 2-0 ở chung kết.

Vua phá lưới cùng giải cầu thủ xuất sắc nhất của giải đều thuộc về Trần Đình Trường của Vĩnh Long. Nhưng rất nhiều người lại nhắc đến một cái tên khác. Nó mới 16 tuổi. Nó vẫn là Quang Hải. Hoá ra, Đức Thắng đi "soi" Quang Hải ở TPHCM để chuẩn bị lực lượng cho đội U21.

Nhắc lại câu chuyện về các giải trẻ năm 2013 kia bởi tôi nhớ lại năm 1997. Đó là mùa giải đầu tiên một giải trẻ được tổ chức rầm rộ và thu hút khán giả đến thế. Giải U22 do báo Thanh Niên khởi xướng (mà sau này trở thành U21).

Năm ấy, Thể Công vô địch U22, á quân U19 (thua Thanh Hoá của Như Thuần). Năm 1998, họ vô địch U21 và cả U19 luôn. Từ 1997 đến 2006, Thể Công và SLNA, Long An, Khánh Hoà, TPHCM luôn là những đội rất mạnh ở các giải trẻ. Và sự góp mặt của họ đã nói lên điều gì?

Để đón một mùa quả ngọt, chúng ta phải đợi bao lâu? Ngắn nhất thì cũng phải 5 năm như trường hợp của Công Vinh, Thành Lương. Dài nhất thì phải 10 năm như trường hợp của Thạch Bảo Khanh, Việt Thắng, Như Thành.

Vâng, các cầu thủ trẻ bừng nở ở quãng thời gian đó cũng chính là các cầu thủ sau này góp mặt trong vai trò trụ cột của đội tuyển quốc gia lần đầu tiên đăng quang ở AFF Cup 2008. Để đón một mùa quả ngọt như thế, chúng ta phải đợi bao lâu?

Ngắn nhất thì cũng phải 5 năm như trường hợp của Công Vinh, Thành Lương. Dài nhất thì phải 10 năm như trường hợp của Thạch Bảo Khanh, Việt Thắng, Như Thành.

Đó là một khoảng thời gian đằng đẵng. Tôi còn nhớ Thạch Bảo Khanh của 1997, loé sáng ở U22 rồi sau đó lên đội 1, tỏa sáng và cùng các anh lớn vô địch quốc gia năm 1998. Nhưng để lên ngôi ở Đông Nam Á thôi: Mất 10 năm (Khanh là thành viên lên ngôi ở AFF Cup 2008 khi đã là lão tướng).

Bọn trẻ cần người lớn trao cơ hội

Bây giờ, quay trở lại với Quang Hải, cầu thủ xuất sắc nhất thế hệ hiện tại của bóng đá Việt Nam, để chúng ta tự hỏi nhau một câu này. "Có phải là con đường sự nghiệp của Quang Hải lúc nào cũng được chiếu soi bởi những ngôi sao may mắn, nên Hải đi một mạch từ U17 năm 2013 cho tới ngôi vị ngôi sao của 2018 này?"

Có lẽ, có một phần ngôi sao chiếu mệnh của Quang Hải rất tốt, nhưng phần khác, chúng ta phải nhìn vào các dấu mốc trên hành trình mà Hải đã đi qua. Nhìn để hiểu, vì sao lứa đội tuyển quốc gia này lại thành công khi ở tuổi đời còn trẻ trung thế.

Vô địch AFF Cup rồi - giờ ta phải làm gì? - Ảnh 2.

Quang Hải đã chơi 54 trận trong chưa đầy 12 tháng (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)


Chỉ một mình Quang Hải, từ đầu năm 2018 tới nay, anh đã đá 30 trận ở V - League, Cúp Quốc gia, 16 trận cho U23 Việt Nam và 9 trận cho đội tuyển Việt Nam. 54 trận trong chưa đầy 12 tháng, đó là một con số có thể gần sánh ngang với một cầu thủ chuyên nghiệp ở châu Âu. Một cầu thủ trẻ hơn Quang Hải, là Văn Hậu (19 tuổi), cũng có tổng cộng tới 37 trận cho cả câu lạc bộ lẫn U23 và đội tuyển quốc gia trong năm nay.

Thống kê này của các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Đức… cũng rất cao. Và nếu xem lại cả mùa 2017, chúng ta cũng thấy họ được ra sân rất nhiều, rất đều. Điều đó ắt hẳn dẫn chúng ta đến một suy nghĩ chung: Ngọc bất trác bất thành khí.

