Theo đuổi cuộc sống tự do, không muốn đi làm
Dương Ngũ Đức là người gốc Thành Đô, Trung Quốc, lớn lên trong một gia đình trí thức, được học nhạc từ bé. Vợ của anh là A Chi, lớn lên ở Hạ Môn, sau này tới Trùng Khánh, Trung Quốc để theo học mỹ thuật. Cả hai đều theo đuổi nghệ thuật nên rất có cá tính, thích sống tự do và không muốn bị trói buộc.
Sau khi tốt nghiệp, cả hai người đều lựa chọn không đi làm mà chỉ trở thành một freelancer, do nhận thấy tính cách bản thân không phù hợp với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Họ theo đuổi cuộc sống tự do tự tại, mà vẫn có thể kiếm tiền bằng chính năng lực và nghề nghiệp của mình.
Cả hai vợ chồng đều theo đuổi nghệ thuật nên rất có cá tính, thích sống tự do và không muốn bị trói buộc.
Hiện nay, A Chi là một blogger thời trang. Buổi sáng thức dậy, cô sẽ vẽ, chụp và chỉnh sửa ảnh, cắt ghép video, sau đó đăng lên mạng. Dương Ngũ Đức là một người chơi didgeridoo, loại nhạc cụ nguyên thủy của thổ dân Maori ở Úc, là một trong những loại nhạc cụ lâu đời nhất trên thế giới. Nhiều người tò mò về loại nhạc cụ này nên anh thường xuyên có cơ hội biểu diễn và kiếm thu nhập.
Cũng bởi không đi làm, dành hầu hết thời gian ở nhà nên đối với họ, nhà là một trường năng lượng đặc biệt. Do đó, không khó hiểu tại sao, ngôi nhà được hai người lựa chọn lại đặc biệt đến vậy.
Ngôi nhà đặc biệt như "hang động chốn nguyên thủy"
Năm 2020, tại vùng ngoại ô phía nam Thành Đô, vợ chồng Dương Ngũ Đức và A Chi đã xây dựng một ngôi nhà theo kiểu "hang động". Đây vốn là một căn nhà cũ có diện tích chưa đầy 100m2. Cả hai đã tự tay thiết kế và trang trí lại, mất hơn 8 tháng để hoàn thành.
Bước vào nhà của họ giống như về lại chốn nguyên thủy, lạ lùng nhưng đầy hấp dẫn.
Ngôi nhà đặc biệt không cần tới điều hòa vẫn "đông ấm hạ mát" quanh năm, giúp cả hai tiết kiệm một khoản chi phí sinh hoạt lớn.
Toàn bộ không gian được thống trị bởi màu đất, tông màu cực kỳ tối.
Các bức tường không hề bằng phẳng mà có vết nứt, vết gồ ghề giống như đá và vỏ cây lốm đốm.
Nội thất cũng sử dụng tone màu nâu làm chủ đạo, mang vẻ hoài cổ đậm nét.
Ngôi nhà với hình dáng một hang động, lại được bao quanh bởi cây cối, đem lại cảm giác như đang sống giữa thiên nhiên hoang dã, đầy kích thích nhưng cũng rất có cảm giác an toàn.
Thiết kế chính của ngôi nhà của hai vợ chồng tự thực hiện, không ngừng điều chỉnh trong suốt quá trình làm.
Bước qua cửa vào, mọi người sẽ thấy bên trái là phòng khách, bên phải là phòng ăn và nhà bếp, cuối phòng khách là một tấm chiếu tatami lớn. Tấm chiếu này được chia thành hai không gian: một phòng trà nhỏ và một phòng nhỏ - là nơi luyện đàn của anh Dương. Sau đó là phòng ngủ chính, phòng ngủ thứ hai và ban công nhỏ bên ngoài phòng ngủ thứ hai.
Họ cố gắng giảm bớt các bức tường để không gian trở nên xuyên suốt hơn. Hình dạng của cửa vòm giúp giảm bớt sự cứng nhắc của không gian, giúp mọi thứ thêm giống một hang động.
Đây vốn là một căn nhà cũ có diện tích chưa đầy 100m2. Cả hai đã tự tay thiết kế và trang trí lại, mất hơn 8 tháng để hoàn thành.
Để mô phỏng như một hang động, tầng một của ngôi nhà được thiết kế khá tối, không có nhiều ánh sáng. Để cân bằng chức năng, số lượng đèn trong nhà được tăng lên, nhưng độ sáng của đèn lại giảm xuống.
Tất cả tạo ra một bầu không khí mơ hồ và yên tĩnh, mang đến cho mọi người cảm giác được bao bọc tương đối ổn định, thích hợp để ở lại trong một thời gian dài.
Hầu hết những đồ trang trí nhẹ nhàng trong nhà đều là đồ cũ mà hai vợ chồng tự tay lùng sục ở nước ngoài.
Những dấu vết của thời gian lắng đọng trên chính những đồ dùng đó có một "hương vị" rất riêng, thu hút cả hai người họ.
Nhìn chung, nó không chỉ có khuynh hướng thẩm mỹ bóng tối của phong cách wabi-sabi phương Đông, mà còn đem lại cảm giác như ở một bộ lạc nguyên thủy, với sự đơn giản và nét thô ráp điểm xuyết khắp nơi.
Có thể nói, những năm học tập và tích lũy sáng tạo trong môi trường nghệ thuật, cũng như kinh nghiệm và trải nghiệm du lịch và cuộc sống, đã dần dần hình thành xu hướng thẩm mỹ rất đặc biệt của hai người họ.
Đối với vợ chồng anh Dương, không có phong cách hay hệ thống cố hữu nào cả. Tất cả đều là sự tích hợp diễn ra một cách tự nhiên.
Cũng bởi không đi làm, dành hầu hết thời gian ở nhà nên đối với họ, nhà là một trường năng lượng đặc biệt.
"Theo quan điểm của chúng tôi, nhà là một cơ thể sống hữu cơ, thực chất là biểu hiện của điều kiện sống hiện tại. Điều thú vị là gu thẩm mỹ và sở thích của mỗi người là khác nhau, chúng ta chỉ thuận theo cái mình thích, ‘thuộc tính’ của bản thân rồi sẽ tự nhiên thể hiện ra", anh Dương cho biết.
"Với chúng tôi, xây tổ ấm là chọn cách sống. Chúng tôi đặt suy nghĩ vào đó, để nó hóa hình và chạm xuống đất, cuối cùng, phản ánh chính cuộc sống hiện tại của mình ở đó."
*Nguồn: Oneyi