3 ngày sau sự cố vỡ đập thuỷ điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại huyện Sanamxay, Attapue, nước đã bắt đầu rút. Một số bản nước rút cạn, người dân đã bắt đầu trở về dọn dẹp nhà cửa, thu nhặt đồ đạc. Tuy nhiên nhiều khu vực nước vẫn còn ngập sâu, chính quyền địa phương đang tích cực tổ chức cứu trợ giúp người dân khắc phục khó khăn.
Gom những gì còn lại sau lũ
Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ để vượt qua con đường gồ ghề và nhầy nhụa bùn đất sau những trận mưa lớn, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Sa-nảm-xay. Từ đây, đi thêm 5km đường bùn lầy trơn trượt nữa, xe phải dừng lại ở cụm bản Khôốc– kong.
Thấy chúng tôi thắc mắc về những chiếc thuyền bỏ lại la liệt hai bên đường, một người dân cho biết, mới hôm qua thôi, con đường này còn ngập sâu cả mét nước, phải dùng thuyền mới đi lại được. Hôm nay nước rút, ô tô chuyển hàng cứu trợ có thể vào các điểm tập kết, rồi từ đó, hàng sẽ được chuyển bằng thuyền đến những vùng còn bị cô lập.
Một ngôi nhà sàn ven đường, đường vào còn ngập nước đến đầu gối. Trước hiên, cô vợ trẻ đang cho con bú, đứa bé 4 tháng tuổi chỉ được quấn một tấm choàng đơn sơ. Còn anh chồng tên Toui Khamdi thì liên tay múc nước dội bùn, lau dọn sàn nhà.
Lũ lên nhanh, chỉ kịp đưa vợ con chạy nạn, toàn bộ tài sản đã bị nước cuốn trôi, may mắn là căn nhà vẫn còn đứng vững. "Chính quyền chưa cho về, nhưng tôi về xem nhà cửa thế nào, tôi lo lắng nên về dọn dẹp nhà xem sao. Tôi về dọn vệ sinh trước, khi nước rút hết sẽ đưa vợ con về" - anh T cho biết.
Tuy nước rút nhưng trời vẫn còn mưa nên anh Ùm-mạ-ni chỉ dám trở về nhà một mình để dọn dẹp nhà cửa và thu gom quần áo mang cho vợ con đang ở một khu sơ tán tại trung tâm huyện. Còn trẻ nhưng người đàn ông một vợ hai con này đã xây được nhà to nhờ biết cách làm ăn, có của ăn của để.
Thế mà chỉ qua một trận lũ, coi như trắng tay. Đôi mắt anh bần thần nhìn giường tủ ngã đổ ngổn ngang, bùn đất ngập ngụa cả mấy tấc trong nhà, cái tivi bị vỡ toang, chăn màn, quần áo bị ngâm nước đều bị hỏng hết.
Anh Ùm-mạ-ni vẫn chưa hết bàng hoàng: "Nghe ông bà kể lại, từ năm 1968 đến 1996 ở đây cũng từng có lũ lụt lớn, nhưng nước không tràn về xối xả và nhanh như thế này.
Nước ngập từ từ nên mọi người còn dọn dẹp nhà cửa, mang được đồ đạc lên ghe thuyền chuyển đi được, không mất mát thiệt hại gì. Trâu bò thì dắt lên đồi. Còn như lần này thì không mang được cái gì hết, trâu bò, lợn gà đều chết hết."
Tranh thủ nước rút, chính quyền huyện Sanamxay tích cực tiếp nhận hàng hóa do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quyên góp và tổ chức các đoàn phân phát về các bản làng. Người dân sơ tán tại các trường học, công sở đều được cung cấp thức ăn, nước uống và có đội ngũ y bác sĩ thường trực theo dõi, khám bệnh, cấp thuốc đề phòng dịch bệnh.
Ngoài lực lượng y tế tại chỗ, các địa phương lân cận cũng cử nhân viên y tế đến giúp đỡ. Trong đó, sự có mặt của đội ngũ 14 y bác sĩ Bệnh viện Đại học y Hoàng Anh Gia Lai cùng nhiều cơ số thuốc đã giúp cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân ở đây tốt hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Bệnh viện Y học Hoàng Anh Gia Lai cho biết: "Hai ngày qua chúng tôi đã khám bệnh và cấp thuốc cho hơn 1000 người. Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con cách ăn ở hợp vệ sinh. Sau lũ lụt là dịch bệnh, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ, chia sẻ với bà con, hỗ trợ thêm thuốc, hóa chất để xử lý môi trường."
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hoàng Anh Gia Lai khám bệnh cho người dân vùng lũ.
Nước đã rút nhưng trời vẫn tiếp tục mưa. Việc khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện ở huyện Sạ nảm xay sẽ còn nhiều khó khăn.
Trong ngày hôm nay, máy bay trực thăng vẫn liên tục bay ra vào vùng lũ, ô tô chở hàng cứu trợ của các doanh nghiệp đổ về nơi đây ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy chính phủ Lào và chính quyền tỉnh Attapư, huyện Sanamxay đang nỗ lực hết sức mình cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân vùng lũ đơn độc trong cơn hoạn nạn./.
Một số hình ảnh cứu trợ tại tại huyện Sanamxay, Attapue:
Chuẩn bị suất ăn cho người sơ tán
Chút tài sản còn sót lại của người đàn ông này sau lũ là một túi quần áo.
Đường về vùng lũ còn lắm khó khăn