Sẽ không thể có Nguyễn Quang Hải của ngày hôm nay nếu như ông Phan Thanh Hùng không mạnh dạn đưa Hải lên tập cùng các anh ở đội 1 của Hà Nội T&T năm Hải mới 16 tuổi, hay Nguyễn Đức Thắng tin tưởng giao phó vai trò nhạc trưởng cho Hải trong tập hợp các anh lớn hơn mình ít nhất là 3 tuổi ở U21 năm nào.

Sẽ không thể có Nguyễn Quang Hải của ngày hôm nay nếu như ông Phan Thanh Hùng không mạnh dạn đưa Hải lên tập cùng các anh ở đội 1 của Hà Nội T&T năm Hải mới 16 tuổi

Cũng không thể có những Văn Đức, Văn Toàn, Công Phượng, Đức Chinh… nếu họ không được chinh chiến sớm ở đấu trường khắc nghiệt nhất của bóng đá Việt Nam là V-League. Và nhắc tới đây, chúng ta nghĩ sao nếu Văn Lâm không được trao cơ hội ở Hải Phòng sau tâm thư gây bão năm nào, và sau cả những va chạm vô cùng đáng tiếc.

Tất cả đều là cơ hội. Ai trong chúng ta cũng cần cơ hội. Và khi còn trẻ, càng cần được trao cơ hội. Mấy ai có thể đợi đến 33 tuổi mới có thể tỏa sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia và vô địch AFF Cup như Anh Đức. Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh Đức nghĩ "đủ rồi" và không lên đội tuyển nữa khi huấn luyện viên tạm quyền Mai Đức Chung gọi anh?

Vô địch AFF Cup rồi - giờ ta phải làm gì? - Ảnh 3.

Anh Đức đã tận dụng cơ hội không sai một li (Ảnh: TTXVN)

"Tay nào nghĩ ra cái trò bóng đá này sao mà cay nghiệt thế?" - câu nói của Thành Lương sau trận chúng ta thua Indonesia ở lượt về bán kết 2 năm trước quả thật không sai chút nào. Đời bóng đá không chỉ là cạnh tranh mà còn là bao nhiêu thăng trầm hậu trường sau nó. Nếu chúng ta thiếu Anh Đức, ừ thì chúng ta có Tiến Linh, Hà Đức Chinh.

Song, hãy nhớ rằng Anh Đức đã có một AFF Cup cực tốt khi tận dụng cơ hội không sai một li. Biết tận dụng cơ hội tốt, ngoài kỹ năng, phải có lòng nâng niu cơ hội mình có được. Và phải là kẻ từng đắng cay rất nhiều với màu áo đội tuyển quốc gia như Anh Đức thì mới hiểu cơ hội qúy giá nhường nào.

Những người bề ngoài máu mê bóng đá thì nhiều, nhưng đầu tư thực sự dốc lòng cho bóng đá như kiểu ông Đoàn Nguyên Đức, ông Đỗ Quang Hiển, lò Viettel, lò PVF lại không nhiều.

Nếu nhìn lại, chúng ta đủ đầy các giải trẻ nhưng thực tế, số câu lạc bộ có lò đào tạo thực sự lại rất ít. Những người bề ngoài máu mê bóng đá thì nhiều, nhưng đầu tư thực sự dốc lòng cho bóng đá như kiểu ông Đoàn Nguyên Đức, ông Đỗ Quang Hiển, lò Viettel, lò PVF lại không nhiều. Có ông bầu thực sự chỉ níu vào bóng đá để vì mục đích khác.

Xong chuyện, hoặc không thỏa mãn nguyện vọng khác kia, họ buông bỏ câu lạc bộ không chút tiếc tay. Họ quên rằng, câu lạc bộ không chỉ là cái tên. Nó còn là số phận và ước mơ của biết bao con người, những con người có thể hôm nay vô danh, nhưng dăm năm sau lại là tài sản lớn, là thương hiệu lớn tầm cỡ như Quang Hải, như Văn Thanh, như Văn Hậu, như Duy Mạnh, Tiến Linh…

Buộc mỗi câu lạc bộ phải có trong danh sách đăng ký tối thiểu 4 cầu thủ do chính mình đào tạo nên (thời gian đào tạo ít nhất là 3 năm khi cầu thủ dưới 20 tuổi) sẽ là một biện pháp để chất lượng hoá các đội bóng của Việt Nam.

Nhưng đẻ ra các lò đào tạo rồi, thay đổi cơ cấu các giải đấu trẻ cũng là điều cần phải làm. Phải tạo ra các giải đấu có độ cạnh tranh kéo dài, giúp các cầu thủ được trưởng thành từ thi đấu thì lúc đó may ra chúng ta mới có ngọc để mà mài.

Vô địch AFF Cup rồi - giờ ta phải làm gì? - Ảnh 4.

