* Cả hai "chốt" mảnh đất khi mới chỉ xem qua ảnh vệ tinh.
* Họ tự tay lên kế hoạch xây dựng, cải tạo mảnh đất. Thành quả khiến bao người trầm trồ.
* Yêu thích làm nông, nhưng cặp đôi không thể bỏ hẳn phố để về quê .
Sau nhiều năm "vật lộn" ở thành phố, hiện tại vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy An (34 tuổi, nhân viên bảo hiểm đang công tác tại Hà Nội) đã được chính thức gia nhập hội "nông dân" Việt Nam.
Được biết, vợ chồng chị An vốn cùng yêu trồng cây, mê sắc xanh cây lá. Hiện đang sống ở một khu đô thị tại Hà Nội, tuy nhiên, từ trước đến nay họ vẫn mơ ước sở hữu khu đất mà khi mở cửa bước ra, trước mắt sẽ là rừng cây xanh um, mát lành.
Gia đình có 3 con nhỏ, do đó chị Thúy An vẫn luôn đau đáu nỗi lo lắng về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Vợ chồng chị mong muốn có mảnh đất rừng để tận hưởng cuộc sống bình yên, gần với thiên nhiên, vừa kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình.
Năm 2022, họ quyết định lên Hòa Bình, tìm mua đất rừng để ở và làm trang trại: "Khi đi xem khu đất ở Kim Bôi, Hòa Bình này thì xung quanh đúng nghĩa là rừng, um tùm cây xanh.
Vợ chồng mình "chốt" mua đất là qua ảnh vệ tinh thôi, vì rừng bao quanh rậm rạp quá, đường vào thì xấu. Chỉ vì mảnh đất giống với ước mơ của hai vợ chồng, khi bước đến khu vực này cảm giác thân thuộc, thoải mái nên thôi quyết luôn.
Đất nhà mình tổng khuôn viên nhà 1500m2, và giáp với rừng gần 2ha. Khi mình mua thì có sẵn một cái nhà sàn, sau đó mình và chồng tự lên ý tưởng, vẽ lại nhà rồi gọi thợ về sửa nhà chứ không thuê thiết kế.
Sau gần 2 năm với bao phen cỏ tốt vào tận cửa nhà sàn, bọn mình đã lấy đà hết sức để làm một lần cho ra làm. Ấy vậy là sau nửa năm, mọi thứ dần đi vào ổn định, thực phẩm bắt đầu đã có mang về".
Phía trong khuôn viên nhà sàn, chị Thúy An trồng hoa hồng, hoa đào, hoa mai... cùng các loại rau của phục vụ nhu cầu của gia đình như: Đậu, đỗ, ngô, lạc, bầu, bí, rau cải, rau khoai, mồng tơi, cà chua... Diện tích còn lại chị trồng cỏ làm sân chơi cho các con.
Phía ngoài là khu vực chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn, ong. Tiếp theo là khu vực đất rừng để trồng cây dược liệu, cây ăn quả như na, mít, ổi, xoài cùng nhiều loại rau rừng khác.
Ngoài ra, bao quanh mảnh đất gia đình chị Thúy An sống còn có khu vực trồng cây lâu năm và khu vực rừng tự nhiên. Họ để lại 15-20% đất trống phía trên cao để gà rừng và các loại động thực vật tự nhiên trú ngụ.
Bao quanh nhà, rau trái xanh tươi, trù phú
Chia sẻ hình ảnh căn nhà sàn xinh xắn nằm giữa rừng, bao quanh là trang trại trù phú với đủ các loại rau trái, vật nuôi cùng những bữa cơm được chế biến từ thực phẩm sạch tự cung tự cấp tại chỗ, đôi vợ chồng Hà Nội khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, ước ao.
Chi số tiền kha khá cùng nhiều tâm sức để đổi lấy sự bình yên
Được biết, hiện tại chị Thúy An và chồng vẫn sống, làm việc tại Hà Nội. Vì điều kiện công việc và các con, bố mẹ hai bên vẫn cần đến môi trường sống ở thành phố, vợ chồng chị không thể "bỏ phố" hẳn để lên rừng.
Thay vào đó, họ sắp xếp 1-2 lần/tuần lên Hòa Bình thăm nhà và làm vườn: "Mình thường đi từ rất sớm để kịp quay trở về nhà ở Hà Nội với các bạn nhỏ không quá trễ. Cuối tuần, mình sẽ sắp xếp xen kẽ, tuần thì cả nhà lên đồi thư giãn, tuần khác sẽ đưa các bạn nhỏ đi chơi, khám phá các nơi.
Với vợ chồng mình, sở thích "làm nông dân" cũng phải sắp xếp hài hoà với việc giành thời gian cho con nhỏ và bố mẹ già. Chưa kể, công việc của tụi mình ở thành phố vẫn mang đến nguồn thu nhập chính đảm bảo cho cuộc sống gia đình, nên không nghĩ đến chuyện "bỏ phố" được".
Theo chị Thúy An, về rừng "nuôi cá, trồng rau" không dành cho những ai mơ mộng về cuộc sống an nhàn. Bởi khó khăn, vất vả, tốn kém... đó là tất cả những gì vợ chồng chị đã trải qua trong suốt 2 năm qua để có được thành quả như hôm nay.
Để có được mảnh vườn trù phú, tốt tươi như hiện tại, đôi vợ chồng Hà Nội đã bỏ ra nhiều chi phí và cả thời gian, tâm sức. Đặc biệt là những ngày đầu khi mới bắt tay vào làm từ con số không tròn trĩnh.
Chị Thúy An tâm sự: "Ở rừng, chúng mình đa số làm việc bằng sức người, ít có máy móc hỗ trợ. Có nhiều khó khăn vì trước đó mình cũng trồng trọt nhưng làm ở diện tích hẹp, còn giờ diện tích lớn. Thêm vào đó, đồi cách xa chỗ ở nên việc đi lại, quản lý cũng vất vả.
Các chi phí cho việc làm đồi, làm trang tại không hề nhỏ. Nhất là với những người mới chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp như vợ chồng mình.
Mình phải vừa làm, vừa học hỏi, thuê người trông coi và chăm sóc vườn lúc mình không ở đó nên dù đã tự cung cấp thực phẩm cho gia đình nhưng mình vẫn hay nói đùa là đang mua thực phẩm của chính mình với giá cao".
Dù nhiều vất vả, thử thách, nhưng với vợ chồng chị An, đây vẫn là một hành trình thú vị và gia đình nhỏ luôn háo hức với những trải nghiệm tại căn nhà sàn, mảnh vườn nằm giữa rừng xanh.
Theo thời gian, khi mọi thứ dần hình thành và đi vào ổn định, chị An cảm thấy thành quả rất xứng đáng với công sức mà cả gia đình bỏ ra.
Hành trình này, theo chị là rất đáng để trải nghiệm với những ai yêu thích cuộc sống bình yên, trong lành, cách biệt với phố thị ồn ào. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự chuẩn bị chu đáo, nền tảng kinh tế vững chắc cùng rất nhiều sự kiên trì.