Khi Vo Thi Nhung kết hôn vào năm 2018, chị đang là giáo viên mầm non tại Việt Nam. Năm 2020, chị Nhung mang thai và nghỉ việc để cùng chồng (Tran Anh Dong) sang Hàn Quốc định cư.
Tháng 3-2021, con trai họ (Tran Viet Bach) chào đời tại TP Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Đến tháng 11-2022, hai vợ chồng gửi con tới nhà trẻ. Thế nhưng 5 ngày sau, bé Bach qua đời tại cơ sở này.
Theo báo The Korea Times, khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé bị chết ngạt. Cảnh sát điều tra cho biết giáo viên nhà trẻ muốn ép cậu bé ngủ và đã dùng vũ lực đè lên bé trong 15 phút.
Công tố viên đề nghị mức án cho giáo viên là 30 năm tù. Bởi theo công tố viên, cái chết của em bé là vụ giết người do lỗi bất cẩn nghiêm trọng, trong khi bị cáo nói do "tai nạn". Chủ tọa phiên tòa kết án người này 19 năm tù vào tháng trước.
Hai vợ chồng đã kháng cáo, cho rằng phán quyết chưa đủ tính răn đe. Anh Tran nói với The Korea Times: "19 năm chẳng có nghĩa lý gì. Bà ấy giết một đứa trẻ mà chỉ phải ngồi tù 19 năm? Chúng tôi đang đấu tranh để bà ấy chịu mức án hơn 19 năm".
Tran Anh Dong và con trai tại nhà riêng khi bé còn sống. Ảnh: The Korea Times
Anh Tran vẫn nhớ hình ảnh khỏe mạnh của con trai. "Bé hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngon ngủ tốt. Và con trai tôi đột ngột qua đời. Thật khó chấp nhận" – anh chia sẻ với The Korea Times.
Dư luận Hàn Quốc nhiều lần rúng động vì những vụ ngược đãi trẻ em. Theo các chuyên gia, việc ngược đãi chủ yếu xảy ra ở nhà, nhưng cũng có những vụ trẻ em bị ngược đãi do giáo viên giữ trẻ.
Hai vợ chồng anh Tran sống trong cảm giác tội lỗi vì đã gửi con trai đến nhà trẻ.
Anh Tran cho biết thêm: "Tôi phải phẫu thuật lưng và vợ đi học. Chúng tôi cần sự giúp đỡ và coi cơ sở giữ trẻ vào ban ngày là giải pháp. Nghĩ lại mới thấy chúng tôi thật ích kỷ. Tôi có thể hoãn cuộc phẫu thuật. Vợ đi học sau cũng được".
Gần 6 tháng sau vụ việc, hai vợ chồng phải phụ thuộc vào thuốc ngủ đi điều trị tâm lý. Anh Tran thú nhận: "Chúng tôi cảm thấy chính mình đã giết chết con". Cả hai không thông báo cho cha mẹ chính xác những gì đã xảy ra. Anh Tran noi: "Chúng tôi chỉ nói cháu đã mất không nói nguyên nhân thực sự. Chúng tôi không muốn nói ra sự thật bởi họ sẽ lo lắng và đổ bệnh mất".
Vo Thi Nhung và con trai. Ảnh: The Korea Times
Hai vợ chồng cũng có cuộc sống không dễ dàng ở Hàn Quốc. Anh Tran bị thương tại nơi làm việc nhưng người chủ Hàn Quốc từ chối trả tiền điều trị. Anh phải tự chi trả tiền phẫu thuật. Hiện tại, hai vợ chồng trang trải cuộc sống dựa vào nguồn thu nhập của chị Nhung. Chị Nhung có thị thực sinh viên, kiếm được chút đỉnh từ công việc bán thời gian.
Dẫu vậy, anh Tran nói rằng hai vợ chồng "vẫn muốn định cư ở Hàn Quốc và gầy dựng gia đình nhưng không phải bây giờ. Khi chúng tôi có con, chúng tôi sẽ không gửi cháu đến nhà trẻ cho đến khi cháu biết nói".
Kang Hee-soo, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng đứa bé có thể đã được cứu nếu các nhân viên cẩn thận hơn. Ông nhấn mạnh rằng các luật hiện hành ở Hàn Quốc phải được sửa đổi để phụ huynh có quyền truy cập camera quan sát thường xuyên và dễ dàng. "Chỉ như thế, nhân viên tại các cơ sở giữ trẻ sẽ mới cẩn thận hơn" – ông Kang nói với The Korea Times.