Chỉ một huấn luyện viên giỏi như ông Park Hang-seo là chưa đủ để giúp bóng đá Việt Nam cất cánh (Ảnh: TTXVN)

Nhìn lại hệ thống giải trẻ từ trước đến nay, chúng ta thấy rất rõ chúng đều chỉ được tổ chức theo kiểu tập trung dưới dạng 1 vòng chung kết, diễn ra chừng 1 tháng.

Cộng với khoảng hơn 1 tháng đá sơ loại, coi như các cầu thủ trẻ chỉ có chừng 3 tháng thi đấu cọ sát đúng nghĩa cạnh tranh. Phần còn lại, họ chỉ đá tập, những trận đấu vô thưởng vô phạt, những trận đấu không mục đích nhiều để phấn đấu. Như vậy, thế hệ kế cận với khát vọng khơi lên từ cảm hứng của lớp đàn anh như Quang Hải sẽ bấu víu vào cơ hội nào?

Hãy biết học cách thỏa mãn

Và đội tuyển quốc gia, sau chức vô địch AFF Cup này rồi, chúng ta cần nhìn về đâu? Trước khi chung kết diễn ra, đã có một cựu tuyển thủ đăng đàn nói rằng "thế hệ này phải trông chờ họ ở những đấu trường lớn hơn rồi. AFF đã trở nên nhỏ bé với họ". Tuyên ngôn đó không phải tự mãn thái quá, mà nó có phần đúng.

Chúng ta đợi chức vô địch AFF này đã 10 năm và 10 năm ấy chúng ta phấn đấu mọi giá để có nó. Đó là một phấn đấu để khẳng định uy thế của bóng đá Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.

Nhưng không lẽ chúng ta cứ mãi sống với "giấc mơ con đè nát mảnh đời con" như một lời bài hát chế cổ động là "ta lên đỉnh vinh quang… bóng đá khu vực?". Chúng ta luôn coi người Thái là đối thủ cạnh tranh, vậy thì có lẽ nên nhìn xem cách họ làm thế nào lúc này.

Đặng Văn Lâm rơi lệ sau chiến thắng lịch sử

Thái không cử đội hình mạnh nhất đến AFF Cup. Họ tập trung cho Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022.

Vậy thì sau chức vô địch 2018 mới rồi, có lẽ chúng ta cũng nên tập thỏa mãn. Đó là sự thỏa mãn để không ham muốn quá mức một "đỉnh cao khu vực Đông Nam Á" nữa. Thay vào đó, hãy để Đông Nam Á là cơ hội cho những người trẻ, cho lực lượng kề cận. Còn đội tuyển quốc gia, đã đến lúc phải đặt mục tiêu khác, ở tầm vóc cao hơn, thách thức hơn, gian nan hơn.

Chúng ta có một thế hệ đẹp. Chúng ta may mắn có một huấn luyện viên tài năng (như ông Park Hang-seo). Bây giờ là lúc chúng ta cần một toan tính đúng, cao ngạo hơn một chút nhưng lại lâu dài hơn một chút.

Tiếp cận với các giải đấu tầm vóc hơn bằng khát vọng lớn hơn, chúng ta sẽ nuôi dưỡng cơ hội để những cầu thủ Việt có thể bước ra thi đấu với đời, điều thực sự chúng ta vẫn còn thua vài nền bóng đá ở Đông Nam Á.

Bóng đá là kết quả nhưng suy cho cùng không phải là thành tích mới là mục đích cuối cùng.

Mục tiêu phấn đấu chỉ là phương tiện để minh chứng cho quá trình làm đúng mà thôi. Tiếp cận với các giải đấu tầm vóc hơn bằng khát vọng lớn hơn, chúng ta sẽ nuôi dưỡng cơ hội để những cầu thủ Việt có thể bước ra thi đấu với đời, điều thực sự chúng ta vẫn còn thua vài nền bóng đá ở Đông Nam Á.

Quang Hải là điểm mở của câu chuyện này và anh cũng sẽ là điểm đóng lại cho nó. Nhiều người nhận định, Hải có thể chơi bóng ở nước ngoài, ở một giải vô địch quốc gia tầm vóc hơn V-League rất nhiều.

Vâng, muốn vậy, ngoài nỗ lực và kỹ năng của Hải, Hải cũng cần cơ hội được chứng minh mình ở những giải đấu tầm vóc hơn mà trước mắt, Asian Cup vào tháng 1/2019 tới đây sẽ là vũ môn đầu tiên, một vũ môn mở đường.

Vô địch AFF Cup rồi - giờ ta phải làm gì? - Ảnh 6.

Chức vô địch AFF Cup 2018 là kết tinh của nhiều yếu tố (Nguồn: TTXVN)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại