Vợ chồng trẻ rời Hà Nội về với núi rừng Tây Bắc
Sau một năm "Bỏ phố về rừng", vợ chồng Phạm Thị Hậu và Phạm Xuân Dư vẫn tiếp tục cuộc hành trình dài, để có cuộc sống ổn định về kinh tế cũng như sức khỏe của gia đình 4 thành viên, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ.
Nhớ lại những ngày đầu năm 2022, sau khi dịch Covid dần lắng xuống. Dư và Hậu có quyết định táo bạo rời bỏ Hà Nội về với Vị Xuyên, Hà Giang để sinh sống và lập nghiệp.
Không phải màu hồng như vợ chồng mong muốn
Khi còn ở Hà Nội, vợ chồng Hậu có công việc khá ổn định; chồng làm nghề chụp ảnh, vợ làm nghề trang điểm. Cứ nghĩ hai vợ chồng sẽ phấn đấu và làm việc lo cho cuộc sống gia đình, lo cho các con để ổn định tại Hà Nội.
Nhưng biến cố ập đến, dịch Covid đã khiến công việc của Dư và Hậu ảnh hưởng nặng nề vì giãn cách xã hội. Tiếp đến cậu con trai út gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Họ gặp khó khăn về kinh tế, cần có môi trường trong lành để cho các con sinh hoạt và tốt cho sức khỏe.
Sau thời gian dài chật vật trong vòng xoáy dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Vợ chồng Hậu đã nghĩ rất nhiều đến phương án về quê. Họ bàn với nhau và lên kế hoạch chuyển về Hà Giang sinh sống, làm việc.
Phạm Thị Hậu, đã sống và lớn lên ở Hà Giang nên Hậu hiểu rất rõ về vùng đất này. Cô đã chia sẻ cho chồng của mình hiểu hơn về quê ngoại. Từ đó 2 vợ chồng đã thống nhất đưa ra phương án phù hợp nhất thời điểm đó là "Trở về rừng" để cùng nhau lập nghiệp.
Khi về tới Hà Giang cũng là quê hương thứ 2 của hai vợ chồng. Ở đó có ông bà ngoại. Gia đình ông bà cũng có quỹ đất rừng để hai vợ chồng dựng nhà và canh tác.
Thời gian đầu, với thiết bị, kiến thức về chụp ảnh, Phạm Xuân Dư vẫn tận dụng để nhận khách và chụp ảnh để có thu nhập cho gia đình. Cùng với đó nhận thấy địa hình cũng như con người ở đây phù hợp để quay Vlog, Dư bắt đầu thiết lập cho mình một kênh youtube để xây dựng và đã có thu nhập ổn định hơn.
Hậu bàn với chồng dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ cũ của ông bà ngoại ven bờ sông. Sau đó, cả hai trồng trọt và chăn nuôi để tự cung cấp lương thực cho gia đình. Đối với cô điều mừng nhất là hai con đã được sống trong môi trường trong lành, không có khói bụi. Sức khỏe của cả gia đình được cải thiện rõ rệt.
"Ban đầu về chúng tôi sẽ phải bắt tay vào ổn định cuộc sống và tất nhiên có nhiều vấn đề khó khăn cần vượt qua. Đời không như là mơ và những gì chúng ta nghĩ." Hậu tâm sự.
Sau 6 tháng dựng nhà và ổn định cuộc sống thì mùa mưa tới. Do địa chất ở đó không đảm bảo nên mảnh vườn, cùng một phần gần chân của ngôi nhà gỗ bị mưa làm sụt lún. Lúc đó 2 vợ chồng Hậu rất căng thẳng. Hậu thì muốn được về ở cùng ông bà ngoại, Dư thì lại muốn sống riêng.
Hậu tâm sự thời điểm đó là lúc rất áp lực với 2 vợ chồng, mọi thứ gần như đổ sập, bao nhiêu công sức đều bị thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Hai vợ chồng xuất hiện nhiều mâu thuẫn.
Nhưng rồi bỏ qua những khó khăn ấy, họ "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn". Thế là 2 vợ chồng vẫn cố gắng bám trụ lại ở đó.
Gây dựng cuộc sống từ đôi bàn tay trắng
Mỗi sáng, 2 vợ chồng Hậu sẽ thu hoạch các sản phẩm nhà nông như rau, trứng để có bữa ăn đủ dinh dưỡng cho cả nhà. Ngày nào có việc chụp ảnh thì Dư sẽ đi làm, còn những ngày không có việc thì ở nhà cùng phụ vợ các công việc của nông trại.
Không chỉ vậy, 2 vợ chồng còn phụ giúp công việc của ông bà ngoại như đi hái chè, chăm sóc cây cối, nuôi gà, lợn... Ở quê, 2 con của họ cũng nhập học ở trường gần nhà và cũng đã làm quen với môi trường mới.
Cuộc sống của gia đình dần đi vào quỹ đạo, riêng công việc của Dư thuận lợi hơn và có thu nhập ổn định. Hiện tại, 2 vợ chồng đã tìm được nơi an toàn để xây nhà nhỏ 2 gian trên đỉnh đồi.
Dư vui mừng vì đã thoát ra được những khó khăn ban đầu. Cậu lạc quan hơn khi thấy lựa chọn về Hà Giang của mình và vợ là đúng. Dư đã từ bỏ ý định trở về với thành phố.
Không những tự trang trải và đảm bảo được cuộc sống cho gia đình nhỏ. Vợ chồng Dư cũng chung tay góp sức nhỏ của mình để làm những chuyến thiện nguyện cho những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Hậu tâm sự: "Tôi rất vui vì chồng của mình đã hiểu hơn về mình, được cùng nhau san sẻ công việc. Cùng nhau vun vén chăm sóc hạnh phúc gia đình nhỏ. Những bữa ăn trở lên đầm ấm rộn vang tiếng cười của trẻ thơ. Công việc phát triển tốt..."