Câu chuyện của cặp vợ chồng dưới đây, được đăng tải trên một hội nhóm mạng xã hội là ví dụ như thế. Theo chia sẻ của cô vợ, sau 14 năm kết hôn, họ đã làm được căn nhà tiền tỷ và có khoản tiết kiệm 400 triệu. Cả hai sống ở vùng nông thôn, có tổng thu nhập hàng tháng là 23 triệu (vợ làm công nhân kiếm 13 triệu/tháng, chồng làm xây dựng kiếm 10 triệu/tháng).
Đáng chú ý là bảng chi tiêu của cặp đôi cho gia đình 6 người (2 vợ chồng, 3 con và bà nội), được nhiều người nhận xét là "chi tiêu quá khéo", phù hợp với tình hình tài chính của gia đình. Bảng chi tiêu trung bình hàng tháng của gia đình này như sau:
- Điện, ga: 1 triệu.
- Tiền học của 3 con: 2 triệu.
- Tiền ăn: 4 triệu.
Cô vợ chia sẻ cặp đôi không ăn trưa ở nhà. Ngoài ra, gia đình không ăn uống cầu kỳ mà mỗi bữa hàng ngày chỉ có khoảng 1-2 món mặn và rau. Bên cạnh đó, rau và gạo hàng ngày của nhà là tự làm, không cần phải mua.
- Sữa tươi và thuốc bổ cho con: 1,5 triệu.
- Chi phí di chuyển của hai vợ chồng: 300 ngàn.
- Tiền ma chay, cưới hỏi: 2 triệu.
- Mua quà cho 2 bên nội ngoại: 1 triệu.
- Tiền chi phí phát sinh, ốm đau hoặc tiêu vặt của hai vợ chồng: 1,5 triệu
Bên cạnh đó, nếu hai vợ chồng có tiền thưởng Tết là 30 triệu thì sẽ dành để chi tiêu cho Tết, hoặc cho con đi nghỉ hè ở những địa điểm gần nhà để đỡ chi phí.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người dành lời khen cho cách quản lý chi tiêu của cặp đôi này. Sống ở vùng quê, thu nhập không quá cao song họ đã dần có được những tài sản cho riêng mình, đủ để lo cuộc sống của gia đình. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ rằng đã học được nhiều bí quyết tiết kiệm cho gia đình mình sau khi đọc chia sẻ của người vợ.
- "Thực tế quá ạ. Ngưỡng mộ gia đình ăn tiêu cơ bản, vẫn tích góp được nhưng cũng không quá tiết kiệm. Như thế này là quá giỏi và khéo rồi ạ".
- "Vén giỏi quá. Nhà mình có 3 đứa con, 2 vợ chồng mà tháng bay gần 80 triệu. Mình không biết vén kiểu gì. Chuyển học cho con thì không nỡ vì con học tư nó quen rồi".
- "Bài của bạn đọc còn thấy thực tế, chứ không như nhiều bài đăng về chi tiêu khác. Cảm ơn bạn, nhà mình đã học được thêm một số mẹo từ bạn rồi".
- "Chúc mừng bạn ạ. Đọc bài mà mình thấy có cái đáng học tập và ngưỡng mộ".
- "Tiết kiệm giỏi quá chị ơi. Xia vía ạ".
Mẹo tiết kiệm dành cho vợ chồng
Nhìn lại bảng chi tiêu của cặp đôi trên, không khó để nhận ra một trong những cách giúp họ làm được nhà và sở hữu tài sản là chi tiêu ở mức tối thiểu. Sống tiết kiệm giúp vợ chồng có khoản tiền dư từ tiền lương hàng tháng, thay vì chi tiêu phung phí cho các nhu cầu không cần thiết.
1/ Lập kế hoạch chi tiêu bài bản cho gia đình
Việc thiết lập hoạt động này sẽ giúp bạn phân bổ rõ định mức sử dụng phù hợp cho từng thành viên và kiểm soát nguồn tài chính hàng tháng trong gia đình. Bạn có thể áp dụng cách tiết kiệm cho gia đình theo phương pháp JARS bằng cách chia các chi tiêu hàng ngày vào từng hộp riêng. Cụ thể như sau:
- Hộp chi tiêu hàng ngày (55%): Dành cho các khoản chi tiêu cần thiết hàng ngày, như: tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền đi lại, tiền thuê nhà và các khoản chi phí sinh hoạt khác.
- Hộp tiết kiệm (10%): Dành cho việc tiết kiệm, đầu tư hoặc dự phòng khẩn cấp - giúp bạn đối phó với những tình huống bất ngờ và giảm thiểu rủi ro tài chính.
- Hộp giáo dục và phát triển bản thân (10%): Dành cho việc học tập, nâng cao kỹ năng như: tham gia khóa học, đọc sách và các hoạt động giúp các thành viên phát triển bản thân.
- Hộp giải trí (10%): Dành cho các hoạt động giải trí như xem phim, du lịch, mua sắm và các hoạt động giúp bạn thư giãn, xả stress.
Hộp chi tiêu lớn (10-20%): Dành cho các khoản chi tiêu lớn như: mua nhà, mua xe, sửa chữa, nâng cấp đồ đạc hoặc chuẩn bị cho các sự kiện lớn trong cuộc sống.
- Hộp quà tặng và từ thiện (0-5%): Dành cho việc mua quà tặng, từ thiện hoặc ủng hộ người thân, bạn bè và cộng đồng. Việc này giúp bạn thể hiện lòng nhân ái và duy trì mối quan hệ xã hội.
Tùy thuộc vào mục tiêu và nhu cầu cụ thể mà bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ dòng tiền phân bổ vào các hộp sao cho phù hợp nhất.
2/ Hạn chế mua đồ mình thích, chỉ mua đồ mình cần
Thay vì chi tiền theo cảm hứng nhất thời hay xu hướng phổ biến, bạn cần ưu tiên chọn mua những món đồ có tính ứng dụng cao, cần thiết nhất cho đời sống. Bên cạnh đó, chỉ nên dành một con số tối đa cho mua sắm vì sở thích, chẳng hạn như 5-15% thu nhập hàng tháng. Việc hạn định số tiền mua sắm khiến bạn cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi mua thứ gì đó cũng như hình thành thói quen mua sắm tiết kiệm, hợp lý. Đây chính là cách tiết kiệm tiền hiệu quả, giúp bạn giảm bớt chi tiêu hàng tháng.
3. Có khoản dự phòng
Khoản dự phòng được chuẩn bị trước cho những rủi ro xảy ra trong cuộc sống như ốm đau, thất nghiệp, tài sản hư hại,… Trong đó, rủi ro về sức khoẻ và tính mạng là phổ biến nhất cũng như cũng tốn kém nhất. Chính vì thế, bạn có thể tìm mua bảo hiểm, hoặc chỉ đơn giản là tích tiền hàng tháng để dự phòng tài chính hiệu quả.