Vợ chồng Việt rời Singapore sang Đức ở giữa khu vườn 300m2, có thứ đặc biệt tâm đắc hơn

Minh Nguyệt |

Khi hai con đến tuổi đi học, họ quyết định đến ngoại ô nước Đức, tận hưởng cuộc sống yên bình đồng thời để các bé hưởng nền giáo dục nhiều ưu điểm.

Khu vườn 300m2 ngập sắc hoa của vợ chồng Việt ở Đức

Đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, học cùng một ngôi trường đại học nhưng đến khi đi du học ở trời Tây, chị Thùy Dung và chồng mới quen biết và nên duyên. Cả hai cùng tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại một ngôi trường đại học hàng đầu nước Đức. Họ kết hôn được 12 năm và đã có hai nhóc tỳ.

Cách đây 5 năm, gia đình chị rời Singapore chuyển về vùng ngoại ô miền Nam nước Đức. Họ mua một căn nhà có sẵn mảnh vườn 300m2. Sau những giờ làm việc của hai người lớn và kết thúc giờ học tập của hai đứa trẻ, cả nhà cùng nhau chăm sóc không gian xanh này.

Vợ chồng Việt rời Singapore sang Đức ở giữa khu vườn 300m2, có thứ đặc biệt tâm đắc hơn - Ảnh 1.

Chị Dung giữa khu vườn rực rỡ do mình gây dựng.

Khu vườn rộng 300m2 được chị Dung gieo trồng đa dạng các loại hoa đủ bốn mùa để "khu vườn không bao giờ buồn". Vì yêu thích hoa hồng, chị trồng nhiều loại như hồng leo Aloha, hồng vàng Sunsprite, hồng Botticelli, hồng của David Austin…  trong vườn nhà.

Sống trong căn nhà và khu vườn xinh xắn còn giúp gia đình chị Dung gắn kết tình thân.

"Mình làm ít hơn ông xã một chút để có thêm thời gian cho con. Sau khi đón các con về vào buổi chiều, ba mẹ con ra ngắm vườn, xem cây lớn được nhiều không, có nở thêm bông hoa nào không, lá có bị sâu bệnh hay có con sên trần nào không để bắt.

Đợi bố về là ba bố con tưới vườn, còn mình nấu cơm. Khu vườn giúp các bé biết thêm tên nhiều loại cây, loại hoa và biết kiên nhẫn chờ đợi từ lúc cây chỉ là rễ, rồi lên mầm, trổ nụ rồi mới nở hoa", chị Dung hào hứng kể.

Trở về Đức để con được gần gũi với thiên nhiên 

Không chỉ lựa chọn căn nhà, khu vườn, môi trường sống bình dị, cận kề với thiên nhiên, vợ chồng chị Dung quyết định trở về Đức bởi môi trường giáo dục tại đất nước này phù hợp với những suy nghĩ mà anh chị muốn hướng con tới.

Khi các con đến tuổi đi học, vợ chồng chị Dung trở lại Đức. 

Chị Dung khoe: "Ở nhà trẻ tại Đức, các bé được lê la mọi nơi mọi chỗ, tự chọn những thứ mình thích chơi, thích khám phá. Ngoài sân chơi đất cát của trường thì có những buổi các bạn được đi ra đường, học kỹ năng qua đường với đèn xanh đèn đỏ. 

Mỗi tháng 1 lần các con có 1 tuần đi vào rừng, sáng đi tối về. Và ngày nào cũng vậy, trời mưa to hay tuyết lạnh cũng vẫn đi, các bạn được học về các loại cây, côn trùng, loại nào độc cần tránh và cách khắc phục nếu bị đốt như thế nào,...

Các con cũng phải theo quy tắc, nghiêm túc ngồi trong lớp, nhưng được ngồi thành vòng tròn, tất cả bình đẳng được thảo luận và đối diện trực tiếp với cô. Cô giáo cũng như một người bạn đồng hành chứ không phải một người ra luật lệ để tất cả phải làm theo. 

Trong giờ học, các con được học làm đồ handmade từ những nguyên liệu tái chế, được gieo hạt trồng cây, được làm thí nghiệm, được vẽ, nghịch đất nặn, hay làm thiệp tặng bố mẹ, chữ và số thì gần như chỉ là làm quen trong năm cuối nhà trẻ.".

Chị Dung tiết lộ thêm, khi lên cấp tiểu học, các con sẽ học chữ, số, tính toán nhiều hơn nhưng các chương trình dã ngoại vẫn được giữ và nâng cao hơn. Hoạt động thể chất luôn được coi trọng, các con được học bơi, học các bộ môn giữ thăng bằng, hay những tuần lễ leo tường, chạy quanh sân vận động được tổ chức khá thường xuyên.

Khi các bé học chữ thì kỹ năng đọc rất được chú ý, theo tiêu chí đánh giá hướng tới việc biết chơi với câu chữ trong các bài tập đọc, nhịp điệu đọc, âm thanh vừa phải, ngắt câu đúng chỗ, không nuốt âm, biến hoá trong từng câu hội thoại và đặc biệt không nhìn chằm chằm vào sách mà phải tương tác với những người ngồi nghe. Thêm nữa, các bé tiểu học đã thường xuyên phải tự chuẩn bị slide bằng bìa cứng để thuyết trình trước lớp theo các chủ đề.

"Các con không có bài tập về nhà, nếu chưa làm hết bài trên lớp thì trong tuần sẽ có 1 giờ riêng để hoàn thành nốt. Trong lúc đó thì những bạn làm hết bài được chọn lên thư viện hoặc vào phòng coding.

Thêm một điểm nữa về giáo dục ở Đức mà mình rất thích là việc họp phụ huynh, luôn có một buổi chung cả lớp và một buổi riêng. Buổi họp phụ huynh chung cả lớp chỉ để phổ biến về những thông tin chung của trường và lớp.

Còn để nói về tình hình và sự phát triển của các con thì luôn là những buổi họp riêng của cô giáo và bố mẹ của từng bạn. Các bạn giỏi cũng chỉ bố mẹ bạn biết, cũng như khi các bạn có lỗi. Bố mẹ cũng không có thêm cơ hội nếu muốn so sánh con mình và các bạn khác, và khi con có lỗi thì cũng không sợ bị nhiều người biết mà chê cười.", chị Dung tiết lộ.

Không chỉ ở trường học, mỗi dịp cuối tuần, vợ chồng chị Dung cùng các con chăm vườn, đi chợ và trải nghiệm cuộc sống xung quanh. 

Không chỉ ở lớp học, tại gia đình, chị Dung cùng ông xã cũng theo dõi sự phát triển của con chứ không dạy con theo ý mình. Chị chỉ nói với con, con không cần giỏi tất cả mọi thứ, nhưng tìm ra thứ mình thích nhất để làm. Và con cũng không cần so sánh mình với bạn nào cả, cứ so sánh với chính mình lần trước thôi là đủ.

Không đặt áp lực lên con, tuy nhiên vợ chồng chị Dung mong con học giỏi tiếng Việt để các bé có thể nói chuyện với ông bà và gia đình ở quê.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại